Sắp đến lượt HDBank đón “mùa vàng bảo hiểm”?

Sau những thương vụ lớn như tại Vietcombank và ACB những năm vừa qua, thị trường chờ đợi HDBank sẽ chính thức nhập cuộc với “mùa vàng bảo hiểm”.

HDBank đón “mùa vàng bảo hiểm”

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã HDB) vừa có kế hoạch tuyển dụng thêm 1.000 nhân viên bán hàng, phục vụ cho chiến lược bán lẻ trong đó có bảo hiểm.

Kế hoạch trên được chú ý, khi trong một báo cáo gần đây Công ty Chứng khoán Vietcombank – VCBS đề cập đến khả năng “HDBank sẽ ký kết thỏa thuận bảo hiểm độc quyền trong năm 2022 và ghi nhận trong 2 năm”.

Nếu khả năng trên hiện thực, đây sẽ là ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp bước xu hướng đón “mùa vàng bảo hiểm” tại Việt Nam. Trước đó, thị trường đã ghi nhận nhiều NHTM cụ thể hóa hướng đi này, đặc biệt ở những thương vụ lớn như Vietcombank đạt khoảng 400 triệu USD phí trả trước với hãng bảo hiểm FWD, hay ACB với SunLife khoảng 370 triệu USD…

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, trả lời cổ đông, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank cho biết nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế đã đặt vấn đề hợp tác, nhưng vì tình hình dịch COVID-19 nên vẫn chưa thương lượng xong. Mặt khác, “chúng tôi cũng chưa vội vàng ký bởi cơ hội tăng giá trị hợp đồng trong năm nay hoặc năm tới rất lớn”, bà Thảo nói tại đại hội.

Như vậy, sau một năm trôi qua, đặc biệt là với gợi mở khả năng nói trên từ VCBS, triển vọng ký thỏa thuận bảo hiểm độc quyền với thương vụ mới của HDBank dự kiến sẽ là một trong những điểm nội dung cổ đông quan tâm tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay.

Trong khi đó, dù chưa ký hợp tác độc quyền để có nguồn thu trước, HDBank đang có doanh số riêng tự triển khai ở lĩnh vực này với tốc độ đáng chú ý.

Cụ thể, HDBank mới chỉ thành lập Khối Ngân hàng Bảo hiểm vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, mảng này đã bắt đầu có đóng góp lớn trong cơ cấu nguồn thu năm vừa qua.

Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, năm 2021 HDBank đạt lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó Khối Ngân hàng Bảo hiểm có đóng góp với hơn 700 tỷ doanh thu phí bảo hiểm.

Năm 2022, HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng hơn gấp đôi, đạt doanh số phí bảo hiểm khoảng 1.600 tỷ đồng, qua đó dự kiến có mặt trong top 5 các ngân hàng ở lĩnh vực này và phấn đấu vào top 3 năm 2025. Mục tiêu này được xây dựng trên cơ sở chưa ký thỏa thuận độc quyền với công ty bảo hiểm nào.

Tại Việt Nam, từ năm 2017, đặc biệt trong năm 2019 và 2020, nhiều NHTM đã tiến hành ký thỏa thuận độc quyền phân phối với công ty bảo hiểm, như Sacombank với Daiichi, Techcombank với Manulife, SHB với Daiichi, OCB với Generali, TPBank với Sunlife, VIB với Prudential, Vietcombank với FWD, ACB với Sunlife…

Trong năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm của hầu hết các NHTM như TPB, Vietcombank, SCB, Techcombank… đều tăng trưởng rất cao so với năm 2020, từ khoảng 80% đến gần 90%. Sức tăng trưởng này phản ánh xu hướng của một mảng tiềm năng tại Việt Nam, gắn với hoạt động của các NHTM, và càng được chú ý khi vẫn tăng trưởng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và kéo dài.

Theo Nhipsongdoanhnghiep