(Webbaohiem) – Trong số các rủi ro kinh doanh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thảm họa thiên nhiên được xếp là mối lo ngại hàng đầu ở Đông Á và Thái Bình Dương, còn khủng hoảng nước là rủi ro số một khu vực Nam Á. Đây là kết quả khảo sát trích từ báo cáo “Rủi ro hoạt động kinh doanh năm 2019” do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hợp tác với Marsh & McLennan ty và Tập đoàn bảo hiểm Zurich thực hiện.
Báo cáo đưa ra viễn cảnh kinh doanh về tác động của những rủi ro mang tính toàn cầu và minh họa cách thức ảnh hưởng khác nhau ở mỗi khu vực. Đây là một phần trong nội dung quản trị rủi ro mở rộng tại “Báo cáo rủi ro toàn cầu” sẽ được công bố trước cuộc họp thường niên tiếp theo của Diễn đàn kể từ ngày 21 đến 24 tháng 1 năm 2020.
Thảm họa thiên nhiên đe dọa cạnh tranh kinh tế
Báo cáo cho biết: “Khu vực Châu Á Thái Bình Dương không chỉ chịu thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng do thiên tai và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt mà dân số đông và rất dễ bị tổn thương khiến khu vực này đặc biệt dễ bị thiệt hại về kinh tế. Công nghiệp hóa và đô thị hóa không có kế hoạch cũng đã dẫn đến suy thoái môi trường, làm suy yếu hệ thống phòng thủ tự nhiên của khu vực chống lại thảm họa”.
Do các thảm họa tự nhiên có khả năng làm xói mòn khả năng cạnh tranh kinh tế của khu vực, việc xuất hiện các thảm họa tự nhiên ngày càng thường xuyên ở châu Á và Thái Bình Dương đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng phục hồi chống lại thảm họa trong tương lai.
Mối quan tâm về thảm họa tự nhiên ở Đông Á và Thái Bình Dương tập trung nhiều nhất tại Nhật Bản và New Zealand – nơi rủi ro này xếp hạng hàng đầu, cũng như từ Indonesia và Philippines – nơi chúng được xếp thứ ba. Hai thảm họa gần đây đã vùi dập các quốc gia này bao gồm trận động đất và sóng thần tàn khốc xảy ra ở Indonesia vào tháng 9 năm 2018 và lũ quét tấn công Nhật Bản vào đầu năm 2018.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về Thảm họa, trong năm 2018, khu vực châu Á Thái Bình Dương rộng lớn hơn đã chứng kiến 50% tất cả các thảm họa thiên nhiên trên thế giới. Thảm họa trong khu vực đã khiến cho hơn 80% tổng số người chết trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người và gây thiệt hại tổng cộng 56,8 tỷ đô la Mỹ.
Gia tăng khan hiếm nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Khủng hoảng nước ở Nam Á đã tăng vọt trên bảng xếp hạng ưu tiên – từ vị trí thứ 5 trong năm 2018 trở thành rủi ro số một đối với hoạt động kinh doanh trong khu vực vào năm 2019. Nước sẵn có bình quân đầu người thấp và mức độ sử dụng nước tương đối cao khiến cho nơi đây trở thành một trong những khu vực khan hiếm nước nhất trên thế giới.
Nam Á là nơi cư trú của khoảng một phần tư dân số toàn cầu nhưng có ít hơn 5% tài nguyên nước tái tạo thế giới. Ở cấp độ quốc gia, các cuộc khủng hoảng nước được xếp hạng là rủi ro hàng đầu ở Ấn Độ, thứ hai ở Pakistan và thứ tư ở Sri Lanka.
Hơn nữa, so với tiêu chuẩn toàn cầu thì lượng nước lưu trữ ở các quốc gia này cũng ở mức thấp. Do lũ lụt và hạn hán gây ảnh hưởng đến khu vực dự kiến sẽ gia tăng cùng với biến đổi khí hậu nên việc quản lý tài nguyên nước trở nên khó khăn hơn.
Ấn Độ là một trong 17 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nước cực kỳ cao. Vào năm 2020, hơn 20 thành phố bao gồm thủ đô New Delhi sẽ có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến khoảng 100 triệu người. Nước láng giềng Pakistan thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp để cung cấp nước uống sạch cho người dân và có nguy cơ bị gián đoạn từ các sự kiện thời tiết khắc nghiệt do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Nước cũng đưa ra những thách thức địa chính trị trong khu vực vì đây là vũ khí tiềm năng trong các tranh chấp xuyên biên giới mặc dù đã có những thỏa thuận song phương. Trong một số trường hợp, các quốc gia đã đe dọa cắt đứt dòng chảy vì bùng phát bạo lực ở các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Thảo Phương (chuyển ngữ).