Sản xuất đúng quy trình mới được bảo hiểm

Ông Tăng Minh Lộc - Ảnh: Đ.BìnhTT – 21 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước chính thức triển khai chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) từ ngày 1-7 đến hết năm 2013. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Minh Lộc, cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết:- Để thực hiện thí điểm thành công, trước mắt chỉ chọn 21 địa phương có nhiều điều kiện, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương này sẽ tiếp tục chọn một số huyện, xã để thí điểm trước.

Để được tham gia, các hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở địa bàn được chọn phải có đơn tự nguyện, cam kết thực hiện… Vì là thí điểm nên Nhà nước sẽ hỗ trợ hoàn toàn phí tham gia bảo hiểm cho các hộ nghèo. Còn hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%, các hộ còn lại được hỗ trợ 60%, các tổ chức tham gia được hỗ trợ 20%.

Tham gia BHNN thì khi xảy ra các loại thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi, người tham gia phải báo với UBND xã để xã báo với cơ quan bảo hiểm. Tùy mức độ thiệt hại cơ quan bảo hiểm sẽ có mức đền bù tương xứng. Cụ thể, với lúa, nếu thiên tai, dịch bệnh làm năng suất chỉ còn bằng 75% năng suất bình quân của ba vụ liền kề trước đó; dịch bệnh hoặc thiên tai làm ảnh hưởng, giảm 20% giá trị gia súc, động vật hoặc thủy sản sẽ được bảo hiểm tính toán để bồi thường. Nếu mất trắng hay phải tiêu hủy đương nhiên được bảo hiểm bồi thường 100%…

* Theo ông, điểm khó nhất khi triển khai chính sách này là gì?

– Cái khó nhất là làm sao để người dân tham gia bảo hiểm hiểu và làm đúng quy trình sản xuất. Để làm theo quy trình sản xuất nông nghiệp là rất khó, nhưng vẫn phải làm và thực tế công tác khuyến nông chúng ta đã làm khá thành công. Tham gia bảo hiểm mà sản xuất không đúng quy trình sẽ không được bảo hiểm bồi thường khi bị thiệt hại. Người dân quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nay cần làm theo quy trình thì phải có thời gian, phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn họ. Cái này không chỉ ngành nông nghiệp, khuyến nông mà chính doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần phải bắt tay trực tiếp tham gia mới thành công được.

Mục đích chính của BHNN là hướng người dân sản xuất theo quy trình, đúng kỹ thuật. Mặt khác, có BHNN sẽ giảm được nhiều gánh nặng cho Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân mỗi khi thiên tai, dịch bệnh.

* Với những quy định quá chặt chẽ như hướng dẫn sẽ gây khó khăn cho người nông dân tham gia. Doanh nghiệp bảo hiểm vì lợi nhuận sẽ khai thác các quy định này để siết người nông dân. Người tham gia bị thiệt thì lúc đó họ lại phải tìm cách để “lách luật”?

– Chắc chắn khi triển khai sẽ không thể tránh khỏi những việc như thế. Người ta sẽ tìm những kẽ hở để lợi dụng. Vậy nên các quy định phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết, quản lý phải minh bạch để người ta không tìm được kẽ hở. Ta mới chỉ thí điểm cũng vì vấn đề này, và trong khi triển khai những hạn chế, những kẽ hở bộc lộ thì ta sẽ vá lại, điều chỉnh để dần hoàn thiện, có chính sách tốt nhất khi triển khai nhân rộng.

* Theo quy định này, người dân nghèo chắc sẽ khó tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm. Bởi đã nghèo thì trình độ sản xuất hay sản xuất theo đúng quy trình là rất hạn chế. Vậy có cách gì để bảo vệ người nông dân nghèo?

– Tham gia bảo hiểm là bình đẳng, không có phân biệt. Nếu muốn thụ hưởng chính sách bảo hiểm thì chắc chắn phải thực hiện sản xuất đúng quy trình. Chúng tôi chỉ đưa ra những tiêu chí, quy mô, quy trình sản xuất. Còn Bộ Tài chính sẽ quy định chi tiết các gói bảo hiểm, đóng bảo hiểm mức nào thì được hưởng mức hỗ trợ tương xứng với từng mức độ thiệt hại. Cùng một loại cây, con, trên cùng một phạm vi nếu đóng mức phí cao thì hưởng hỗ trợ cao và ngược lại. Bây giờ thí điểm, Nhà nước hỗ trợ phí đóng bảo hiểm cho nông dân. Nhưng khi hết thí điểm, bất kể người dân nào khi tham gia bảo hiểm cũng đều bình đẳng. Người dân tùy khả năng mà lựa chọn gói bảo hiểm thấp hay cao.

* Tại sao lần thí điểm này không có địa phương nào đại diện cho khu vực miền núi, vùng khó khăn, dân tộc. Đến khi nào ta sẽ triển khai quy mô cả nước?

– Ta phải tính rất kỹ đến điều kiện, trình độ của người dân tham gia cũng như khả năng thành công của thí điểm. Ta thí điểm để qua thực tiễn có những bài học, kinh nghiệm nhằm xây dựng chính sách hoàn chỉnh. Chẳng hạn nếu bây giờ yêu cầu người dân làm theo quy trình thì với tập quán chăn nuôi thả rông gia súc của người miền núi không thể một sớm một chiều trong vòng hai năm mà bắt người dân thay đổi được. Hướng của ta vẫn là bảo hiểm phải toàn diện, tất cả mọi người dân ở mọi miền được tham gia. Nhưng theo tôi, sau khi kết thúc thí điểm (2013) cũng chỉ triển khai rộng hơn và tập trung ở những vùng sản xuất hàng hóa. Còn tiến đến làm đại trà, theo tôi, chắc phải đến tận năm 2015 ta mới làm được.

* Xin cảm ơn ông.

ĐỨC BÌNH thực hiện
tuoitre.vn

Comments are closed.