Sao không bảo hiểm tỷ giá?

KTĐT – Thị trường ngoại hối chưa hết khó khăn, doanh nghiệp (DN) vẫn xếp hàng mua USD, tỷ giá thị trường tự do ngày 12/8 tiếp tục tăng mạnh lên mức 19.260 – 19.290 đồng/USD, chênh lệch với tỷ giá chính thức 160 – 200 đồng/USD.

Thực tế cho thấy, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá đóng vai trò quan trọng, song nhiều DN vẫn khá thờ ơ với công cụ bảo hiểm này. Do không có bảo hiểm tỷ giá, khi biến động xảy ra gần như DN lãnh đủ thay vì được ngân hàng “chia sẻ” nếu sử dụng bảo hiểm hay các sản phẩm phái sinh.

Rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất ngoại tệ là một thực tế bất khả kháng và thực tế, trong vài năm gần đây, rất nhiều DN Việt Nam như Xi măng Sông Gianh, Nhiệt điện Phả Lại, Dược Hậu Giang hay Nhựa Bình Minh đã dính phải. Năm 2008, Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC) thiệt hại nặng vì khoản vay 37 tỷ Yên Nhật. PPC phải chịu thiệt kép hàng tỷ đồng khi VNĐ trượt giá so với USD, trong khi USD lại giảm giá so với Yên.Sang năm 2009, lợi nhuận của công ty này tiếp tục giảm hơn một nửa do phải trích lập khoản chênh lệch tỷ giá khoảng 527 tỷ đồng.

Là một DN dược kinh doanh nội địa, doanh thu xuất khẩu của Cty Dược Hậu Giang (DHG) không đáng kể, chỉ khoảng 1,5 – 2 triệu đô la Mỹ/năm; trong khi đó giá trị nhập nguyên liệu khá lớn, khoảng 30 triệu USD/năm nên tỷ giá thay đổi đã có tác động lớn đến giá thành sản phẩm của công ty. Việc thay đổi tỷ giá vào tháng 11 năm ngoái đã khiến cho DN bị sụt giảm lợi nhuận so với dự đoán.

Để tránh rủi ro cho DN, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo DN nên mua bảo hiểm tỷ giá hoặc sử dụng công cụ hoán đổi lãi suất. Trong đó, hoán đổi lãi suất là công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá rất hiệu quả. Ví dụ, DN có một khoản vay USD trong vòng 10 năm, thông thường các ngân hàng cho vay lãi suất cố định năm đầu tiên, những năm sau lãi suất thả nổi. Để giúp các DN tránh rủi ro về sự biến động của lãi suất, ngân hàng sẽ bảo hiểm rủi ro cho DN bằng cách chuyển đổi lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định 10 năm. Hoặc nếu DN có doanh thu chủ yếu bằng tiền đồng nhưng có khoản nợ bằng ngoại tệ, có thể chuyển đổi tiền vay bằng ngoại tệ sang tiền đồng tránh những rủi ro về tỷ giá được chốt ngay tại thời điểm ký kết hợp đồng. Việc hoán đổi này sẽ giúp DN xác định chi phí vay vốn và phòng ngừa rủi ro trong trường hợp diễn biến lãi suất bất lợi, đồng thời giúp giảm chi phí vay vốn trong trường hợp lãi suất trên thị trường có xu hướng tăng.

Với hợp đồng kỳ hạn,DN vay ngoại tệ có thể ký hợp đồng mua ngoại tệ với mức giá mình chấp nhận được vào thời điểm trả nợ để đảm bảo có ngoại tệ trả cho ngân hàng. Việc này sẽ giúp các DN chủ động được chi phí đầu vào và tính vào giá thành sản phẩm trước.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Nguyễn Thị Ngọc Vân lý giải: “Bản chất của dịch vụ phái sinh này là DN trích cho ngân hàng một khoản phí (phí rủi ro hối đoái) thì toàn bộ rủi ro về tỷ giá của DN, ngân hàng sẽ chịu”. Bà Vân cho hay, nhiều ngân hàng như An Bình, Eximbank, Vietinbank, Vietcombank, Sacombank, ACB… đã triển khai dịch vụ bảo hiểm tỷ giá cho DN từ lâu, nhưng đến nay số DN xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ này rất ít. Hiện tại, vẫn chưa có thống kê đầy đủ về số vụ thiệt hại về rủi ro hối đoái, trong khi những vụ “tai nạn” về tỷ giá vẫn đang tăng lên. TS Kinh tế Nguyễn Quang Hưng đề xuất, nên chăng trong nhiều trường hợp cụ thể, DN buộc phải mua bảo hiểm tỷ giá như các loại bảo hiểm khác. Một khi DN yên tâm vì đã có bảo hiểm thì họ sẵn sàng bán USD cho ngân hàng, tình hình khan hiếm ngoại tệ “ảo” cũng giảm mạnh và không cần chờ buộc phải kết hối (bán ngoại tệ cho ngân hàng theo tỷ lệnhất định).

 

Nguyên Huyền
 Báo điện tử Kinh tế & Đô thị

Comments are closed.