Phó tổng giám đốc SCIC ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Vinare

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 của Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare, mã VNR) mới đây, ông Lê Song Lai đã được bầu là Chủ tịch HĐQT Vinare nhiệm kỳ 2015- 2019, thay cho ông Trịnh Quang Tuyến đến tuổi về hưu.

Tân Chủ tịch Vinare và HĐQT nhiệm kỳ mới nhận hoa từ Chủ tịch cũ – ông Trịnh Quang Tuyến

Sinh năm 1968, ông Lai là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cổ đông nắm vốn lớn nhất tại Vinare (với gần 35%).

Trước đó, ông Lai cũng nhiều năm liền giữ vị trí thành viên HĐQT Vinare và đã từng kinh qua các vị trí liên quan đến bảo hiểm khác, như Chuyên viên Phòng Quản lý bảo hiểm, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính); Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính. Ngoài ra, ông Lai cũng đảm nhận vị trí thành viên Hội đồng quản trị Tổng CTCP Bảo Minh.

Đại hội cũng đã bầu ra thành viên Hội đồng quản trị Vinare nhiệm kỳ 2015-2019 gồm 9 thành viên và bầu ra Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2015- 2019 với 5 thành viên, trong đó ông Trần Trung Tính được bầu là Trưởng Ban kiểm soát.

Năm 2015, Vinare đặt mục tiêu doanh thu phí nhận  đạt 1.610 tỷ đồng, doanh thu phí giữ lại  572 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, cổ tức năm 2015 dự kiến 15%.

Đại hội cũng đã thông qua kế hoạch 2015-2020, theo đó, tăng trưởng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm bình quân tăng 12%/năm; tăng trưởng doanh thu phí giữ lại bình quân tăng trưởng 16%/năm; tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng đến năm 2020.

Tại Đại hội, nhiều cổ đông bày tỏ băn khoăn với việc Công ty đặt chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân giai đoạn 2015 – 2020 là 12% có cần thiết, cũng như kế hoạch tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc Vinare cho biết, trong quản trị doanh nghiệp, ROE là một chỉ tiêu quan trọng và là một trong những thước đo về hiệu quả sử dụng vốn.

Việc tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng nằm trong kế hoạch phát triển chung của Vinare cho cả giai đoạn tới, nhằm tăng cường khả năng tài chính phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ, nhu cầu đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn.

“Khi có kế hoạch cụ thể về phương án tăng vốn, HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông và có giải thích chi tiết hơn”, ông Tứ nói.

Liên quan đến nghiệp vụ tái bảo hiểm, một cổ đông đặt câu hỏi: “Tỷ lệ nhượng tái bảo hiểm của Vinare từ năm 2010 đến nay thường khoảng 60%, Vinare có định hướng giảm tỷ lệ này trong thời gian tới hay không? Tỷ lệ hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thì sao khi năm 2014 khoảng 11%, trong khi các năm trước khoảng 15%?”. Chủ tịch HĐQT Vinare, ông Trịnh Quang Tuyến cho biết, đây là vấn đề mang tính kỹ thuật. Mức giữ lại, ngoài phụ thuộc vào khả năng tài chính của Vinare, còn phụ thuộc vào từng hợp đồng, loại hình rủi ro. Tỷ lệ hoa hồng cũng vậy, phụ thuộc vào từng dịch vụ, từng hợp đồng.

Theo (ĐTCK)

{fcomment}

Comments are closed.