“Rút ruột” bảo hiểm thất nghiệp

Nên kinh tế suy giảm dẫn đến hệ lụy không tránh khỏi là tình trạng thấp nghiệp gia tăng. Chỉ trong tám tháng đầu năm, số tiền chi trợ cấp thất nghiệp đã hơn 1,3 lần so với cả năm ngoái. Liệu có tình trạng thất nghiệp ảo để trục lợi bảo hiểm thất nghiệp”?

 

Liên tiếp các doanh nghiệp tiết giảm nhân công, sản xuất bị đình đốn và người lao động bị mất việc. Báo cáo mới nhất của Bảo hiểm xã hội cho biết, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng năm tăng  không ngừng. Cụ thể, năm 2011 tăng 160% so với 2010, quý 1-2012 tăng 50% so với cùng kỳ năm 2011. Có tới 298.200 người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, số tiền trợ cấp thất nghiệp lên khoảng 1.411 tỉ đồng chỉ trong 8 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, cả năm 2011 có gần 387.000 người xin trợ cấp, với tổng số tiền khoảng 1.069 tỉ đồng. Như vậy, số người nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong hai năm vừa qua tăng rất cao.

Đáng chú ý, cơ quan này cho biết, ngoài thực tế một số người thất nghiệp thực thì xuất hiện tình trạng thất nghiệp “ảo”. Lợi dụng quy định về điều kiện hưởng BHTN còn chưa cụ thể, chưa xét tới nguyên nhân bị thất nghiệp nên một số lao động tự ý xin nghỉ việc để hưởng BHTN, sau đó quay trở lại làm việc tại chính đơn vị đó. Thậm chí, chủ sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động làm thủ tục hưởng BHTN (để ăn chia) nhưng thực tế người lao động vẫn làm việc bình thường tại đơn vị, hoặc chủ sử dụng lao động bố trí cho người lao động nghỉ việc từng đợt để giải quyết BHTN.

Tại một cuộc hội thảo diễn ra vào đầu tháng 8, ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai chỉ rõ cách thức lách luật: một số doanh nghiệp cắt giảm lao động hàng loạt (bằng cách cho thôi việc) rồi sau đó lại ký hợp đồng lại. Hành động này có lợi cho doanh nghiệp, bởi các công ty sẽ chỉ phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động với mức trước năm 2008. Số lao động khi đã có quyết định nghỉ việc sẽ mang hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm để xin trợ cấp thất nghiệp. Họ có đầy đủ hồ sơ, nên BHXH buộc phải giải quyết chế độ cho họ, dù đa số các trường hợp này nhận trợ cấp thất nghiệp trong lúc đang có việc làm. Rất nhiều lao động đề nghị nhận bảo hiểm thất nghiệp bằng cách ủy quyền.

Qua giám sát, kiểm tra của BHXH Việt Nam còn thấy xuất hiện tình trạng mức tiền lương đóng BHTN trong 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc của người lao động tăng cao bất thường (mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung), sau đó nghỉ việc hưởng BHTN ở mức cao, điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quỹ BHTN. Đại diện BHXH cũng nhận định, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng lên trong tình hình kinh tế khó khăn nhưng mức tăng đột biến như hiện nay nằm ngoài dự đoán.

Nguồn: daidoanket.vn

{flike}

 

Comments are closed.