Quá ít doanh nghiệp Việt “quen” với bảo hiểm tín dụng thương mại

Khi nào doanh nghiệp Việt mới quen với bảo hiểm tín dụng?(Tamnhin.net) – Hiện nay, mới chỉ có khoảng 20-30% doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam biết và làm quen với việc tham gia bảo hiểm tín dụng thương mại. Con số này là quá nhỏ vì các rủi ro trong quá trình xuất khẩu hàng hoá là không ít.Doanh nghiệp chưa quen với bảo hiểm tín dụng thương mại.Luật sư Võ Nhật Thăng – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết hiện nay hiểu biết của doanh nghiệp về rủi ro trong thương mại chưa cụ thể, chưa sâu và nhiều khi khá chung chung.

Bảo hiểm tín dụng thương mại là hình thức bảo hiểm mới, trước đây doanh nghiệp chỉ quan tâm tới bảo hiểm hàng hóa chính, vì vậy khi nói tới bảo hiểm tín dụng thương mại, hầu như các doanh nghiệp Việt Nam đều rất “lạ” với khái niệm này.

“Điểm yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là không hiểu 1 cách đầy đủ điều kiện bảo hiểm thông lệ quốc tế đang áp dụng. Hiện nay các doanh nghiệp quốc tế đã áp dụng điều kiện bảo hiểm năm 2009, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ quen áp dụng luật từ năm 1982, cách đây đã gần 20 năm, khiến nhiều doanh nghiệp Việt phải chịu thiệt thòi trong quá trình bảo hiểm hàng hoá”, ông Thăng nói.

Không chỉ thiệt thòi mà nhiều doanh nghiệp còn rất ít kiến thức về vấn đề này. Ông Thăng lấy ví dụ: một lô sắt thép nhập khẩu, khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển về muốn được đối tác nước ngoài bồi thường hàng bị gỉ thì phải mua thêm bảo hiểm gỉ thông thường mới được bồi thường. Trong khi doanh nghiệp chỉ biết mua hàng gỉ thôi mà không xét cả những yếu tố rủi ro thông thường.

“Trong khi nếu doanh nghiệp mua bảo hiểm tín dụng thương mại trong quá trình hợp tác với các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài, nếu các doanh nghiệp nước ngoài bị “sập tiệm” hay phá sản thì bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng được bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa được mấy doanh nghiệp quan tâm lắm”, ông Thăng nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của ông Thăng, đại diện Công ty CP xuất nhập khẩu Bắc Giang, ông Hoa cho biết, hiện doanh nghiệp Việt vẫn chưa nhận thức được việc mua bảo hiểm tín dụng quan trọng như thế nào khiến nhiều doanh nghiệp gặp khá nhiều rủi ro và thiệt hại khi mua bán với đối tác nước ngoài.

“Mặc dù xuất nhập khẩu là hoạt động chính của doanh nghiệp chúng tôi, tuy nhiên khái niệm về bảo hiểm tín dụng thương mại hôm nay là lần đâu tiên chúng tôi được tiếp xúc và hiểu rõ, mặc dù trước đó cũng đã nghe thấy”, ông Hoa thừa nhận.

Ông Hoa cũng cho biết, công ty ông cũng có làm bảo hiểm về rủi ro hàng hoá như thiên tai, dịch hoạ… nhưng bảo hiểm tín dụng thương mại thì chưa có.
 
Sẽ gặp rủi ro lớn

“Nếu thu xếp mua được bảo hiểm tín dụng đối với hàng xuất khẩu thì tỷ lệ hàng xuất khẩu bán theo giá thành, bảo hiểm và cước (CIF) sẽ tăng  lên. Nếu doanh nghiệp không thu xếp được nhà cung cấp bảo hiểm có tín nhiệm thì các đối tác nước ngoài sẽ mua bảo hiểm nước ngoài. Như vậy, tỷ lệ bán CIF sẽ không được tăng lên nhiều, đồng nghĩa kim ngạch xuất khấu sẽ tăng không lớn”, ông Thăng khẳng định.

Hơn nữa, nếu không mua bảo hiểm tín dụng, khi bán hàng cho các doanh nghiệp từ nước ngoài, không may khi đối tác nước ngoài bị phá sản thì doanh nghiệp Việt sẽ chịu rất nhiều rủi ro, thậm chí là mất trắng. Nếu doanh nghiệp cẩn trọng mua tín dụng bảo hiểm xuất khẩu thì sẽ được nhà bảo hiểm bồi thường thỏa đáng trong trường hợp xảy ra sự cố.
Vì vậy ông Thăng cho rằng, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, không còn cách nào khác là các doanh nghiệp Việt phải tăng cường xuất khẩu theo phương thức CIF. Nếu dùng hình thức này thì doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc thu xếp bảo hiểm, cụ thể là việc mua bảo hiểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải chọn được đại diện bảo hiểm có uy tín, có bề dày kinh nghiệm để khi có rủi ro xảy ra cũng giải quyết được vấn đề theo hướng tốt nhất. 

“Hiện tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang gặp phải một số rủi ro như: Rủi ro về tài chính đối với khách hàng là doanh nghiệp từ nước ngoài chẳng may họ phá sản; rủi ro gặp phải trong quá trình vận chuyển hàng ra nước ngoài nếu thuê tàu không phù hợp, trong quá trình vận chuyển xảy ra hư hỏng hàng hóa. Nếu không mua bảo hiểm thì số tiền bồi thường sẽ rất hạn chế”, ông Thăng khuyến cáo.

Còn ông Hoa cho rằng việc mua bảo hiểm tín dụng thương mại rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu, vì có những đối tác mới nước ngoài khiến doanh nghiệp trong nước chưa tin tưởng nên không dám giao hàng cho họ. Nhưng nếu có bảo hiểm về rủi ro tín dụng, doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn và có thể giao hàng hoá cho các đối tác nước ngoài, vì khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp cũng không bị mất trắng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn và chi phí sản xuất, giờ lại thêm việc mua bảo hiểm tín dụng nữa thì họ khó có thể cân đối vốn hợp lý bởi số tiền để mua được bảo hiểm tín dụng thương mại không phải là con số nhỏ.

Nhưng theo ông Hoa lý giải, tham gia bảo hiểm tín dụng thương mại cũng có những thuận lợi, đó là doanh nghiệp có thể yên tâm giao hàng cho đối tác nước ngoài mà không sợ mất, tuy nhiên phí bảo hiểm rất lớn cũng ảnh hưởng đến giá thành XNK và tính cạnh tranh.

Theo kinh nghiệm của ông Hoa, các doanh nghiệp nên chọn lọc, đối với những thị trường mới có lợi nhuận cao đòi hỏi doanh nghiệp phải mạo hiểm. Trong trường hợp này, nếu có bảo hiểm tín dụng bảo đảm thì doanh nghiệp nên mạo hiểm để tìm kiếm lợi nhuận. Và một khi có lợi nhuận lớn thì việc chi phí cho bảo hiểm tín dụng sẽ được doanh nghiệp trích ra để mua mà không ảnh hưởng đến vốn và chi phí sản xuất.

“Còn đối với những thị trường chúng tôi đã hiểu rõ, quen đối tác mà lợi nhuận thấp thì có thể chúng tôi sẽ không sử dụng đến bảo hiểm tín dụng”, ông Hoa cho biết thêm.

Văn Kỳ Thanh
Báo điện tử Tầm Nhìn

Comments are closed.