Quỹ chung, đặc lợi vài người hưởng

altTT – Năm 2010, nhờ tăng phí bảo hiểm y tế và người bệnh phải cùng chi trả 5-20% phí khám chữa bệnh, quỹ bảo hiểm y tế lần đầu tiên có dư 3.500 tỉ đồng, sau ba năm âm quỹ gần 2.900 tỉ đồng. Có tiền dư, ưu tiên hàng đầu là… trả nợ cho phần đã tiêu lạm từ ba năm trước. Hàng triệu người bệnh phải tăng đóng góp, phải cùng chi trả phí khám chữa bệnh, tiết kiệm được chút ít lại đem trả nợ hết, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống.

Người bệnh sẽ mừng nếu phần lạm chi dành để chữa bệnh. Thế nhưng qua kiểm tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, việc tiêu lạm quỹ thật ra cho nhiều chi phí vô bổ, gây lãng phí phần tài chính lẽ ra nên mở rộng quyền lợi cho người bệnh.

Trong đó có địa phương sử dụng 100 tỉ đồng thuốc chữa bệnh/năm, nhưng riêng bệnh viện đa khoa tỉnh đã chi hơn 10 tỉ để mua một loại thuốc bổ trợ chưa rõ tác dụng. Có bệnh viện thường xuyên kê hai thuốc có tác dụng đối kháng nhau trong cùng đơn thuốc, phí tổn trên 100 triệu đồng/tháng. “Thành ra thuốc không tác dụng, cho bệnh nhân uống thuốc như uống bột sắn” – một cán bộ bảo hiểm xã hội phàn nàn.

Ông Phạm Lương Sơn – trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội VN – cho hay năm 2010, phí bảo hiểm y tế tăng gấp rưỡi, trong khi viện phí chưa tăng, đã loại bỏ những yếu tố rủi ro làm mất cân đối quỹ, nhưng vẫn còn chín địa phương bội chi với số quỹ âm cả trăm tỉ đồng. Việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, chỉ định thuốc, thậm chí… khoán bệnh nhân và chi phí điều trị, lợi nhuận thu được chia cho nhân viên bệnh viện và cả cán bộ giám định bảo hiểm y tế đã khiến tình hình thêm trầm trọng.

Dự kiến trong tháng này, danh mục thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán năm 2011 sẽ ban hành. Danh mục có 934 thuốc, 57 phóng xạ và hợp chất đánh dấu, so với năm 2010 đã được mở rộng cả về số lượng, chủng loại, cơ chế thanh toán. Danh mục rộng, nhưng cũng có ý kiến chỉ định như thế nào là hợp lý thì cả Bộ Y tế lẫn bệnh viện đều chưa làm được. Kiểm tra tại bệnh viện, đã có những trường hợp chỉ định thuốc điều trị suy giảm miễn dịch rất đắt đỏ cho bệnh nhân viêm phổi thông thường. Tất nhiên trường hợp này không phải bác sĩ nhầm.

Ai là bị hại chính khi quỹ bảo hiểm y tế bị lạm dụng? Nhiều người cho rằng chẳng có ai cụ thể, vì quỹ bảo hiểm y tế là của chung. Thật ra người bệnh có “được” lạm dụng dịch vụ y tế cũng không được lợi vì dịch vụ y tế là loại hàng hóa đặc biệt, chỉ nên dùng khi cần, chẳng ai tự nhiên thích vào nằm bệnh viện, uống thuốc, truyền hóa chất… Nhưng khi quỹ bị âm, như ba năm 2007-2009 âm 2.900 tỉ đồng, thì phí bảo hiểm y tế đã tăng lên gấp rưỡi từ năm 2010. Năm 2010, quỹ bảo hiểm y tế có kết dư, nhưng đã dành trả nợ phần lớn và năm 2011 rất có thể viện phí sẽ tăng, mức phí bảo hiểm rất có thể phải tiếp tục điều chỉnh nếu quỹ bảo hiểm bội chi.

Ở bất kỳ tình huống nào, dù “được” lạm dụng dịch vụ y tế hay phải đóng thêm phí bảo hiểm, người dân đều là người bị thiệt. Được hưởng lợi không ai khác là các công ty đặt thiết bị y tế vào bệnh viện, là nhân viên y tế và giám định viên được hưởng hoa hồng kê đơn và tăng thu nhập từ “lãi” dịch vụ. Ông Phạm Lương Sơn nhận định rằng không phải ai cũng được lạm dụng dịch vụ y tế, nhưng phí bảo hiểm thì ai cũng đóng như ai, quỹ chung mà đặc lợi thì chỉ vài người hưởng. Vòng luẩn quẩn lạm dụng dịch vụ – bội chi quỹ – tăng phí bảo hiểm, phần tăng phí là để người dân lo.

LAN ANH
Báo Tuổi trẻ

Comments are closed.