Rủi ro là gì?

Theo nhiều nhà phân tích, rủi ro chỉ phát sinh khi có một sự không chắc chắn về mất mát sẽ xảy ra (uncertainty about the occurrence of a loss). Với khái niệm về rủi ro này, nếu xác suất mất mát là 0 hoặc 1, thì không có rủi ro. Ví dụ, nếu một người nhảy từ tòa nhà cao 30 tầng xuống mặt đất thì cầm chắc cái chết. Mặc dù có chuyện mất mát về nhân mạng nhưng đây không phải là rủi ro vì hậu quả đã thấy trước. Tuy nhiên, nếu một cascadeur nhảy từ lầu cao xuống đất bằng dù thì người này có thể chết hay không chết. Trong trường hợp này có sự không chắc chắn về hậu quả, tức là có rủi ro trong hành động của người diễn viên đóng thế này.

Nói đến rủi ro không thể bỏ qua khái niệm về xác suất (probability) hay là khả năng xảy ra mất mát. Xác suất khách quan (objective probability) – còn gọi là xác suất tiên nghiệm (a priori probability) được xác định bằng phương pháp diễn dịch (deduction). Ví dụ như đồng tiền sấp hay ngửa thì xác suất của nó là 50%.

 

Tuy nhiên , xác suất khách quan có lúc không thể xác định bằng tư duy logic. Chẳng hạn như không thể suy diễn rằng xác suất của một người đàn ông lái xe hơi có gây tai nạn hay không trong năm tới là 50% bởi còn nhiều yếu tố liên quan khác như độ tuổi, xe cũ hay mới… Tuy nhiên, bằng cách phân tích kỹ lưỡng những trường hợp tai nạn xe hơi trước đây, người ta có thể ước tính xác suất tai nạn theo lối suy luận quy nạp (inductive reasoning).

 

Ngoài xác suất khách quan, có thể kể thêm xác suất chủ quan (subjective probability) là ước tính của từng cá nhân đối với khả năng xảy ra mất mát. Ví dụ như nếu có 1 triệu vé số bán ra chỉ có 1 người trúng thì xác suất khách quan là 1 phần triệu. Mặc dù vậy vẫn có nhiều người mua nhiều vé số vì xác suất chủ quan của họ cao hơn. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến xác suất chủ quan như tuổi, giới tính, trình độ học vấn và cả óc mê tín dị đoan… Để hiểu thêm về rủi ro cần phân biệt sự khác nhau giữa hiểm họa (peril) và mối nguy (hazard). Hiểm họa được hiểu như là nguyên nhân dẫn đến mất mát.

 

Ví dụ một ngôi nhà bị cháy thì hỏa hoạn là hiểm họa đã gây ra thiệt hại đối với ngôi nhà; hai xe hơi đụng nhau thì việc đụng xe là hiểm họa làm cho xe bị hư hỏng. Trong khi đó, mối nguy được xem là tác nhân làm tăng khả năng xảy ra mất mát. Nếu như hỏa hoạn được xem là hiểm họa thì dầu lửa trong khu vực hỏa hoạn được xem là mối nguy. Để tiện phân tích, người ta chia mối nguy thành ba loại: mối nguy vật chất (physical hazard), mối nguy đạo đức (moral hazard) và mối nguy tinh thần (morale hazard).

 

Mối nguy vật chất là tình trạng vật chất yếu kém làm tăng khả năng xảy ra mất mát. Tình trạng đường sá ở Việt Nam ta là ví dụ sống động về mối nguy vật chất. Một số nơi đèn đường không đủ sáng, có ổ gà, việc phân luồng phân tuyến cho xe chạy không hợp lý là những mối nguy làm cho tai nạn xảy ra thường xuyên hơn. Mối  nguy đạo đức là sự không trung thực của một cá nhân nào đó làm tăng khả năng xảy ra mất mát. Ví dụ có người mua bảo hiểm cho căn nhà của mình rồi gây hỏa hoạn để lấy tiền bồi thường, hay một người biết mình bị ung thư nhưng vẫn khai là sức khỏe của mình tốt để mua bảo hiểm và được bồi thường. Mối nguy tinh thần là sự bất cẩn hay thờ ơ của một cá nhân dẫn đến mất mát vì người này chủ quan cho rằng mình đã mua bảo hiểm. Ví dụ một người cứ nghĩ mình đã có bảo hiểm nên cứ phóng xe ào ào giữa phố xá đông người mặc dù thỉnh thoảng trong người có hơi men.

 

Việc xác định mối nguy đạo đức và mối nguy tinh thần có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với các hãng bảo hiểm khi ký hợp đồng với khách hàng. Để tránh mối nguy đạo đức, họ phải thiết lập một hệ thống phân loại và đánh giá rủi ro trước khi bảo hiểm (underwriting) một cách hiệu quả. Mối nguy tinh thần thì khó xác định hơn nên có khi công ty bảo hiểm không chịu bồi thường toàn bộ mà người mua bảo hiểm cũng phải chịu trách nhiệm chi trả trong một hạn mức quy định (deductible) hoặc cùng công ty bảo hiểm thanh toán một phần chi phí (co-insurance). Đến đây thì độc giả có thể thông cảm với công ty bảo hiểm vì họ phải đối đầu với rủi ro ngay trước khi ký hợp đồng với khách hàng. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm nắm rõ rủi ro hơn khách hàng nên “phần thắng” bao giờ cũng thuộc về họ. Từ đó chúng ta rút ra được bài học: trong cuộc sống hay trên thương trường, ai hiểu biết về rủi ro nhiều hơn sẽ trở thành người chiến thắng.

 

Lê Hữu Huy

 

Comments are closed.