“Phòng vi độ tiện, tố sự ung dung”

Ảnh minh họaNếu người dân mua bảo hiểm cháy nhà, chính phủ mua tàu chiến phòng khi đất nước bị xâm lược thì tại sao lại không có “bảo hiểm” dành cho ngành ngân hàng?Bài viết này nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tạp chí The Economist về hệ thống ngân hàng toàn cầu.Cũng may là hiếm khi xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng có khả năng tác động tới toàn thế giới, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, đóng băng thị trường tài chính và tê liệt thương mại quốc tế.

Với phần lớn các nước giàu, khủng hoảng 2008 vẫn là thời khắc tồi tệ nhất kể từ khi Đại suy thoái mở màn năm 1929.

Các cuộc khủng hoảng ngân hàng nhỏ hơn với phạm vi hoành hành chỉ trong nội bộ Mỹ, Anh, Nhật Bản và Thụy Điển hai hay ba thập niên trước đó ít gây thiệt hại với kinh tế thế giới hơn nhưng lại diễn ra thường xuyên hơn. Khó ước tính được chi phí của những cuộc khủng hoảng như thế, nhưng dù sao đi chăng nữa thì cuộc khủng hoảng vừa qua vẫn sẽ được coi là “đắt giá” nhất.

Vấn đề không chỉ là cộng dồn chi phí trực tiếp của các gói giải cứu ngân hàng hay việc chuyển nợ từ bảng cân đối kế toán ở khu vực tư nhân sang bảng cân đối kế toán của nhà nước. Đó còn là câu chuyện của những mảnh đời tan vỡ, nhưng căn nhà bị tịch thu và những người công nhân không còn kỹ năng hay sự tự tin khi mà họ đã thất nghiệp quá lâu.

Dù vậy thực sự ngân hàng rất hiếm khi phá sản. Khi mọi sự còn xuôi chèo mát mái, họ giúp tạo ra của cải và tăng trưởng. Họ khiến cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn. Dân chúng các nước giàu thường không để ý tới chuyện này. Hiện nay ai ai cũng thích chửi mắng giới ngân hàng.

Hãy nhìn các thị trường mới nổi mà xem, rõ ràng mọi người đều nghĩ thật đáng bỏ tiền ra để nhờ chuyển tiền từ nơi này tới nơi khác và kiếm chỗ gửi an toàn cho khoản tiết kiệm của mình.

Nay các cơ quan giám sát và giới chính trị phải bảo đảm rằng lợi ích của một hệ thống ngân hàng năng động và sáng tạo phải được phân phối rộng rãi hơn và khủng hoảng hiếm xảy ra hơn. Rất nhiều nỗ lực đã được bỏ ra nhằm tái điều tiết ngành tài chính.

Ngân hàng sẽ sớm phải có thêm nhiều vốn hơn so với trước kia, nhờ thế mà hệ thống sẽ an toàn hơn (nhưng có lẽ nếu họ có nhiều vốn hơn nữa thì vẫn tốt hơn). Cơ quan giám sát nay trở nên kiên quyết hơn, khiến nguy cơ khủng hoảng giảm xuống. Chính các ngân hàng cũng có cách nhìn mới về rủi ro. Ít nhất là chừng nào những ký ức về cuộc khủng hoảng mới đây còn tươi mới, có lẽ giới ngân hàng sẽ cẩn trọng hơn trước kia.

Dù vậy, vẫn còn những kẽ hở lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu. Tất cả những biện pháp mà các cơ quan giám sát đang đưa ra để khiến ngân hàng an toàn hơn, ví dụ như tăng các yêu cầu về vốn, giám sát chặt hơn và hạn chế chấp nhận rủi ro, đều cần phải trả lời một câu hỏi đơn giản.

Nếu tất cả các biện pháp bảo đảm an toàn trên đều vô hiệu, liệu có thể để một tổ chức tài chính lớn phá sản (hay được giải cứu mà không cần đến tiền của người nộp thuế)?

Trong trường hợp của Lehman Brothers, câu trả lời của nhà chức trách là CÓ, và đó là câu mào đầu cho đại khủng hoảng tài chính. Phải nhiều năm nữa họ mới lại cảm thấy đủ tự tin để nói CÓ. Cho đến khi ấy, các ngân hàng lớn được coi là “quá lớn để đổ vỡ” sẽ vẫn tiếp tục được huy động với giá vốn thấp hơn các đối thủ.

Các cơ quan giám sát đang lúng túng trước vấn đề này, không phải vì thiếu quyết tâm hay ý tưởng mà là vì họ đang quá cẩn trọng, luôn muốn chắc chắn rồi mới hành động.

Giống như thẩm phán tòa hình sự, họ đang cố đi tìm những chứng lý tuy khó kiếm nhưng chỉ là để chứng minh những điều hiển nhiên. Dù vậy không bao giờ có thể tìm ra những chứng lý ấy vì nhiều câu hỏi cơ bản về ngành ngân hàng không có câu trả lời rõ ràng và đơn giản.

Tuy nhiên, báo cáo này cho rằng, nhìn chung, ngân hàng càng nhỏ, càng được phân tách thành nhiều bộ phận độc lập và càng có nhiều vốn hơn sẽ càng ít gây rủi ro với toàn hệ thống. Phương thuốc này không đảm bảo chấm dứt được khủng hoảng ngân hàng, nhưng ít nhất chúng cũng giúp ngân hàng sụp đổ “êm ả” hơn.

Buộc ngân hàng phải có thêm vốn và duy trì khoảng cách giữa mình và các ngân hàng khác và giữa hai bộ phận ngân hàng bán lẻ và ngân hàng đầu tư không thể không tốn kém chi phí. Dù vậy chi phí ấy cũng không nên quá tốn kém và làm toàn ngành thay đổi căn bản. Có lẽ, mức chi phí ấy sẽ thấp hơn những quy định mang đậm chất dân túy hiện đang được thực thi.

Hơn nữa, phải tính vào chi phí ấy cả những lợi ích đem lại nhờ giảm nguy cơ khủng hoảng. Hoàn toàn triệt tiêu rủi ro ấy là điều không thể nhưng nếu cơ quan điều tiết hành động ngay bây giờ khi mà các quy định vẫn còn có thể thay đổi được, khủng hoảng tài chính sẽ ít rủi ro hơn và nếu có thì tác hại của nó cũng không lớn như trước.

Hộ gia đình mua bảo hiểm cho trường hợp nhà mình bị sét đánh. Chính phủ đổ hàng đống tiền vào quốc phòng để phòng ngừa một xác suất cực nhỏ nước mình bị tấn công. Dù vậy các cơ quan điều tiết ngân hàng lại đợi đến khi hiểm nguy đã quá rõ ràng rồi mới hành động.

Chừng nào họ chưa chấp nhận những biện pháp bảo hiểm được đề cập trong báo cáo này, như thắt chặt giám sát, lớp đệm vốn lớn hơn và có lẽ sự tách biệt lớn hơn giữa các loại hình ngân hàng, đồng hồ vẫn điểm dần tới cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Minh Tuấn
Theo Economist

Comments are closed.