Quỹ bảo hiểm y tế : Làm gì để không bội chi?

altSau nhiều năm liên tục bội chi, đến cuối năm 2010, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đã kết dư khoảng 3.500 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng. Song để tránh tái diễn tình trạng bội chi trong năm 2011, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Thảo (ảnh nhỏ), Phó Tổng Giám đốc BHXH VN trao đổi với Tin Tức xung quanh các giải pháp cho vấn đề nêu trên.

Xin ông dự báo về khả năng cân đối quỹ BHYT trong năm 2011?

Tiên lượng về khả năng cân đối quỹ BHYT trong năm 2011 là rất khó. Bởi vì, có hai vấn đề sẽ tác động lớn đến việc cân đối quỹ BHYT trong năm 2011 và những năm tới, đó là việc phát triển đối tượng tham gia BHYT phải thực hiện được theo đúng lộ trình của luật; đồng thời Chính phủ cũng có chủ trương điều chỉnh giá viện phí.

Việc điều chỉnh giá viện phí là hợp lý vì mức giá viện phí hiện nay được thực hiện theo quy định từ năm 1995, đến nay đã quá lạc hậu. Tuy nhiên, dự kiến có những dịch vụ y tế giá sẽ tăng cao, ví dụ chỉ riêng tiền công khám và tiền ngày giường có thể tăng lên khoảng 5 nghìn tỷ đồng… Đây sẽ là những tác động rất lớn trong việc cân đối quỹ BHYT.

Vậy năm nay, ngành BHXH VN sẽ triển khai những giải pháp nào để quỹ BHYT không lâm vào cảnh bội chi, thưa ông?

Để sử dụng và quản lý chặt chẽ quỹ BHYT, cân đối và đảm bảo ổn định phát triển quỹ trong năm 2011, ngành BHXH VN sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính.

Một là đẩy mạnh hoạt động phát triển đối tượng tham gia BHYT. Đến nay, mặc dù chúng ta đã có trên 60% dân số tham gia BHYT, nhưng đây không phải là một kết quả quá khả quan. Bởi lẽ, hơn 30% người dân chưa tham gia BHYT tập trung vào nhóm đối tượng cận nghèo, người dân vùng nông thôn.

Hiện nay, đối tượng cận nghèo đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% mức phí đóng BHYT nhưng 50% mức phí còn lại đối với những gia đình có khoảng 4 – 5 người, không có nguồn thu ổn định, là hết sức khó khăn. Đối với người dân ở vùng nông thôn, nhất là những người lao động tự do thì việc tham gia BHYT cũng còn hạn chế do họ không có thu nhập ổn định, trong Luật BHYT chưa quy định về việc hỗ trợ nông dân tham gia BHYT.

Do đó, nhiều năm nay, số đối tượng này tham gia BHYT mới chỉ xấp xỉ 2 triệu người/tổng số khoảng 30 triệu. Còn các đối tượng khác như trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên… mặc dù Luật BHYT quy định là đối tượng bắt buộc nhưng đến nay cũng chưa đạt 100% tham gia…

Vì vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền. Bên cạnh việc tuyên truyền về trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia BHYT, cần tuyên truyền sâu hơn, rõ hơn về tính chất nhân văn, nhân đạo, tính cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT, thực sự làm chuyển biến nhận thức của người tham gia BHYT đối với việc đóng góp và bảo vệ quỹ.

Nhóm giải pháp thứ 2 là ngành BHXH VN sẽ phối hợp cùng ngành y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhất là việc tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Tranh thủ các dự án quốc tế để hỗ trợ y tế tuyến cơ sở, đưa ra và nhân rộng các mô hình thí điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở hiệu quả. Mục đích là huy động y tế cơ sở tham gia khám chữa bệnh nhiều hơn, tạo “sức hút” mạnh hơn đối với người dân.

Trong hơn 100 triệu lượt khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT năm 2010, nhu cầu khám chữa bệnh ở trạm y tế là khoảng 70 – 80%, thế nhưng trạm y tế mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu khám chữa bệnh, 70% số người dân có nhu cầu đành bỏ dịch vụ, đi rất xa để lên khám bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, trung ương.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cùng ngành y tế nghiên cứu xây dựng chuẩn mực trong chẩn đoán cũng như điều trị tại bệnh viện, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thời gian điều trị, giảm được quá tải bệnh viện và nâng cao hiệu quả kinh tế cho quỹ BHYT.

Nhóm giải pháp thứ 3 là thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người tham gia BHYT. Cải tiến các quy trình, quy định về thủ tục tham gia, thủ tục khám chữa bệnh, sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh… xây dựng mối quan hệ 3 bên (cơ quan BHXH – cơ sở khám chữa bệnh – bệnh nhân BHYT) công khai, minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của cơ quan BHXH nói chung và công tác BHYT nói riêng. Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý đối tượng, quản lý quỹ BHYT, giải quyết chế độ cho người có thẻ…

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi phương thức thanh toán sang phương thức thanh toán theo định suất đối với cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, phấn đấu vượt chỉ tiêu 30% số cơ sở khám chữa bệnh thanh toán theo phương thức này vào năm 2011. BHXH VN sẽ cùng với Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu phương thức thanh toán theo ca bệnh. Hy vọng năm 2011, sẽ triển khai ít nhất 10 nhóm bệnh (can thiệp tim, viêm phổi, sinh đẻ, ruột thừa, can thiệp phẫu thuật dạ dày… ) thanh toán theo phương thức này. Tăng cường quản lý sử dụng thuốc, quản lý giá thuốc, sớm có các giải pháp quản lý giá đối với thị trường thuốc chữa bệnh…

Ông có thể cho biết thêm về các giải pháp quản lý giá đối với thị trường thuốc chữa bệnh?

Việc đấu thầu, cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đang thực hiện theo Thông tư 10 về việc hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập. Theo quy định này, các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức đấu thầu mua thuốc, nhưng không quy định sự tham gia đấu thầu của đại diện ngành BHXH, nơi được giao quản lý quỹ BHYT. Vậy nên, chúng tôi đang kiến nghị sửa Thông tư 10, cần quy định rõ cơ quan BHXH là thành phần chính thức trong các hội đồng đấu thầu thuốc.

Nếu được giao trách nhiệm này, hy vọng sẽ đổi mới được phương thức đấu thầu hiện nay, hạn chế tối đa phương thức đấu thầu riêng lẻ từng bệnh viện. Việc đấu thầu triển khai sẽ theo hướng tập trung, ít nhất là đấu thầu địa phương. Những thuốc sử dụng nhiều thì sẽ tiến hành đấu thầu thuốc quốc gia. Như vậy, chúng ra sẽ kiểm soát được giá trúng thầu thuốc của mỗi bệnh viện.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực  hiện)

Báo Tin tức-Thông tấn xã Việt Nam.

Comments are closed.