PPP: Lối mở cho bảo hiểm nông nghiệp

altHQ Online)- Bắt đầu thí điểm từ năm 2011 theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cho tới nay, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) vẫn chưa thu được nhiều kết quả khả quan do vấp phải không ít khó khăn, vướng mắc cũng như những bất cập trong thực tế triển khai.

Khó chồng khó

Tại hội thảo “BHNN Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), Bộ NNPTNT tổ chức sáng nay 13-11, bà Trần Thị Diệu Hằng, Trưởng Phòng Bảo hiểm (BH) Phi nhân thọ, Cục Quản lý và Giám sát BH, Bộ Tài chính cho biết: Tính đến ngày 31-8-2013 đã có 316.545 hộ nông dân tham gia BH. Tổng doanh thu phí BH gốc đạt 339.576 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị được BH là 6.434,1 tỷ đồng và tổng số tiền bồi thường thực trả đạt 588,5 tỷ đồng.

Bà Hằng đánh giá, triển khai thí điểm BHNN gặp khá nhiều khó khăn do đây là loại hình BH mới, phức tạp, phạm vi đối tượng, địa bàn rộng, tính chất sản xuất nhỏ, thiên tai dịch bệnh nhiều.

Bên cạnh đó, thiệt hại xảy ra trên phạm vi rộng, mang tính đồng loạt; cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin của địa phương, doanh nghiệp (DN) BH hạn chế; DN BH gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ cũng như kiểm tra, giám sát rủi ro.

“Đặc biệt là trong năm 2012, xảy ra nhiều tổn thất lớn về BH tôm, cá, các DN BH gặp rất nhiều khó khăn do không ký được hợp đồng tái BH cho toàn bộ chương trình tái BHNN năm 2013 (nhà tái BH quốc tế không nhận tái BH do tỷ lệ bồi thường BH tôm, cá lớn). Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ NNPTNT điều chỉnh tăng phí BH, đồng thời đàm phán với nhà tái BH 82,93% mức trách nhiệm  BH để chương trình thí điểm có thể tiếp tục được thực hiện”, bà Hằng nhấn mạnh.

Theo ông Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Chiến lược Chính sách (Ipsard), triển khai BHNN thí điểm tại Việt Nam suốt thời gian qua đã đạt được những thành quả nhất định, tạo tâm lý ổn định cho các hộ nông dân sản xuất nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Cụ thể, việc xác định thiệt hại chưa có sự đồng nhất. Ví dụ như đối với lúa, việc đánh giá thiệt hại được tính theo năng suất trung bình của xã. Tuy nhiên, thực tế có nhiều xã quá rộng, điều kiện, đặc điểm các vùng ruộng đồng trên xã khác biệt lớn. Do đó, nhiều hộ nông dân có thiệt hại nặng nhưng vẫn không được đền bù. Một điểm đáng lưu ý nữa là quy trình bồi thường BHNN cho các hộ nông dân thường kéo dài. Có nhiều trường hợp các hộ nuôi tôm thiệt hại nhưng phải tới 10 tháng sau mới nhận được tiền BH.

Đẩy mạnh hợp tác công-tư

Theo ông Thắng, BHNN ở Việt Nam chưa thành công là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên tham gia, cụ thể là Nhà nước- Công ty BH- người dân. Hiện nay, ở Việt Nam đã hình thành một số nhóm liên kết công-tư (PPP) với các tập đoàn đa quốc gia đối với một số ngành hàng như cà phê, chè, rau quả, thủy sản, đậu tương/ngô và nhóm về tài chính. Sự thành công ban đầu của các nhóm liên kết này cho thấy, việc xây dựng cơ chế BHNN thông qua PPP là cần thiết và hữu ích.

Ông Gonzalo Eiriz Gervas, Phó Giám đốc cơ quan BHNN công tại Tây Ban Nha (ENESA) cho rằng, từ kinh nghiệm thực tế của Tây Ban Nha trong triển khai BHNN có thể thấy, một trong những mấu chốt để BHNN hiệu quả và bền vững là phải thúc đẩy hình PPP. Trong đó, có sự kết hợp, cùng tham gia của cả Chính phủ, DN tư nhân cũng như các hộ nông dân.

Ông Gonzalo Eiriz Gervas phân tích, Chính phủ thể hiện vai trò rõ nhất trong việc đảm bảo tính minh bạch trong quản lý công. Trong bối cảnh thiên tai ngày càng nhiều, tham gia BHNN, Chính phủ có thể tránh được sự hỗ khá tốn kém sau thiên tai và có thể dự toán ngân sách dành cho BHNN; giảm các rủi ro nông nghiệp thường xuyên xảy ra, giảm các vấn đề xã hội.

Trong khi đó, DN tư nhân có vai trò tạo ra lợi nhuận. DN hiểu biết kỹ thuật, giúp cải tiến dịch vụ, duy trì cơ chế thực thi ổn định, tăng số lượng khách hàng… Riêng sự tham gia của người nông dân là quan trọng nhất. Sự có mặt của họ sẽ giúp cho BH được điều chỉnh cho nhiều khu vực, các rủi ro sản xuất và đối tượng nông dân khác nhau; việc quản lý hiệu quả cũng như thúc đẩy thanh toán bồi thường nhanh hơn, đảm bảo thực hiện các quy định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Alberto Garrido- Đại học Kỹ thuật Madrid, Tây Ban Nha cho rằng: Để thiếp lập và duy trì thành công BHNN, vận hành theo cơ chế PPP là rất quan trọng. Trong đó, cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo và hỗ trợ của khu vực Nhà nước; phân định rõ trách nhiệm trong lập kế hoạch, quản lý, giám sát, kiểm soát và đánh giá; cần tiến hành kinh doanh trong dài hạn; hài hòa giữa cơ chế chung của Chính phủ với cơ chế của từng vùng…

Comments are closed.