Để duy trì được lượng tiền mặt tối ưu, doanh nghiệp cần biết cách cân đối và quản lý dòng tiền mặt. Tiền được ví như máu nuôi sống doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, trong bối cảnh vay vốn khó khăn, kinh doanh không thuận lợi, việc kiểm soát tiền mặt càng quan trọng. Những cách sau đây có thể giúp DN cân đối và quản lý tốt dòng tiền mặt.
Duy trì lượng tiền mặt cần thiết
Quản lý tiền mặt suy cho cùng cũng vì mục tiêu tối ưu hóa việc sử dụng tiền và thu chi sao cho hiệu quả. Vì vậy, việc đầu tiên trong quản lý tiền mặt là DN phải xác định được mức tồn quỹ tối đa. Bởi lẽ, nếu giữ quá nhiều tiền mặt, DN sẽ không đủ vốn để thanh toán, buộc phải đi vay, chấp nhận trả lãi. Từ đó, giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên và DN sẽ mất khả năng cạnh tranh. Thiếu tiền cũng khiến DN khó có cơ hội mở rộng hoạt động hoặc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, nguồn hàng…
Như vậy, mức tồn quỹ như thế nào là hợp lý? Theo các chuyên gia, DN nên duy trì mức tiền mặt sao cho đáp ứng nhu cầu kinh doanh của DN, dành thêm một khoản vốn để đầu tư và dự phòng rủi ro.
Nâng cao lợi nhuận bằng đầu tư
DN nào cũng ý thức đồng tiền sinh lợi mới là đồng tiền khôn. Vì thế, thay vì cất tiền trong két sắt hay ở ngân hàng, nhiều DN chủ trương đầu tư tài chính để sinh lợi, đặc biệt là đầu tư chứng khoán và bất động sản.
Nhưng kinh doanh chứng khoán và bất động sản ẩn chứa nhiều rủi ro.
Thực tế, thời gian qua khi thị trường xuống giá mạnh, nhiều DN đã thua lỗ nặng như trường hợp của Công ty Cơ điện lạnh REE và Công ty Mía Đường La Ngà.
Vì thế, DN cần một chính sách đầu tư rõ ràng, trong đó chỉ rõ mục tiêu, định hướng đầu tư và những khoản đầu tư có thể chấp nhận được. Khi đó, DN vừa có thể nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, vừa giảm thiểu rủi ro do đầu tư thiếu tính toán.
Dự báo dòng tiền trong tương lai
Để giữ cho lượng tiền mặt luôn ổn định, DN nên sử dụng các mô hình dự báo dòng tiền để dễ bề cân đối thu chi. Ngoài ra, việc dự báo dòng tiền cũng sẽ giúp DN có quyết định kinh doanh sáng suốt, nhìn thấy trước tình trạng nợ nần cũng như biết được tình hình hoạt động của từng phòng ban, tình hình lưu chuyển tiền mặt của công ty.
Về cơ bản, có 3 dạng dự báo dòng tiền: dự báo ngắn hạn (theo tuần, tháng), dự báo trung hạn (theo quý, năm) và dự báo dài hạn (từ 3 năm trở lên).
Chọn đối tác phù hợp
Nhiều DN đã chọn sử dụng dịch vụ của ngân hàng như một cách hỗ trợ như trả lương cho nhân viên qua tài khoản ngân hàng, hay sử dụng dịch vụ thanh toán, rút tiền, chuyển tiền.
Với khoảng 80 ngân hàng hiện nay, để chọn ra một đối tác phù hợp, doanh nghiệp nên xem xét kỹ lưỡng các nhu cầu quản lý tiền của mình, sau đó mới đặt quan hệ với một số ngân hàng. Như thế, DN sẽ có điều kiện so sánh, thẩm định về chất lượng, giá cả cũng như có cơ hội trao đổi nắm bắt thông tin, hướng những ưu tiên của ngân hàng.
Tăng cường kiểm tra hệ thống quản lý tiền.
Tăng cường kiểm tra hệ thống quản lý tiền cũng là hạn chế rủi ro lưu chuyển tiền mặt. Ông Larry Trường, Chuyên viên Tài chính thuộc Công ty Bảo hiểm Manulife, nhấn mạnh: “Ít nhất mỗi quý, DN nên tiến hành kiểm tra một lần để kịp thời phát hiện những sai sót trong dữ liệu tài chính, hay những vấn đề như gian lận thương mại…Đồng thời, qua kiểm tra thường xuyên, doanh nghiệp sẽ có điều kiện giám sát hoạt động đầu tư hơn”.
Tuy vậy, dù cẩn thận đến mấy, sẽ có lúc DN gặp phải những rắc rối trong quản lý tiền. Khi đó, DN nên căn cứ những dấu hiệu như tính thanh khoản giảm sút, hàng tồn kho lớn hơn lượng tiêu thụ, gia tăng nợ ngắn hạn, các khoản phải thu bị dồn ứ…để kịp thời khắc phục những vấn đề trên.
Thủy Diệu
Theo Báo Nhịp Cầu Đầu Tư
Comments are closed.