Pháo hiệu cuộc săn lùng đầu tư mới

Việc mua và nắm giữ CCQ PRUBF1 khoảng 2,5 năm đến khi đáo hạn sẽ là khoản đầu tư rất hiệu quả cho Prudential - Ảnh: Hoài Nam(ĐTCK-online) Không phải ngẫu nhiên mà Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đăng ký chào mua công khai 15,85 triệu chứng chỉ Quỹ đầu tư Cân bằng Prudential – PRUBF1. Với khả năng can thiệp vào hoạt động đầu tư của Quỹ, việc nắm giữ chứng chỉ quỹ 2,5 năm đến khi đáo hạn sẽ là khoản đầu tư rất hiệu quả cho Prudential Việt Nam.

Đây cũng có thể coi là phát pháo hiệu đầu tiên cho việc khai phá cơ hội đầu tư dài hạn các chứng chỉ quỹ tại Việt Nam.

 Tỷ suất sinh lời hấp dẫn

Theo báo cáo tài chính quý III/2010, kết thúc quý III, PRUBF1 có tổng tài sản 433,113 tỷ đồng, tài sản ròng 418,324 tỷ đồng, trong đó 31,5 tỷ đồng tiền mặt, 122,061 tỷ đồng trái phiếu, 243,149 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết; 19,061 tỷ đồng tiền bán chứng khoán đang về tài khoản. Quỹ chỉ có hơn 7 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết, khoảng 14 tỷ đồng các khoản phải trả khác. Giá trị tài sản ròng mỗi chứng chỉ quỹ thời điểm trên là 8.366 đồng. Còn vào thời điểm 6/1/2010, giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ là 8.641 đồng.

Điều dễ nhận thấy là, trong cơ cấu tài sản của PRUBF1, có tới gần 160 tỷ đồng tài sản ròng là tiền mặt, tiền đang về và trái phiếu. Đây là những loại tài sản tương đối thanh khoản và có thể chuyển sang dạng tiền mặt với tỷ lệ chiết khấu thấp. Ngoài ra, Quỹ còn hơn 250 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu, với gần như toàn bộ là cổ phiếu đã niêm yết. Với quy mô Quỹ khá nhỏ, kết hợp với việc thị trường đang trong chu kỳ đi lên (nếu nhìn dài hạn) cho thấy, cơ hội tăng giá trị tài sản ròng của Quỹ trong thời gian tới là rất lớn.

Trong khi đó, giá giao dịch PRUBF1 hiện xấp xỉ 6.000 đồng/chứng chỉ quỹ. Điều này có nghĩa, nếu Quỹ không cần thay đổi cơ cấu, thì một NĐT mua và nắm giữ chứng chỉ quỹ đến khi đáo hạn (tức tháng 7/2013) sẽ có cơ hội thu về khoảng 8.500 đồng cho mỗi chứng chỉ quỹ thị giá 6.000 đồng hiện tại. Tỷ lệ sinh lời tương đương 41,67% cho 2,5 năm. Có lẽ đây là lý do quan trọng nhất khiến Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam quyết định chào mua công khai 15,85 triệu chứng chỉ quỹ.

Không chỉ có PRUBF1, chứng chỉ quỹ MAFPF1 cũng đang được CTCP Đầu tư Hà Việt tích cực mua gom, với tỷ lệ sở hữu đã lên tới gần 20%. Ngay chứng chỉ quỹ VFMVF1 do Công ty Quản lý quỹ Việt Nam cũng đang được không ít NĐT xem xét cơ hội mua vào để chờ… thanh lý.

Với mức giá giao dịch hiện tại là hơn 11.000 đồng/chứng chỉ quỹ, VFMVF1 đang giao dịch thấp hơn 10.000 đồng/chứng chỉ quỹ so với giá trị tài sản ròng mỗi chứng chỉ (ngày 6/1/2011 là 21.061 đồng). Theo báo cáo tài chính tháng 12/2010, tại thời điểm 31/12/2010, trong số 2.137,596 tỷ đồng tài sản (trong đó tài sản ròng 2.126,268 tỷ đồng), Quỹ có 142,814 tỷ đồng tiền mặt, 1.957,273 tỷ đồng cổ phiếu, trong đó có 1.617,484 tỷ đồng là cổ phiếu niêm yết. Nếu tính tỷ lệ chiết khấu thanh khoản cho cổ phiếu niêm yết là 15%, cổ phiếu chưa niêm yết là 30%, giả thiết Quỹ không thay đổi cơ cấu tài sản và TTCK đi ngang, nếu Quỹ được thanh lý đúng thời hạn (tháng 5/2014) thì tổng giá trị tài sản Quỹ khi giải thể là 1.612,713 tỷ đồng, tương đương giá trị tài sản ròng mỗi chứng chỉ quỹ là 16.127 đồng. So với mức giá 11.000 đồng/chứng chỉ quỹ, tỷ suất sinh lời sau hơn 3 năm nắm giữ là 46,61%. Dù vậy, với nhận định xu hướng đi lên của TTCK trong trung và dài hạn, thì khả năng tỷ lệ sinh lời cao hơn là hoàn toàn có thể.

 
Nhưng…

Giám đốc đầu tư một quỹ đầu tư tại Hà Nội nhận định, nếu có một khoản tiền chấp nhận đầu tư dài hạn trong khoảng 3 năm, thì việc mua chứng chỉ quỹ và chờ giải thể quỹ hoàn toàn là một phương án đầu tư khả thi, với kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn. Chưa kể, cùng với diễn biến ngày một sáng sủa hơn của kinh tế vĩ mô, kỳ vọng sinh lời cho những khoản đầu tư như trên cao hơn nữa là có thể. Tuy nhiên, dù kỳ vọng thị trường là tích cực thì cũng khó có thể đảm bảo chắc chắn về cơ hội sinh lời cho việc mua chứng chỉ quỹ lúc này, nếu NĐT không thể tham gia trực tiếp vào việc quản lý quỹ, hoặc không thể ép quỹ giải thể sớm, mà đại diện một số NĐT tổ chức nói rằng, “đêm dài lắm mộng”.

Lãnh đạo một CTCK gần đây đã bức xúc nói rằng, ông không tin những người trực tiếp quản lý một quỹ đầu tư đại chúng đang niêm yết hoạt động minh bạch, vì quyền lợi của NĐT. Theo vị này, việc quỹ làm ăn thua lỗ nặng nề chỉ sau một thời gian ngắn, với mức thua lỗ cao hơn rất nhiều so với mức giảm của VN-Index khiến bản thân ông và nhiều NĐT khác khó có thể không nghi ngờ, quỹ đang phải “hy sinh” vì lợi ích của một đối tượng khác. Sự nghi ngờ này không phải không có lý do khi đã có tin đồn ở một quỹ và một vài CTCK rằng, ban lãnh đạo chấp nhận mua cổ phiếu vào ở mức giá đỉnh, để quỹ/CTCK mình đang quản lý “ôm bom” hộ đối tác bên ngoài và hưởng phần trăm!?

Bùi Sưởng
Báo Đầu tư

Comments are closed.