Phía sau “cú bắt tay” Bảo Việt – SCIC

Cả SCIC và Bảo Việt đều là NĐT tài chính nên có thể xem xét, lựa chọn các dự án đầu tư tốt, hiệu quả mà hai bên có lợi thế. Tuy nhiên thỏa thuận này cũng khiến không ít NĐT đặt dấu hỏi về khả năng “lấp khoảng trống” Vinashin tại Bảo Việt của SCIC. Với việc tiếp nhận 20,4 triệu cổ phiếu Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt) từ cổ đông sáng lập “tiền nhiệm” là Tập đoàn kinh tế Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), SCIC trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Tập đoàn Bảo Việt sau HSBC.

Được biết, việc chuyển nhượng cổ phiếu Vinashin sang SCIC không phải là chuyển nhượng thông thường, mà là chuyển phần vốn nhà nước từ DNNN này sang DNNN khác.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều NĐT quan tâm là SCIC sẽ thay thế vai trò cổ đông chiến lược của Vinashin như thế nào tại Bảo Việt. Trước đây, Vinashin đã thể hiện khá tốt vai trò vừa là khách hàng vừa là cổ đông khi thực hiện nhiều hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn với Bảo Việt.

Trao đổi với báo giới, ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC cho biết, có ít nhất 4 điểm nhấn trong hợp tác chiến lược giữa SCIC và Bảo Việt. Trước hết, Tập đoàn Bảo Việt có thể thông qua SCIC để bán các sản phẩm bảo hiểm tại hàng trăm DN do SCIC đang quản lý phần vốn nhà nước. Nhất là các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ: như bảo hiểm tài sản, sản xuất kinh doanh, XNK…

Bên cạnh đó, Bảo Việt có ngân hàng nên có thể cung cấp vốn cho các khách hàng kể trên. Việc cung cấp dịch vụ cho các DN trong hệ thống SCIC mở ra những thị trường mới, khách hàng mới cho Bảo Việt.

Thứ hai, hai bên cùng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư. Vì khoản phí bảo hiểm mà Bảo Việt thu được, ngoài việc đưa vào quỹ bù đắp bồi thường khi có tổn thất, còn là nguồn lực tài chính rất lớn để đưa vào đầu tư. Cả SCIC và Bảo Việt đều là NĐT tài chính nên đều có thể xem xét, lựa chọn các dự án đầu tư tốt, có hiệu quả mà hai bên có lợi thế.

Thứ ba, cả hai tổ chức này đều đang trong quá trình tiến hành công cuộc về đổi mới trong quản trị DN để nâng cao tính cạnh tranh. Ông Tá nhấn mạnh, hai tổ chức này hoàn toàn có những điều kiện hợp tác với nhau để áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế. Thứ tư là SCIC và Bảo Việt có nhiều nghiệp vụ tương đồng nên có thể hợp tác để cùng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng yêu cầu kinh doanh.

Trả lời câu hỏi, SCIC có cảm thấy bị động khi thay thế Vinashin trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt hay không, ông Tá cho rằng, với tư cách là NĐT Chính phủ nên SCIC vừa đầu tư kinh doanh theo quy chế hoạt động của mình, đồng thời cũng có những nhiệm vụ Chính phủ giao và phải có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ đó.

Cùng với việc “đứt gánh lương duyên” với Vinashin, việc hợp tác với SCIC đang mở ra triển vọng phát triển mới cho Bảo Việt. Tuy nhiên, không ít NĐT đặt dấu hỏi về khả năng hỗ trợ Bảo Việt của SCIC khi mà SCIC là một “siêu tổng công ty” và có nhiều mối quan tâm lớn, chứ không riêng Tập đoàn Bảo Việt.

Theo Đông Hải
Đầu tư Chứng khoán
báo điện tử Dân trí

Comments are closed.