Quỹ bảo hiểm xã hội : Sẽ “vỡ” nếu không sinh lời

Hiện đang có hơn 10 triệu lao động tham gia đóng BHXH hàng tháng. Con số tồn của Quỹ BHXH tính đến hết năm 2009 ở mức hơn 95 ngàn tỷ đồng. Đây là một con số lớn trong thời điểm hiện nay nhưng nếu cứ duy trì hình thức đầu tư như hiện nay thì nhiều khả năng đến năm 2040 quỹ sẽ mất khả năng cân đối.

30 năm nữa quỹ mới mất khả năng chi trả – thời gian cảm giác là xa nhưng nếu ngay từ hôm nay, không bắt tay vào việc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư sinh lời thì có thể đã là muộn.

Nguy cơ hiển hiện ?

Cuối tháng 4 vừa qua, một lần nữa khả năng chi trả của Quỹ BHXH được đề cập. Vẫn là những con số không mới với những mốc thời gian dự báo cụ thể đã được vạch sẵn. Đó là năm 2022 có thể số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng số chi của Quỹ; từ năm 2023 trở đi để đảm bảo chi trả phải trích thêm từ số dư của quỹ. Năm 2040, số thu và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả, các năm sau đó số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu trong năm.

Những con số này đều được tính toán một cách cụ thể và khoa học. Bộ LĐTBXH trước đây đã tính toán: với mức đóng hiện nay thì tổng số tiền đóng BHXH trong 30 năm của một người hưởng lương chỉ đủ chi trả lương hưu bình quân 8 năm. Trong khi đó, thời gian hưởng lương hưu của người nghỉ hưu bình quân là 16 năm. Do chế độ về hưu sớm, tỷ lệ người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu giảm dần, năm 2000 là 34/1, năm 2002 là 23/1 và năm 2004 là 19/1. Chưa hết, một vấn đề quan trọng khác có tác động không nhỏ tới Quỹ BHXH là việc cải cách tiền lương và điều chỉnh lương tối thiểu. Trước đây người lao động đóng BHXH theo mức lương tối thiểu thấp nhưng hiện nay khi lương tối thiểu đã tăng, mức lương hưu của người tham gia BHXH cũng tăng theo. Phần chênh lệch này đang làm cho Quỹ BHXH hụt đi nhanh chóng trong khi số tăng chi không những không giảm mà lại trong xu hướng gia tăng.

Trong khi đó, chính cơ quan BHXH VN thừa nhận, tỷ lệ sinh lời của quỹ nhiều năm còn thấp hơn cả tỷ lệ lạm phát. Số tồn của Quỹ BHXH là khá cao nhưng trong thực tế số tiền này chưa được sử dụng tối đa cho mục đích sinh lời. Với 95.163 tỷ đồng (bao gồm cả phần cộng dồn từ năm 2008) đang tồn thì ngân sách nhà nước vay 20 ngàn tỷ, mua trái phiếu chính phủ 28.500 tỷ, mua công trái giáo dục 200 tỷ và cho các ngân hàng thương mại của nhà nước vay 46.463 tỷ đồng. Năm 2008 quỹ này tồn gần 84 ngàn tỷ đồng thì cho ngân sách nhà nước vay 8.500 tỷ, mua trái phiếu chính phủ 22.500 tỷ đồng, mua công trái giáo dục hết 200 tỷ, còn lại cho các ngân hàng thương mại của nhà nước vay 52.773 tỷ đồng. Tuy nhiên trong năm 2008, quỹ này chỉ thu về gần 9.000 tỷ đồng tiền lãi với tỷ lệ lãi trên vốn là 11,76%, tới năm 2009 thì số lãi ước thu được khoảng 8.400 tỷ đồng, tỷ lệ lãi trên vốn giảm xuống còn 9,10%. Rõ ràng với cách đầu tư như vậy, tiền sinh lời từ Quỹ BHXH rất thấp trong khi tiềm năng sinh lời từ quỹ này cao hơn nhiều.

Sinh lời bằng cách nào?

Cách đây 3-4 năm, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật BHXH các giải pháp để giải bài toán quỹ phá sản đã được đưa ra như tăng mức đóng BHXH của cả chủ sử dụng và lao động, giảm chi phí quản lý quỹ, chấm dứt chế độ nghỉ hưu sớm và tiền nhàn rỗi của quỹ được đầu tư và cho vay để bảo toàn và tăng trưởng. Cũng trong thời điểm này, nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng đề xuất các giải pháp cần thực hiện ngay bao gồm, điều chỉnh lương hưu, tăng điều kiện được hưởng trợ cấp, giảm chi phí quản lý quỹ, tăng tỷ lệ thu và tăng hiệu quả đầu tư từ Quỹ BHXH. Nếu những giải pháp này được thực hiện ngay từ khi Luật BHXH có hiệu lực từ năm 2007 thì quỹ sẽ cân đối được đến năm 2050.

Thế nhưng, sau gần 4 năm được bàn thảo hiện mới có một giải pháp duy nhất được thực hiện, đó là tăng tỷ lệ đóng BHXH cả từ phía người lao động và chủ sử dụng kể từ đầu năm nay và liên tục tăng trong các năm tiếp theo. Hoạt động đầu tư sinh lời của quỹ để thu được lãi suất cao hơn, gia tăng mức thụ hưởng cho người lao động vẫn còn ì ạch. Nguyên nhân được một chuyên gia trong ngành cho rằng, tính an toàn của quỹ vẫn được đặt quá cao cũng như khả năng thu hồi khi cần thiết sẽ không thể có đột phá nào. Mạnh dạn đầu tư sẽ thu được lợi nhuận tốt hơn, nhưng có khi lại đẩy rủi ro cho những người có quyết định đột phá.

Một tia hi vọng đã được lóe lên khi mới đây, tại cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH trong 2 năm 2008 – 2009 bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị một loạt chính sách. Trong đó, xây dựng các chính sách đầu tư, nghiên cứu thực hiện phân bổ quỹ mang tính chiến lược theo hình thức đầu tư nhằm thu lại hiệu quả cao hơn; hình thành tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn và tăng trưởng quỹ tốt… 30 năm nữa quỹ mới mất khả năng chi trả – thời gian cảm giác là xa nhưng nếu ngay từ hôm nay, không bắt tay vào việc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư sinh lời thì có thể đã là muộn.

DOANHNHAN360.COM.VN

Comments are closed.