Rắc rối chuyện dùng bản chào bảo hiểm thay thế hợp đồng

Có nhiều thông lệ, tập quán hay cách thức bán bảo hiểm tưởng như bình thường, nhưng khi xảy ra tổn thất và tranh chấp thì phán quyết của tòa án lại trở thành câu chuyện gây tranh luận.

Hợp đồng bảo hiểm

Cách đây không lâu, Tòa án tại một tỉnh đã giải quyết vụ tranh chấp giữa công ty bảo hiểm B và bên mua bảo hiểm là công ty kinh doanh xốp nhựa liên quan đến tổn thất cháy theo đơn bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt.

Theo bản án, ngày 25/3/2013, để tái tục hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, công ty bảo hiểm B đã gửi cho khách hàng bản chào phí bảo hiểm, đơn bảo hiểm, thông báo thu phí và hóa đơn giá trị gia tăng khoản phí bảo hiểm của đơn bảo hiểm, đồng thời yêu cầu khách hàng gửi lại đơn bảo hiểm có ký xác nhận nếu chấp nhận đơn bảo hiểm. Tuy nhiên, khách hàng sau khi nhận được bộ đơn bảo hiểm không ký xác nhận cũng như không gửi lại đơn bảo hiểm cho công ty bảo hiểm.

Phía công ty bảo hiểm cho rằng, do không nhận lại các tài liệu mà khách hàng phải xác nhận như trên, đồng thời khách hàng không có phản hồi nào về việc chấp nhận tiếp tục tham gia bảo hiểm theo các điều kiện, điều khoản, ký kết hay thanh toán phí bảo hiểm liên quan đến đơn bảo hiểm nên đơn bảo hiểm chưa phát sinh hiệu lực và doanh nghiệp bảo hiểm đã không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Tuy nhiên, tòa án giải quyết vụ tranh chấp lại có nhận định trái ngược với công ty bảo hiểm. Về tính pháp lý của việc giao kết hợp đồng, hội đồng xét xử cho rằng, đơn bảo hiểm trên đã tuân thủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm, đơn bảo hiểm trên là bằng chứng giao kết hợp đồng.

Đồng thời, tòa án cũng nhận định, cả hai bên đều cùng mong muốn hợp tác với nhau để giao kết hợp đồng thông qua quá trình tham gia bảo hiểm của năm trước, tái tục hợp đồng bảo hiểm cho năm mới, thay đổi người thụ hưởng trong hợp đồng. Mặc dù phía khách hàng không gửi phần xác nhận cho công ty bảo hiểm nhưng đã được phía công ty bảo hiểm chấp nhận nên đã phát hành bộ đơn bảo hiểm gửi kèm thông báo thu phí và xuất hóa đơn cho khách hàng.

Như vậy, tòa án cho rằng đã có việc giao kết hợp đồng và đơn bảo hiểm công ty bảo hiểm phát hành gửi cho khách hàng là căn cứ xác định việc giao kết hợp đồng.

Một vấn đề đặt ra là, cách thức giao kết hợp đồng bảo hiểm như vụ việc này hiện nay đang diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là đối với các đơn bảo hiểm cấp cho khách hàng tham gia tái tục. Các doanh nghiệp bảo hiểm thường gửi bản chào phí đính kèm đơn bảo hiểm, thông báo thu phí, hóa đơn giá trị gia tăng phí bảo hiểm gửi cho khách hàng cùng với đề nghị khách hàng gửi lại đơn bảo hiểm có ký xác nhận.

Nếu khách hàng chấp nhận và gửi lại bản hợp đồng có ký xác nhận, đồng thời đóng phí bảo hiểm đúng hạn thì sẽ không phát sinh tình huống gây tranh cãi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khách hàng chây ì không đóng phí, khi xảy ra tổn thất mới vội vàng đóng phí bảo hiểm nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm.

Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tương tự vụ việc trên và gây ra nhiều tranh cãi trong việc xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Nếu tòa án cho rằng, chỉ bằng việc doanh nghiệp bảo hiểm gửi bản chào phí, đơn bảo hiểm, thông báo thu phí và hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng là hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, thì các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chịu rất nhiều bất lợi và sẽ là kẽ hở để bên mua bảo hiểm dễ dàng trục lợi khi tổn thất xảy ra.

Chính vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải tự bảo vệ mình bằng việc giới hạn thời hạn có hiệu lực của bản chào phí cũng như tuyên bố rõ ràng trong hợp đồng, thông báo thu phí về điều kiện phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, ngày chấm dứt hiệu lực nếu khách hàng không tuân thủ các điều kiện nêu ra trong bản chào.

Theo Quỳnh Anh (ĐTCK)