Quy định cụ thể về BHTN Nghề nghiệp đôi với công chứng viên

cong_chung_vien_resize.jpgLuật Công chứng đã quy định rõ về việc mở Văn phòng công chứng; Trách nhiệm quản lý nhà nước về công chứng; Trách nhiệm bồi thường của cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng khi gây thiệt hại. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay, vấn đề còn vướng mắc là việc thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với công chứng viên.

Khoản 7, Điều 32 Luật Công chứng quy định về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng: Văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình”. Quy định này vướng và khó thực hiện.

Thứ nhất: Hiện chưa có văn bản pháp quy hướng dẫn về thời gian mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên. Như vậy, tổ chức hành nghề công chứng có thể thực hiện việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên trước khi đăng ký thành lập hoặc có thể thực hiện công việc đó sau khi Văn phòng công chứng được thành lập, đi vào hoạt động. Hơn nữa, Luật chưa quy định giới hạn về thời gian bắt buộc phải tiến hành nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên nên rất khó khăn cho khâu quản lý, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Trên thực tế, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên đang hành nghề tại các tổ chức hành nghề công chứng rất cần thiết. Bởi, công chứng, công chứng viên không bảo đảm được nguồn vật chất để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về vật chất có thể xảy ra do lỗi của mình thì rất khó đảm bảo được quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức có liên quan khi yêu cầu thực hiện việc công chứng. Mặt khác, Luật Công chứng lại không quy định việc ký quỹ hoặc một hình thức khác về vật chất đối với tổ chức hành nghề công chứng trước khi đăng ký hoạt động, vì vậy đã gây vướng mắc cho cơ quan quản lý Nhà nước khi đưa ra điều kiện vật chất bắt buộc đối với các tổ chức này khi chịu trách nhiệm bồi thường vật chất do lỗi của công chứng viên tổ chức mình gây ra.

Thứ hai: Theo quy định tại Điều 23 Luật công chứng thì Hình thức tổ chức hành nghề công chứng gồm: Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Như vậy, thuật ngữ “Phòng công chứng” và “Văn phòng công chứng” khác nhau. Thực tế Văn phòng công chứng – Phòng công chứng cũng khác nhau cả về cơ cấu tổ chức, hình thức quản lý, hoạt động. Tại khoản 7, Điều 32 Luật công chứng quy định: Văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình. Theo đó, chỉ có Văn phòng công chứng mới phải thực hiện nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình, còn đối với các công chứng viên đang công tác tại các Phòng công chứng thì không thực hiện việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Quy định như vậy chưa hợp lý. Dù là công chứng viên của các Phòng Công chứng hay các Văn phòng công chứng đều cần được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để yên tâm hành nghề. Mặt khác không nên phân biệt trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ giữa công chứng Nhà nước và công chứng tư nhân. Có như vậy mới tạo được niềm tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan khi yêu cầu thực hiện công chứng và bảo đảm yêu cầu xã hội hóa trong lĩnh vực công chứng theo tinh thần chiến lược cải cách tư pháp.

Thứ ba, quy định nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên đối với các Văn phòng công chứng có được xem là một điều kiện trước khi xem xét, quyết định thành lập Văn phòng công chứng không? Theo quy định tại Điều 27 của Luật Công chứng về thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng: Công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, hồ sơ gồm có:  Đơn đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; Đề án thành lập Văn phòng công chứng nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; Bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên. Như vậy, Luật công chứng không quy định bắt buộc các Văn phòng công chứng phải thực hiện nhiệm vụ này trước khi đăng ký thành lập và theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, thì bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên không thuộc bảo hiểm bắt buộc. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể hơn theo hướng quy định bắt buộc và xem việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên như là một điều kiện “tiên quyết” để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định cấp giấy phép thành lập các Văn phòng công chứng. Có như vậy mới giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công chứng thực hiện tốt chức năng; Đồng thời, bảo đảm an toàn về vật chất cho các đối tượng yêu cầu công chứng khi có ảnh hưởng đến quyền lợi do lỗi của công chứng viên.

Theo Báo Điện Tử Thông tin Pháp Luật Dân Sự

Comments are closed.