Rào cản lớn nhất về bancassurance sẽ dần được xóa bỏ

altDoanh thu từ bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) hứa hẹn khả năng bùng nổ trong những năm tới.
Trao đổi với ĐTCK, ông Quách Thành Nam, Trưởng phòng Bancassurance, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, xu hướng đẩy mạnh hợp tác mang tính chiến lược giữa DN bảo hiểm và ngân hàng, thể hiện rõ nhất ở việc cùng nhau thiết kế sản phẩm riêng, sẽ xóa dần rào cản về kênh phân phối bancassurance.
Rào cản đối với việc triển khai bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) hiện nay là gì, thưa ông?
Một trong những rào cản lớn nhất đó là cán bộ bán hàng/tư vấn viên tại nhiều ngân hàng không hiểu rõ các đặc tính kỹ thuật/quyền lợi khá phức tạp của sản phẩm bảo hiểm.
Trong khi đó, để đi đến quyết định mua bảo hiểm, khách hàng cần được tư vấn cụ thể. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình cứ 10 người mua bảo hiểm cá nhân thì có tới 6 người cần được tư vấn chuyên nghiệp.
Do vậy, để nhân viên ngân hàng quan tâm đến bán bảo hiểm một cách thực sự và đảm bảo “bán hàng hướng đến nhu cầu khách hàng”, hai bên cần có chính sách lâu dài và đầu tư có chiều sâu cho khâu đào tạo, huấn luyện, hỗ trợ, khuyến khích và thi đua khen thưởng dành cho nhân viên bán bảo hiểm tại ngân hàng.
Để thực hiện được chính sách này một cách nhất quán, về lâu dài, cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách, cơ chế đồng bộ và sự nỗ lực đầu tư có chiến lược của DN bảo hiểm và ngân hàng
Tuy đóng góp từ kênh bancassurance còn khiêm tốn, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của các bên để vượt qua rào cản kể trên, thưa ông?
Bancassurance trong năm qua đã có bước chuyển mình quan trọng. Từ chỗ chỉ là các sản phẩm bán kèm, gắn kết với khoản vay, thì nay các sản phẩm này đã có một chỗ đứng nhất định, bên cạnh các sản phẩm ngân hàng.
Khách hàng đã dành sự quan tâm và ưu ái nhiều hơn cho các sản phẩm bảo hiểm tại ngân hàng bởi mức phí hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt mà ngân hàng đem lại. Nhưng trên hết, hiệu quả về mặt chiến lược mới là điều đáng được ghi nhận hơn cả, khi ngày càng nhiều ngân hàng nhận thức rõ được vai trò và tầm quan trọng của bancassurance.
Một số ngân hàng lớn như MaritimeBank đã đưa hoạt động bancassurance trở thành một trong những hoạt động trọng tâm, có lộ trình đầu tư để phát triển. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các hoạt động bancassuarnce tại Việt Nam. Doanh thu từ bancassurance do vậy dù còn rất khiêm tốn so với các kênh phân phối khác, nhưng hứa hẹn khả năng bùng nổ trong những năm tới.
Liệu năm 2012 có được nhìn nhận là một năm thăng hoa về bancassurance?
Theo thống kê sơ bộ, chưa đến 10% dân số Việt Nam có giao dịch với ngân hàng, tỷ lệ dư nợ cho vay trên GDP của hệ thống NHTM mới đạt gần 70%, tỷ lệ huy động tiết kiệm trên GDP đạt gần 50%, khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Malaysia. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khu vực ngân hàng sẽ phát triển với tốc độ nhanh trong giai đoạn 2011 – 2015.
Đặc biệt, xu hướng này được thúc đẩy bởi việc các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và triển khai kế hoạch mở rộng kinh doanh. Điều đó hứa hẹn những tiềm năng mạnh mẽ cho bancassurance.
Ngoài ra, trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh ở lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, với sự xuất hiện của các đối thủ nước ngoài, ngân hàng và DN bảo hiểm sẽ phải tích cực tìm kiếm giải pháp phân phối mới đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng, tiết kiệm chi phí… Theo đó, bancassurance được xem là giải pháp thay thế, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm.
Nhưng khó khăn về thanh khoản và hoạt động tái cấu trúc ngành ngân hàng có ảnh hưởng đến bancassurance năm 2012?
Năm 2011 có nhiều khó khăn với ngành tài chính, bảo hiểm, nhưng doanh thu qua kênh bancassurance của Bảo hiểm Bảo Việt vẫn tăng trưởng gần 60% so với năm 2010, ước đạt 4,5 triệu USD. Trong đó, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm sức khỏe đóng vai trò chủ đạo. Năm 2012 vẫn được xem là năm khó khăn với các ngân hàng.
Trong nửa đầu năm 2012, thanh khoản vẫn là vấn đề nan giải đối với hệ thống ngân hàng thương mại. Doanh thu từ các sản phẩm bảo hiểm bancassurance gắn liền với các khoản vay đang có dấu hiệu chững lại, do ngân hàng từ chối giải ngân đối với nhiều DN để hạn chế tỷ lệ nợ xấu.
Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tốt cho các sản phẩm bảo hiểm stand-alone (bán độc lập không gắn kết với khoản vay như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm du lịch)… Tín dụng bị thắt chặt, ngân hàng đã tự tìm đến các sản phẩm bảo hiểm như một giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh dịch vụ thu phí bù đắp cho nguồn thu từ tín dụng và đa dạng hóa sản phẩm ngân hàng. DN và ngân hàng nên nắm bắt cơ hội này để cùng nhau xây dựng những nền tảng vững chắc cho mô hình bancassurance một cách có chiều sâu tại ngân hàng. Có như vậy, việc triển khai kênh này mới không mang tính thời vụ và mang lại hiệu quả bền vững.
(ĐTCK).

Comments are closed.