Q&A: Xu hướng thị trường châu Á đối với các giao dịch M&A bảo hiểm

(Webbaohiem) – Trong điều kiện châu Á đang nổi lên là một trong những khu vực mà ngành bảo hiểm có tốc độ phát triển nhanh nhất, nhiều công ty đang lựa chọn con đường sáp nhập và thâu tóm (M&A) để nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh của mình trong khu vực sinh lợi lớn.

Tạp chí Insurance Business đã có cuộc phỏng vấn về các xu hướng M&A bảo hiểm gần đây với ông Ian Stewart (ảnh), thành viên góp vốn tại chi nhánh Singapore của Công ty luật quốc tế Clyde & Co để tìm hiểu lý do và dự kiến về tương lai làn sóng M&A trong khu vực.
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏeBảo hiểm thai sảnbảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Quan sát quan trọng nhất của ông từ sự tăng trưởng của M&A bảo hiểm châu Á trong nửa đầu năm nay (2018) là gì?

Điều quan trọng nhất có thể nhận thấy từ sự gia tăng hoạt động của thị trường M&A bảo hiểm châu Á trong nửa đầu năm là người mua và người bán vẫn tự tin rằng sẽ có những giao dịch được thực hiện. Ở Đông Nam Á, người mua tin rằng có những tài sản bảo hiểm có thể cung cấp nền tảng cần thiết để tăng trưởng mạnh khi thị trường khu vực đang trở nên bão hòa và tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm bắt đầu bắt kịp các thị trường lớn khác. Từ phía bên bán, mặc dù nhận thức gần đây cho rằng tài sản bảo hiểm trong khu vực đã quá đắt đỏ song người ta vẫn tin rằng mục tiêu đúng có thể tạo ra bội số mạnh và lợi nhuận dương.
Nỗ lực của các nhà quản lý để thúc đẩy hợp nhất (bằng cách tăng yêu cầu về vốn) tác động đến ngành như thế nào?

Trong những năm gần đây, các nhà quản lý tại một số thị trường Đông Nam Á đã thực hiện các bước đi nhằm tăng nghĩa vụ vốn đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Đối với một số thị trường khu vực mới nổi, điều này đã được thực hiện dưới dạng một phần của một gói cải cách hướng tới thúc đẩy sáp nhập. Gần đây nhất, chúng tôi đã thấy điều này xảy ra ở Philippines, nơi số lượng các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được cấp phép đã giảm khoảng 15% do giấy phép bị rút hoặc đình chỉ do các công ty địa phương không thể đáp ứng được các mục tiêu vốn điều chỉnh. Trong ngắn hạn, hành động pháp lý như vậy sẽ tạo thêm áp lực lên doanh nghiệp bảo hiểm và có thể khiến một số doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại hoặc phải bổ sung các nhà đầu tư vào HĐQT của mình. Nhưng về lâu dài, những thay đổi như vậy sẽ dẫn đến thị trường khu vực mạnh mẽ hơn, tạo cảm hứng cho niềm tin của người tiêu dùng lớn hơn – điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành trong tương lai.


Tương quan của Singapore trong bối cảnh M&A chung của khu vực thế nào? Hoạt động kém hơn hay tích cực hơn – có khả năng tăng vọt?

Singapore là một thị trường rất tích cực cho M&A trong 12 tháng qua, với giao dịch trong các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính và công nghệ đang thu hút sự chú ý đáng kể của nhà đầu tư. Cụ thể trong lĩnh vực bảo hiểm, Singapore đã chứng kiến một số giao dịch rất lớn hoàn thành trong năm qua như Singapore Life và Mitsui Sumitomo – mỗi công ty đều thâu tóm được các doanh nghiệp nội địa quan trọng. Do thị trường bảo hiểm Singapore vẫn mở cửa cho các đối tượng mới và những lợi ích từ việc có được nguồn nhân tài rất mạnh nên chúng tôi cho rằng hầu hết hoạt động M&A của bảo hiểm Singapore sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường, nhất là đối với các nhà đầu tư muốn mua cổ phần lớn của doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối hiện tại. Tuy nhiên, khi công nghệ tiếp tục thay đổi cách thức kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, có thể sẽ có sự gia tăng các giao dịch quy mô nhỏ hơn trong lĩnh vực Insurtech, với những nhà đầu tư tìm đến nhờ danh tiếng đang lớn mạnh nhanh chóng của Singapore với tư cách là trung tâm Insurtech của cả khu vực.
Ông dự kiến điều gì sẽ xảy ra tại thị trường M&A trong khu vực những năm tới? Chúng ta có thể mong đợi các hoạt động M&A sẽ tiếp tục duy trì cường độ cao hay là sớm giảm nhiệt?

Rất khó để đưa ra dự đoán dài hạn cho khu vực Đông Nam Á về hoạt động M&A bảo hiểm, vì các cơ hội của thị trường khu vực sẽ tiếp tục được định hình theo điều kiện thị trường tại các trung tâm bảo hiểm khu vực lớn khác – vào thời điểm thị trường đang trải qua một giai đoạn không chắc chắn và thay đổi. Tuy nhiên, trong khi các nước Đông Nam Á tiếp tục thịnh vượng về kinh tế và nếu Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể mở rộng các cơ hội khu vực rộng lớn hơn thì có cơ sở cho sự lạc quan rằng hoạt động M&A sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong những năm tới.

Xin cảm ơn ông!

Huyền My (sưu tầm và dịch).