Phí tái bảo hiểm giảm đáng kể tại thời điểm tái tục 1/7; Generali thoái vốn 1,7 tỷ USDtại ngân hàng BSI Thụy Sỹ; MIC trao tiền bảo hiểm cho gia đình chiến sỹ bị tai nạn máy bay Mi 171

TIÊU ĐIỂM TUẦN 28:

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

MIC trao 550 triệu đồng cho gia đình chiến sỹ bị tai nạn máy bay Mi 171 

(MIC) – Sáng ngày 10/7, Đoàn cán bộ Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã đến thăm, động viên, chia buồn và trao 550 triệu đồng cho 11 gia đình cán bộ sỹ quan bị tai nạn máy bay rơi tại Hòa Lạc thuộc Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không – Không quân. 
Máy bay trực thăng Mi171 mang số hiệu 01 của Trung Đoàn Không quân trực thăng 916 bay huấn luyện nhảy dù đã bị mất liên lạc và rơi sáng ngày 7/7 tại thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, cách sân bay Hòa Lạc khoảng 3km. 
Vụ tai nạn đã khiến 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 3 người bị thương hiện đang được cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia. Toàn bộ số tiền mà Bảo hiểm Quân đội (MIC) trao cho các gia đình là chính sách ưu đãi của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân đã mua bảo hiểm tainạn quân nhân cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn đơn vị ngoài chế độ chính sách của Bộ Quốc phòng. 
Tại nhà khách Quân chủng Phòng không Không quân, bà Nguyễn Thị Vân Hạnh – Phó Giám đốc Ban Bảo hiểm Quốc phòng An ninh đã trao tận tay cho thân nhân 11 gia đình cán bộ, chiến sỹ hy sinh số tiền bảo hiểm, mỗi gia đình nhận 50 triệu đồng đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình không may có người thân hy sinh trong vụ tai nạn máy bay. 
2. Một vòng doanh nghiệp 
PJICO được bình chọn “Hàng Việt tốt – Dịch vụ hoàn hảo năm 2014”
(PJICO) – Ngày 12/7 tại Hà Nội, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã được trao Chứng nhận “Hàng Việt tốt – Dịch vụ hoàn hảo năm 2014”.  
Đây là Chương trình do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam chủ trì tiến hành cuộc khảo sát, điều tra thị trường lấy ý kiến người tiêu dùng. Chương trình khảo sát nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính Trị nhằm nâng cao sức cạnh tranh, uy tín và niềm tự hào Sản phẩm Việt – Dịch vụ Việt.
Chương trình khảo sát và bình chọn “Hàng Việt tốt – Dịch vụ Hoàn hảo năm 2014” được tập trung tôn vinh, khen thưởng những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, uy tín đối với người tiêu dùng của doanh nghiệp sản xuất trên cả nước.Các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các tiêu chí cơ bản: Chất lượng tốt, uy tín cao đối với người tiêu dùng, không vi phạm về sở hữu trí tuệ, rõ nguồn gốc xuất xứ, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh cao…Qua kết quả khảo sát, người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng tốt phù hợp với nhu cầuvà sức khỏe của người Việt.
Chương trình cũng góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp với người tiêu dùng trên cả nước và nhận thức cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng ViệtNam”, góp phần duy trì kinh tế, ổn định xã hội.
Dịch vụ “Bảo hiểm Xe cơ giới” của PJICO đã được bình chọn và công nhận Top 20 “Dịch vụ Hoàn hảo do Người tiêu dùng bình chọn” năm 2014.
Fubon Life Việt Nam giới thiệu hai sản phẩm bảo hiểm thai sản mới 
(Baotintuc) – Ngày 14/7/2014, tại Hà Nội, công ty BHNT Fubon Việt Nam ra mắt hai sản phẩm bảo hiểm thai sản mới: “Phúc Bảo An Sinh” và “Phúc Bảo An Mỹ”. 
Hiện nay, quy định về “thời gian chờ mang thai” của các sản phẩm bảo hiểm thai sản trên thị trường yêu cầu phụ nữ phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi mang thai một thời gian nhất định thì mới được hưởng quyền lợi bồi thường. Nếu sau thời gian chờ mang thai, người mua bảo hiểm không có thai thì coi như không có cơ hội sử dụng bảo hiểm thai sản đó.
“Phúc Bảo An Sinh” là sản phẩm bảo hiểm thai sản mà phụ nữ đang mang thai không quá 28 tuần vẫn có thể mua và hưởng các quyền lợi thai sản.Sản phẩm này tập trung vào hai đặc tính là bảo vệ nhiều tầng và tích lũy.
Về tính năng bảo vệ nhiều tầng: cung cấp cho người mẹ quyền lợi chi trả 10% số tiền bảo hiểm để có kinh phi sẵn sàng chi trả cho khám chữa bệnh kịp thời khi có biến chứng thai sản. Sản phẩm chi trả 8% số tiền bảo hiểm khi sinh con. Trong trường hợp không may bé mắc dị tật bẩm sinh, 20% số tiền bảo hiểm sẽ được chi trả giúp cha mẹ có kinh phí kịp thời chữa trị.
Trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực (5 năm), nếu không may người mẹ bị tử vong hay thương tật toàn bộ vĩnh viễn, khoản tiền bồi thường cao nhất lên tới 2 tỷ đồng.
Về đặc tính tích lũy:nếu không có rủi ro xảy ra, khi hợp đồng đến hạn, một khoản tiền mặt bằng 20% số tiền bảo hiểm được chi trả để cho bé hành trang vào lớp một.
Sản phẩm “Phúc Bảo An Mỹ” dành cho phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai, ngoài quyền lợi tương đồng như những quyền lợi của “Phúc Bảo An Sinh”, còn thiết kế tăng cường quyền lợi bảo vệ và tích lũy. Cụ thể, quyền lợi bảo vệ trong trường hợp biến chứng thai sản, quyền lợi sinh đẻ, quyền lợi dị tật bẩm sinh được chi trả căn cứ vào số lần mang thai. Trong thời gian hợp đồng có hiệu lực (tối đa 10 năm), nếu người mẹ mang thai hai lần thì quyền lợi bảo vệ khi hợp biến chứng thai sản, quyền lợi sinh đẻ, quyền lợi dị tật bẩm sinh được chi trả hai lần. Ngoài ra, quyền lợi đáo hạn tối đa 35% số tiền bảo hiểm.
3. Quản lý thị trường bảo hiểm
Từ 1/9, Thông tư bán bảo hiểm qua ngân hàng có hiệu lực
(ĐTCK) – Từ ngày 1/9/2014, Thông tư liên tịch số 84/2014/TTLT-BTC-NHNNVN của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm (ĐLBH) của ngân hàng cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, trong vai trò là đại lý, ngân hàng sẽ thực hiện các hoạt động giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thực hiện tư vấn; chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm (thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho DNBH theo thỏa thuận tại hợp đồng ĐLBH); thu xếp giải quyết trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các hoạt động, nghĩa vụ khác.
Về nguyên tắc, hoạt động ĐLBH, ngân hàng không được đồng thời làm đại lý cho DNBH khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của DNBH mà mình đang làm đại lý; không được tác động để khách hàng mua bảo hiểm cung cấp sai lệch hoặc không cung cấp các thông tin cần thiết cho DNBH nhân thọ; không được xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức. Nhân viên ngân hàng trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm được quản lý theo hệ thống ĐLBHchung của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Về hoa hồng bảo hiểm và chi quản lý đại lý, DNBH thực hiện chi trả hoa hồng bảo hiểm cho ngân hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng ĐLBHnhưng không được vượt quá mức quy định của pháp luật hiện hành về hoa hồng bảo hiểm. Ngoài hoa hồng bảo hiểm, DNBH được chi trả chi quản lý đại lý và các chi phí khác theo quy định pháp luật và được thỏa thuận tại hợp đồng ĐLBH.
Về chế độ báo cáo, định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày 15 tháng đầu của quý tiếp theo, ngoài các báo cáo theo quy định pháp luật hiện hành, DNBH phải nộp cho Bộ Tài chính (Cục QLGSBH) báo cáo tình hình triển khai hoạt động ĐLBH của ngân hàng cho DNBH trong quý. Đồng thời, hàng quý, ngân hàng phải báo cáo theo quy định về chế độ báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước tình hình triển khai hoạt động ĐLBHcho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong quý.
Cơ sở pháp lý để triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh
(TBTCO) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó, Nghị định 68/2014/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khái niệm “bảo hiểm bảo lãnh” tạo cơ sở pháp lý để triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh trên thị trường, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020.
Nghị định 68/2014/NĐ-CP nêu rõ, Bảo hiểm bảo lãnh là hoạt động kinh doanh bảo hiểm, theo đó, DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chấp nhận rủi ro của người được bảo lãnh, trên cơ sở người được bảo lãnh đóng phí bảo hiểm để DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. 
Bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2014.
Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên
(TBTCO) – Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.
Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, từ ngày 25/8 đến hết năm 2016, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên.
Cụ thể, hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.
Hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức: 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Sẽ thanh tra, kiểm tra một loạt các doanh nghiệp bảo hiểm
(TBTCO) – Cục quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng cuối năm Cục sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra DN bảo hiểm.
Cụ thể, Cục sẽ tranh tra, kiểm tra Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng Không (VNI), Công ty TNHH BHNT Cathay Việt Nam, Bảo hiểm PVI.
Kiểm tra toàn diện 3 DN bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm Liberty, bảo hiểm Toàn Cầu, bảo hiểm SamsungVina; Kiểm tra chuyên đề các DN bảo hiểm nhân thọ là Bảo Việt Nhân thọ, Prudential; Kiểm tra 3 DN môi giới bảo hiểm là Jardine, Thái Bình Dương, Cimeico.
Kiểm tra hoạt động của 10 văn phòng đại diện của các DN bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
Việc tăng thanh tra, kiểm tra không chỉ phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm, mà còn phát hiện bất cập trong cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung, từ đó, tạo môi trường pháp lý hoàn thiện, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tham gia bảo hiểm thông qua việc chấn chỉnh công tác chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Được biết, 6 tháng đầu năm Cục đã tổ chức kiểm tra 4 DN bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm AIA, Manulife, Dai-ichi và Hanwha Life; kiểm tra chuyên đề bảo hiểm xe cơ giới và hoa hồng bảo hiểm tại 4 DN bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm Xuân Thành, AAA, VASS và BSH; kiểm tra 2 công ty môi giới bảo hiểm là Toyota Tsusho và Aon.
Cục cũng đã phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kiểm tra chuyên đề về bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và đã có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời DN bảo hiểm vi phạm quy định giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.
Nửa đầu năm, thị trường môi giới bảo hiểm tăng trưởng âm
(TBTCO) – Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, 6 tháng đầu năm trong khi thị trường bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ tăng trưởng khả quan thì thị trường môi giới bảo hiểm tăng trưởng âm.Cụ thể: tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 2.796 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2013; tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm là 234 tỷ đồng chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo đánh giá của các chuyên gia bảo hiểm, tình trạng này là do hầu hết các DN có mức tăng chi phí lớn hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của nhiều DN không đạt kết quả tốt, thậm chí, có DN chịu thua lỗ lớn. Thêm vào đó, thị trường môi giới bảo hiểm vẫn tồn tại nhiều bất cập, tình trạng cạnh trạnh không lành mạnh giữa các DN môi giới bảo hiểm với nhau và giữa DN môi giới bảo hiểm với DN bảo hiểm diễn ra phổ biến.
Cục QLGSBH cho biết, nhiều DN môi giới bảo hiểm chưa phát huy tối đa hiệu quả, vai trò là cầu nối giữa khách hàng và DN bảo hiểm, chỉ tập trung môi giới trong lĩnh vực phi nhân thọ, bỏ ngỏ các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, DN môi giới chỉ tập trung môi giới cho khách hàng các sản phẩm nghiệp vụ tài sản, thiệt hại, và bảo hiểm tai nạn, sức khỏe…, nhiều nghiệp vụ khác DN môi giới chưa quan tâm, chú trọng.Đặc biệt, một số DN môi giới chưa tuân thủ các quy định của pháp luật.
Để tăng cường, nâng cao năng lực hoạt động kinh doanh của các DN môi giới bảo hiểm, cơ quan quản lý cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp cho hoạt động môi giới bảo hiểm, tạo điều kiện cho DN môi giới bảo hiểm phát triển.Bên cạnh đó, bản thân các DN cần nâng cao năng lực quản lý, đặc biệt là quản trị DN để có thể kiểm soát tốt doanh thu, chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh tránh tình trạng mức tăng chi phí lớn hơn mức tăng doanh thu.
Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai đánh giá, phân tích và trình Bộ Tài chính kết quả phân tích báo cáo tài chính có xác nhận kiểm toán của các DN môi giới bảo hiểm và có đề xuất, kiến nghị, định hướng giám sát, điều chỉnh kịp thời.Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra các DN môi giới bảo hiểm nhằm chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giúp DN phát triển ổn định.
4. Bảo hiểm với cộng đồng
MIC với“Hành trình về nguồn 2014”
(MIC) – Trong 3 ngày 11-13/7/2014, Đoàn CBNV Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã tổ chức “Hành trình về nguồn” nhân kỷ niệm 67 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2014). Tham gia chương trình về nguồn có Chủ tịch HĐQT, Ban Tổng Giám đốc và khách mời là đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô, BTL Cảnh sát biển, Viettel Post, Báo Quân đội, Truyền hình Quân đội cùng hơn 100 CBNV MIC đến từ các đơn vị trên toàn quốc. Đoàn đã đến thăm và dâng hương tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, anh hùng liệt sỹ Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại các điểm di tích lịch sử đoàn CBNV MIC rất xúc động khi được nghe lại quá khứ hào hùng của dân tộc, năm tháng chiến tranh ác liệt của quân và dân ta, nhiều anh hùng tuổi đời còn rất trẻ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc vì hòa bình, độc lập. 
Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, đoàn CBNV MIC đã trồng cây lưu niệm, đây là việc làm thành kính, tỏ lòng biết ơn của CBNV MIC với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ăn quả nhớ người trồng cây”. Tại buổi lễ trồng cây, ông Nguyễn Quang Hiện, khẳng định “Thế hệ CBNV MIC luôn ghi nhớ công lao của anh hùng liệt sỹ, luôn trân trọng những thành quả được tạo dựng nên bởi mồ hôi và xương máu của lớp người đi trước. Việc trồng cây lưu niệm anh hùng liệt sỹ nghĩa trang Trường Sơn chính là sự tri ân của CBNV MIC phải luôn ghi nhớ công lao các thế hệ cha, anh đi trước và giáo dục thế hệ trẻ MIC tự hào và ngày càng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh”
Bảo Việt: Niềm tin Việt – Chung tay hướng về biển đảo quê hương
(BVH) – Ngày 09/7/2014, Tập đoàn Bảo Việt đã phát động chương trình quyên góp “Bảo Việt: Niềm tin Việt – chung tay hướng về biển đảo quê hương” nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hướng về biển đảo thân yêu trong mỗi cán bộ Bảo Việt. 
Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 300 cán bộ, đại diện cho hơn 60.000 cán bộ, tư vấn viên trên toàn hệ thống Bảo Việt bao gồm công ty mẹ và 6 đơn vị thành viên, thu về gần 1 tỷ đồng để ủng hộ cho các hoạt động hướng về biển đảo quê hương.
Tại buổi lễ, những người tham gia chương trình đã chụp ảnh với lá quốc kỳ ngay tại trụ sở chính của Tập đoàn Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Hoạt động này nằm trong chương trình “Niềm tin Việt” mà Tập đoàn Bảo Việt đang đồng hành và lan tỏa trên toàn quốc. Từ bức ảnh chụp của mỗi người, một tấm bản đồ Việt Nam ghép lại từ hình ảnh của hàng nghìn người đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng sẽ dần được hoàn thiện.
Ông Nguyễn Quang Phi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt chia sẻ: “Chương trình là cơ hội để mỗi cán bộ nhân viên Bảo Việt thể hiện niềm tin và tình yêu đối với quê hương đất nước. Thông qua những hành động nhỏ mà ý nghĩa ngày hôm nay, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh và ý chí kiên cường cho đồng bào và các chiến sỹ nơi đảo xa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.”
Sau chương trình, Quỹ “Bảo Việt – Niềm tin Việt” sẽ được sử dụng để triển khai các hoạt động cụ thể tại các vùng biển đảo như tặng quà cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo, hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, hội nghề cá; hoặc đảm nhận một số công trình tại địa phương biển đảo, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng.
Từ nay đến năm 2015, Tập đoàn Bảo Việt dự kiến sẽ dành nguồn kinh phí khoảng 4 tỷ đồng để tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ vùng biển đảo với mong muốn sẽ mang lại sự động viên kịp thời và hiệu quả đối với những cán bộ chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

II. Tin quốc tế
Generali thoái vốn tại ngân hàng BSI Thụy Sỹ với giá 1,7 tỷ USD
(Insurancebusinessreview) – Hãng bảo hiểm lớn nhất tại Ý Assicurazioni Generali vừa ký thỏa thuận với Grupo BTG Pactual, ngân hàng đầu tư khu vực Mỹ La tinh, về việc thoái vốn tại ngân hàng BSI Thụy Sỹ với mức giá 1,5 tỷ franc Thụy Sỹ (1,7 tỷ USD).
Thỏa thuận này được thực hiện trên cơ sở thông báo của Generali từ tháng 5 năm nay, theo đó hãng bảo hiểm Ý đã đồng ý để ngân hàng Banco BTG Pactualtiến hành đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn của Generali tại BSI.
Phương thức thanh toán của giao dịch gồm 1,2 tỷ franc Thụy Sỹ (1,34 tỷ USD) bằng tiền mặt và 300 triệu franc Thụy Sỹ (336,26 triệu USD) bằng hoán đổi cổ phần BTG hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán Sao Paulo.
Ông Mario Greco, Tổng Giám đốc tập đoàn Generali, nói: “Với việc thực hiện giao dịch này, chúng tôi đã đáp ứng trên mức yêu cầu của Luật đảm bảo khả năng thanh toán I (Solvency I), khôi phục lại nguồn vốn của Generali trước khi bước sang năm kế hoạch 2015”.
Hãng bảo hiểm Ý cũng nhấn mạnh thương vụ bán BSI là một phần trong chiến lược tập trung vào kinh doanh bảo hiểm và nâng cao năng lực tài chính của mình.
Sau khi giao dịch này hoàn tất, dự kiến vào nửa đầu năm 2015, Generali sẽ có được tổng số 3,7 tỷ Euro từ tiền bán các lĩnh vực kinh doanh không then chốt.
JP Morgan và Mediobanca sẽ đóng vai trò tư vấn tài chính cho Generali trong giao dịch này.
Đài Loan: Chính quyền cho phép người Trung Quốc mua bảo hiểm bằng đồng Nhân dân tệ 
(Asiainsurancereview) –Hãng tin Reuters dẫn lời báo chí địa phương cho biết Cơ quan quản lý tài chính Đài Loan dự kiến sẽ cho phép các du khách đến từ Trung Hoa đại lục được mua các sản phẩm tài chính, trong đó có các sản phẩm bảo hiểm, bằng đồng Nhân dân tệ, khi họ du lịch đến hòn đảo này.
Tờ Thời báo Thương mại cho hay các du khách đến từ Trung Quốc sẽ được phép mua các sản phẩm bảo hiểm, các quỹ tương hỗ và các sản phẩm phái sinh theo đơn vị tiền Nhân dân tệ. Đây là nỗ lực của ngành tài chính Đài Loan nhằm cạnh tranh với Hồng Kông và Singapore.
Trước đó, chính quyền Hồng Kông đã cho phép các hãng bảo hiểm được bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng không phải là công dân của đặc khu này, bao gồm cả du khách Trung Quốc, miễn là việc ký kết hợp đồng và ghi nhận doanh thu được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Hồng Kông.
Doanh thu bảo hiểm của Hồng Kông đến từ Trung Quốc đại lục liên tục tăng qua các năm. Năm 2013, các nhà bảo hiểm Hồng Kông thu được 15 tỷ đôla Hồng Kông (1,94 tỷ USD) tiền phí bảo hiểm từ du khách Trung Quốc, chiếm tới 16% tổng doanh thu các hợp đồng mới phát hành trong năm, so với mức 4% năm 2010.
Ấn Độ nâng room sở hữu của nhà đầu tư FDI tại các doanh nghiệp bảo hiểm 
(Asiainsurancereview) –Chính phủ Ấn Độ vừa nâng room sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tại các doanh nghiệp bảo hiểm lên mức 49% nhằm tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư vào thị trường bảo hiểm nước này với số người chưa được bảo hiểm lên tới 500 triệu người.
Hãng thông tấn Indo-Asian News Service dẫn lời ông V Manickam, Tổng thư ký Hội đồng BHNT Ấn Độ: “Với quyết định này, chúng tôi kỳ vọng ngành bảo hiểm sẽ thu hút thêm khoảng 500 tỷ INR (83 tỷ USD) vốn đầu tư mới giai đoạn từ nay đến năm 2020. Số văn phòng chi nhánh BHNT sẽ tăng từ 10.000 lên 30.000 và số cán bộ nhân viên sẽ tăng từ mức 200.000 lên 500.000 người”.Bên cạnh đó, tổng số đại lý BHNT sẽ tăng từ 2 triệu người hiện nay lên 4 triệu người vào năm 2020.
Cũng theo ông V Manickam, nguồn vốn mới sẽ giúp ngành bảo hiểm nước này đạt được mức tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, từ đó có tác động trở lại thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Ông cũng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hãng bảo hiểm niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong vòng 6 năm tới.
Thị trường bảo hiểm Ấn Độ mới chỉ được mở cửa từ năm 2000 cho khu vực kinh tế tư nhân. Kể từ đó tới nay, room đầu tư tối đa cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì ở mức 26%.

Phí tái bảo hiểm giảm đáng kể tại thời điểm tái tục 1/7/2014
(Insurancenews) – Một lượng vốn dư thừa lớn của các hãng tái bảo hiểm và mức độ tổn thất thấp khiến cho giá phí hàng loạt sản phẩm tái bảo hiểm giảm tại thời điểm tái tục 1/7/2014.
Nhà môi giới tái bảo hiểm Guy Carpenter thậm chí thông báo mức giảm phí tới 2 con số. Trong một báo cáo về thị trường bảo hiểm toàn cầu, hãng này cho biết: “Tại Úc và New Zealand, mùa tái tục 1/7 năm nay tiếp tục chứng kiến sự giảm phí đáng kể do dư thừa cung về vốn. Điều này xuất phát từ tổn thất thảm họa năm 2013 ở mức thấp, mặc dù vẫn còn tác động nhất định từ những thiệt hại trong các trận động đất năm 2010/2011 tại New Zealand”. Vì thế, các nhà bảo hiểm đã mở rộng phạm vi bảo hiểm của mình
Theo bàLara Mowery, Giám đốc điều hành khối Bảo hiểm tài sản chuyên biệt toàn cầu của Guy Carpenter, một loạt các sản phẩm tái bảo hiểm đã điều chỉnh nội dung điều khoản theo hướng có lợi hơn cho khách hàng và cung cấp sự đảm bảo lớn hơn, đồng thời khách hàng có thể đề nghị sửa đổi điều khoản hợp đồng theo đúng nhu cầu của mình. Bà cũng cho biết lượng vốn hiện có của các doanh nghiệp tái bảo hiểm đang đạt mức kỷ lục là 20,8 tỷ USD.
Thiệt hại do thảm họa thiên nhiên giảm thấp dưới mức trung bình 
(Insurancenews) – Theo báo cáo mới đây của Munich Re, khiếu nại bảo hiểm đối với những thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra trong 6 tháng đầu năm đang ở mức khá thấp.
Tổn thất do thảm họa thiên nhiên gây ra đối với nền kinh tế trong 6 tháng là 42 tỷ USD và tổn thất được bảo hiểm là 17 tỷ USD, đều thấp hơn mức trung bình 10 năm qua: tương ứng là 95 tỷ USD và 25 tỷ USD.
Có khoảng 490 thảm họa thiên nhiên đáng kể xảy ra trong nửa đầu năm, trong đó khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Hoa Kỳ (35% tổng số tổn thất về kinh tế), tiếp theo là châu Âu và châu Á (mỗi khu vực gánh chịu 30% tổn thất kinh tế).
Theo ông Torsten Jeworrek, Tổng Giám đốc Munich Re, mặc dù thảm họa thiên nhiên ở mức thấp song “chúng ta không nên quên rằng vẫn chưa có thay đổi gì về tình trạng rủi ro nói chung”. Tiêu biểu như mùa đông khắc nghiệt vừa qua tại Bắc Mỹ đã gây ra những tổn thất rất nghiêm trọng do thời tiết lạnh bất thường và tuyết rơi dày tại nhiều khu vực ở Hoa Kỳ và Canada. Tổn thất từ các trận bão tuyết lên tới 3,4 tỷ USD.
Ông Peter Hoepp, Giám đốc Nghiên cứu rủi ro địa chất của Munich Re, tin rằng có mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tại bắc bán cầu trong mùa đông vừa rồi, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa đồng nhất được về những dự đoán cho các hình thái thời tiết trong tương lai.
Cơ quan Quản trị hải dương và khí quyển Hoa Kỳ (NOAA) đã ghi nhận 721 trận bão trong nửa đầu năm nay, so với mức trung bình 1.026 trận/ 6 tháng đầu năm các năm giai đoạn 2005-2013.
BTV (tổng hợp).
{fcomment}

Comments are closed.