(TBKTSG Online) – Thật nghịch lý khi Chính phủ muốn thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho một số loại cây trồng vật nuôi và thủy sản nhưng đồng thời vẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho nông dân bị thất bát khi sản xuất do thiên tai, mất mùa do dịch bệnh. Kiểu thực hiện chính sách nửa vời này càng kéo dài thói quen, tâm lý trông chờ, ỷ lại nhà nước của nông dân và còn lâu mới hình thành một thị trường bảo hiểm nông nghiệp.
Hôm 31-12-2009, Thủ tướng ký quyết định số 142/2009/QĐ – TTg, quy định việc hỗ trợ cho nông dân khi sản xuất bị thiệt hại. Theo đó, từ ngày 15-2-2010, nông dân sẽ được nhà nước hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng hay bằng tiền nếu diện tích nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Tùy theo mức độ thiệt hại khác nhau mà người dân nhận được mức hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn với diện tích cây lúa, người dân được hỗ trợ tối thiểu 500.000 đống/héc ta với mức thiệt hại từ 30-70%, 1.000.000 đồng/héc ta nếu thiệt hại 70% và 2.000.000 đồng/héc ta nếu thiệt hại trên trên 70%.
Với nuôi trồng thủy sản, mức hỗ trợ từ 1.000.000-5.000.000 đồng; với chăn nuôi trâu bò, mức hỗ trợ là 2.000.000 đồng/con giống, lợn là 500.000 đống/con giống và gia cầm từ 7.000-15.000 đồng/con giống.
Trong khi đó, ngày 6-1-2010, Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng tới năm 2020. Trong đề án này, thực hiện thí điểm bảo hiểm sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực cho một số loại sản phẩm nông thủy sản như một giải phát phát triển thương mại nông thôn.
Trước đó, nghị quyết của Chính phủ về an ninh lương thực quốc gia, cũng giao Bộ Tài chính trình phương án phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp trong quý 1 này cho Chính phủ.
Như vậy, rõ ràng Chính phủ muốn phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp, một quy luật tất yếu của phát triển nền nông nghiệp mà gần như quốc gia nào cũng phải thực hiện để giảm bớt sự hỗ trợ của nhà nước cho nông dân. Hay nói cách khác, bảo hiểm nông nghiệp là cách ngắn nhất để nông dân từ bỏ thói quen ỷ lại nhà nước đứng đằng sau nếu sản xuất gặp rủi ro.
Việt Nam là xứ nhiệt đới, mưa bão, lũ lụt, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, nên nông dân và sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nào là mưa bão ở miền Trung, lũ ở miền Tây, dịch bệnh vàng lùn xoắn lá lúa, dịch rầy nâu; vật nuôi thì cúm gia cầm, lở mồm long móng trên heo, trâu bò, heo tai xanh, miền Bắc thì trâu bò bị chết rét vào mùa đông…
Hằng năm, ngân sách nhà nước chi ra năm ít thì 200 tỉ đồng, năm nhiều thì 300-400 tỉ đồng (chưa tính ngân sách địa phương) để hỗ trợ nông dân từ tiêu hủy gia cầm do bị cúm, tiêu hủy heo do bị dịch, tiêu hủy lúa do nhiễm bệnh vàng lùn…
Và cũng từ lâu, các chuyên gia ngành nông nghiệp liên tục đề xuất nhà nước, thay vì dùng ngân sách hỗ trợ nông dân trực tiếp bị thiệt hại trong sản xuất thì gián tiếp hỗ trợ nông dân sẽ hay hơn. Hình thức gián tiếp đó là hỗ trợ nông dân một phần tiền mua bảo hiểm nông nghiệp cho mảnh vườn, trại bò, trại gà hay ao cá của mình như đã từng làm là hỗ trợ chủ tàu cá mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên.
Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bán các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để các doanh nghiệp này nghiên cứu rủi ro, tính toán sản phẩm cho phù hợp với trình độ nông dân trong nước. Thậm chí nhiều nhà khoa học còn cho rằng, một phần trong số tiền hỗ trợ trực tiếp ấy, lẽ ra nhà nước nên thành lập quỹ tái bảo hiểm nông nghiệp thuộc nhà nước, như một chỗ dựa cho các công ty bảo hiểm, bởi các công ty bảo hiểm than phiền ở Việt Nam chẳng có tái bảo hiểm nông nghiệp, bởi e dè rủi ro.
Có lẽ việc Chính phủ muốn phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp là việc lâu dài, còn trước mắt thì vẫn phải hỗ trợ trực tiếp nhưng nếu kéo dài hỗ trợ trực tiếp thì thị trường bảo hiểm nông nghiệp chỉ là mong ước.
Và chừng nào trên đài truyền hình, tin tức phóng sự nông dân bị thiệt hại trong sản xuất không còn có cảnh nông dân nào gần như đều có câu cửa miệng “mong nhà nước xem xét hỗ trợ”, chuyển qua câu “chúng tôi đang chờ công ty bảo hiểm tính toán thiệt hại”, lúc đó nông nghiệp Việt Nam mới phát triển thật sự.
Võ Hồng Ngọc, TPHCM
Comments are closed.