PVI: Trên vai người khổng lồ

Ngày 20/5/2010, TCty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí VN (PVI) chính thức tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ Đầu tư Oman (Oman Investment Fund – OIF). Qua đó, OIF nắm giữ 12,6% vốn điều lệ của PVI đồng thời thiết lập được những thỏa thuận song phương và tầm nhìn chung trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên.
Việc mở rộng hợp tác với OIF, cũng như tập đoàn bảo hiểm Sogaz (của Nga) cách đây không lâu là minh chứng cho thấy PVI đang dần hiện thực hoá cam kết với các cổ đông, nhà đầu tư (NĐT) về việc đẩy nhanh hoạt động của mình ra thị trường quốc tế với mục tiêu sớm trở thành nhà bảo hiểm và tái bảo hiểm có tầm cỡ trong khu vực, tương lai xa hơn là một Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm quốc tế có thương hiệu.

Sau quá trình nghiên cứu tỉ mỉ và cẩn trọng về hoạt động của PVI, OIF đã đánh giá cao tầm nhìn chiến lược, kết quả kinh doanh, vị thế, tiềm năng của PVI và đã đi đến quyết định đầu tư vào PVI dưới hình thức mua cổ phiếu phát hành mới để trở thành cổ đông chiến lược của PVI.

Hướng tới tập đoàn tài chính – bảo hiểm quốc tế

Ông Bùi Vạn Thuận – Tổng Giám đốc PVI cho biết: OIF là tổ chức đầu tư do Chính phủ Oman sở hữu, thành lập năm 2006 theo Sắc lệnh của Hoàng Gia Oman. Quỹ đầu tư dài hạn này tập trung vào các khoản đầu tư trực tiếp theo hình thức đầu tư cổ phần riêng lẻ và bất động sản. Danh mục đầu tư của OIF trên phạm vi toàn cầu rất đa dạng, bao gồm: Du lịch và giải trí, dịch vụ tài chính, truyền thông và giải trí, hạ tầng viễn thông, hàng hóa công nghiệp và dịch vụ, vận tải công nghiệp và kỹ thuật… Tiêu chí đầu tư của quỹ với quy mô đầu tư tối thiểu 20 – 30 triệu USD. và trong một số trường hợp đặc biệt có thể xem xét đầu tư vào những dự án với tổng mức đầu tư 3 tỷ USD. Đến thời điểm này, OIF đã tham gia 12 giao dịch lớn, giao dịch quan trọng nhất là việc mua 30% cổ phần của Dubai Mercantile Exchange (DME) vào tháng 5 năm 2007. OIF còn là cổ đông sáng lập ra Quỹ đầu tư Việt Nam – Oman. Với nguồn vốn cam kết ban đầu 100 triệu USD. Quỹ đầu tư riêng cho VN này bắt đầu hoạt động từ tháng 11 năm 2008, chuyên đầu tư bất động sản, ngành hàng tiêu dùng, khách sạn du lịch, cơ sở hạ tầng và năng lượng.

Thỏa thuận giữa PVI và OIF được thực hiện thông qua công ty con của OIF, qua đó OIF nắm giữ 12,6% tổng mức vốn điều lệ mới của PVI và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của PVI. Việc phát hành cổ phiếu mới cho OIF được thực hiện sau khi PVI đã chào bán cho các cổ đông hiện hữu 36.242.500 cổ phiếu (cổ đông hiện hữu được mua cổ phiếu mới theo tỷ lệ 20 cổ phiếu cũ được quyền mua thêm 7 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Số lượng cổ phiếu phát hành thêm cho OIF là 20.207.500 được hai bên giao dịch với mức giá 40.000 VND/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch là 808,30 tỷ đồng (khoảng 42,4 triệu USD). Điều đáng nói hơn là, với mức giá này, đối tác OIF không được hưởng quyền phát hành CP theo tỷ lệ 20:7. So với giá tham chiếu ngày giao dịch không hưởng quyền phát hành CP cho cổ đông hiện hữu là 25.100 đồng, NĐT nước ngoài đã chấp nhận giá mua cao hơn 59,36% so với giá thị trường để được trở thành cổ đông lớn của PVI. Chưa kể, theo phương án chia cổ tức mà Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) đã thông qua, các cổ đông sở hữu CP trước khi chào bán riêng lẻ (tính theo vốn điều lệ 1.035 tỷ đồng) còn được hưởng cổ tức tỷ lệ 19% bằng tiền mặt (bao gồm chia cổ tức năm 2009 tỷ lệ 12% mệnh giá và 7% mệnh giá tạm ứng cổ tức năm 2010). Nếu tính tới cả yếu tố điều chỉnh giảm giá do việc chia cổ tức nêu trên thì có thể thấy giá bán cổ phần cho NĐT nước ngoài đã cao hơn thị giá 80%.

Hiện thực hóa cam kết

Để có được kết quả quan trọng này ngay từ đầu năm 2008, PVI đã đặt ra lộ trình tăng vốn lên 1.600 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn tăng vốn từ 1.035 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng được thực hiện bằng 2 phương thức: chào bán giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20:7 và chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược 20.207.500 CP với giá không thấp hơn 80% trung bình giá 7 ngày trước khi 3 bên đạt được thỏa thuận. PVI cũng đã tiếp xúc với rất nhiều NĐT có uy tín trên thế giới và cuối cùng quyết định lựa chọn đối tác OIF.

Đối tác OIF đã nhìn thấy những lợi thế riêng mà chỉ PVI chứ không phải các DN bảo hiểm khác của Việt Nam có được. Hiện tại, với lợi thế là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí, thị phần bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm năng lượng của PVI đang chiếm tới gần 100% toàn thị trường bảo hiểm trong nước. PVI là đơn vị bảo hiểm cho nhiều dự án trọng điểm quốc gia có giá trị hàng tỷ USD như: dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau… PVI cũng chiếm gần 45% thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản – thiệt hại và 32% thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hải. Bên cạnh đó, PVI cũng là đơn vị duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này đã xuất khẩu các sản phẩm bảo hiểm ra nước ngoài, mà một trong những nguyên nhân chính là hưởng lợi thế từ vị trí thành viên của PVN và các yếu tố con người, năng lực tài chính… Năm 2009, dù nền kinh tế nói chung và các DN ngành bảo hiểm nói riêng còn nhiều khó khăn, nhưng với lợi thế của mình, PVI đã đạt được kết quả kinh doanh rất tốt, khi doanh thu đạt 3.566 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 220 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức là 12% vốn điều lệ… vượt xấp xỉ 20% các chỉ tiêu kế hoạch năm. Năm 2010, tiếp nối những thành công đã đạt được, Đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu 4.028 tỷ đồng, lợi nhuận 330 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức 15% vốn điều lệ.

Vươn ra thị trường quốc tế

Trên thị trường quốc tế, uy tín của PVI cũng ngày một khẳng định tốt hơn khi TCty tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác vững chắc với các nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới như: Munich Re, Swiss Re, Lloyds Syndicate… Đặc biệt, với việc được xếp hạng Tín nhiệm tài chính ở mức B+ (năng lực tài chính vững mạnh) và chỉ số tín nhiệm cho nhà phát hành đạt mức bbb- (Cty duy trì được khả năng thực hiện các cam kết tài chính tốt) do A.M. Best xếp hạng. Kết quả này đã giúp PVI khẳng định tốt hơn uy tín của mình trong lĩnh vực tài chính – bảo hiểm trong nước và quốc tế. Điều này càng được đánh giá cao hơn khi mức xếp hạng này được đánh giá khả quan, có thể được nâng cao hơn nếu thị trường tài chính diễn biến theo hướng thuận lợi và là tiền đề quan trọng để Cty thực hiện niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, phục vụ mục tiêu quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường quốc tế.

Theo ông Bùi Vạn Thuận: Sự hợp tác này mang lại rất nhiều thuận lợi cho cả hai bên bởi tập đoàn dầu khí quốc gia VN và Cty Dầu khí Oman đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. theo đó, hai bên sẽ hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí tại hai nước và ở các nước thứ 3; hợp tác trong lĩnh vực dầu khí cũng như lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm. Như vậy hợp tác với OIF, PVI không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN tại Oman cũng như triển khai cung ứng các sản phẩm dịch vụ tại thị trường này trong thời gian tới mà còn tạo tiền đề mở toang cánh cửa vào thị trường Trung Đông đầy tiềm năng – kinh đô của dầu lửa. Với các chương trình tái bảo hiểm toàn cầu về năng lượng, hàng hải và bảo hiểm kỹ thuật với mức phí bảo hiểm cạnh tranh và tính chuyên nghiệp cao cùng quan hệ đối tác vững chắc với các nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới… chúng tôi tin tưởng PVI hoàn toàn có thể chinh phục được thị trường Oman nói riêng và Trung Đông nói chung.

PVI và OIF sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác chiến lược, cho phép hai bên cùng  đầu tư vào những dự án khả thi tại VN và Oman cũng như cùng hỗ trợ nhau nâng cao thế mạnh cạnh tranh của cả hai bên trên trường quốc tế.  Mối quan hệ chiến lược với OIF sẽ giúp PVI hoàn thiện, nâng cao năng lực đầu tư, mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế. Sự kiện này cũng cho thấy sự tin tưởng của OIF đối với triển vọng phát triển của VN nói chung và PVI nói riêng.
Thỏa thuận hợp tác với OIF, cũng như hợp đồng hợp tác với tập đoàn bảo hiểm Sogaz cách đây không lâu về việc hợp tác thu xếp các chương trình bảo hiểm ở Nga và các nước thứ ba cho thấy PVI đang vươn ra khỏi phạm vi cũng như quy mô thị trường bảo hiểm VN. Với vị trí là nhà bảo hiểm số 1 VN về vốn, tổng tài sản và các dịch vụ bảo hiểm năng lượng, bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm hàng hải… cùng phương châm kinh doanh định hướng vào khách hàng, lấy tri thức làm nền tảng, con người là trung tâm của sự phát triển, việc mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng bền vững và hiệu quả của PVI trong tương lai.
Phan Nam
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử

Comments are closed.