Phát triển hệ thống điều khiển từ xa ngăn ngừa tai nạn máy bay rơi

(Webbaohiem) – Theo Cơ quan kiểm soát không lưu Đức (DFS), sau những sự cố gần đây liên quan đến an toàn hàng không, nhất là vụ tai nạn máy bay 4U9525 của hãng Germanwings làm thiệt mạng 150 người, ngành hàng không nên tính tới việc triển khai các hệ thống chiếm quyền kiểm soát máy bay từ mặt đất trong trường hợp khẩn cấp.

 

Ông Klaus-Dieter Scheurle, Tổng Giám đốc DFS, nói: “Chúng ta đã sản xuất được máy bay không người lái, vì vậy công nghệ điều khiển máy bay từ mặt đất đã sẵn sàng”.

Ông mô tả rằng, khi kiểm soát không lưu nhận thấy dấu hiệu bất thường trên máy bay, họ sẽ kích hoạt hệ thống để chiếm quyền điều khiển khẩn cấp từ mặt đất. Máy bay sẽ hạ cánh tự động dưới sự điều khiển của đài kiểm soát không lưu ở phi trường. Việc điều khiển máy bay được thực hiện bằng sóng radio từ một phi cơ chuyên dụng, hoặc thông qua liên kiết dữ liệu giữa phi cơ và kiểm soát không lưu. Scheurle chia sẻ thêm: “Trong tình huống này, hành khách phải hạ cánh ở một sân bay khác nhưng họ được đảm bảo an toàn”. 

Theo các nhà chức trách, chuyến bay mang số hiệu 4U9525 của hãng hàng không Germanwings đã bị viên cơ phó cố ý điều khiển cho rơi xuống dãy núi Anpơ của Pháp hồi tháng 3, sau khi khóa trái cửa không cho cơ trưởng vào buồng lái. Vụ tai nạn khiến dư luận đặt ra câu hỏi làm thế nào ngăn chặn không để xảy ra những vụ việc tương tự trong tương lai. 

Ông Scheurle cho biết Cơ quan kiểm soát không lưu Đức đang tham gia vào một nhóm nghiên cứu gồm các đại diện của kiểm soát không lưu, Bộ Giao thông Vận tải và 8 đại diện ngành công nghiệp hàng không Đức. Họ sẽ nghiên cứu các công nghệ cần thiết, chi phí cũng như những yếu tố liên quan để lắp đặt hệ thống trên máy bay, trong đó chú trọng tới việc đánh giá các quy trình trong buồng lái và các quy định an toàn hàng không.

Sau thảm họa 11/9/2001 tại tòa tháp đôi WTC của Hoa Kỳ, cửa buồng lái máy bay đã được gia cố và có khả năng chống đạn. Do vậy, cơ trưởng trên chuyến bay xấu số 4U9525 không thể phá cửa để trở về ghế lái của mình.

Ông Scheurle giải thích: các chương trình nhằm duy trì hệ thống quản lý bay khi máy bay gặp tình huống nguy hiểm (hạ cánh khẩn cấp xuống các sân bay nhỏ) có thể ngăn ngừa được các sự cố tương tự vụ rơi máy bay tại Hy Lạp năm 2005. Trong vụ tai nạn này, máy bay của hãng hàng không Helios Airways (đảo Síp) bị rơi gần Athens do hết nhiên liệu và hỏng hệ thống cung cấp oxy, khiến toàn bộ 121 người trên máy bay thiệt mạng.

 

Theo ông Scheurle: “Không nên hạn chế việc đề ra cách thức nhằm xử lý tình huống khẩn cấp khi toàn bộ phi hành đoàn bị vô hiệu hóa. Những tình huống tương tự như vậy hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai, do đó chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc nhằm tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả”.

“Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn rất dài, có thể chúng ta phải chờ tới thập kỷ sau, bởi lẽ công nghệ này khá phức tạp và cần tới những chứng nhận cần thiết. Bước đầu tiên sẽ là đánh giá thuận lợi và khó khăn khi ứng dụng vào thực tế”, ông nói.

Thu Phương (Theo Bloomberg).

{fcomment}

Comments are closed.