Ô tô không người lái: cơ hội và rủi ro

(Webbaohiem) – Ngày 11/2/2015, Bộ Giao thông Anh (DfT) phát hành báo cáo dài 191 trang có tựa đề “Con đường tới ô tô không người lái”. Báo cáo chỉ rõ định hướng của Chính phủ Anh trong việc ứng dụng công nghệ ô tô không người lái và khẳng định: “chúng ta đang có môi trường pháp lý thuận lợi nhất trên thế giới để phát triển công nghệ này”.

 

Theo báo cáo, một lộ trình đã được xây dựng nhằm thử nghiệm công nghệ ô tô không người lái tại các thành phố Greenwich, Milton Keynes, Coventry và Bristol từ tháng 5/2015, đồng thời bộ quy tắc ứng xử cũng sẽ được phát hành trong thời gian này. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý có liên quan sẽ được rà soát lại và sửa đổi từ nay tới năm 2017. 

Các nhà sản xuất ô tô danh tiếng như Mercedes, Audi, Nissan, Volvo và nhà khổng lồ công nghệ Google đã chi hàng triệu bảng đầu tư vào công nghệ ô tô không người lái. Trên thực tế, một số thành phần của công nghệ này đã được tích hợp, như: hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống định vị vệ tinh, hệ thống điều khiển hành trình, đỗ xe tự động.

Liệu rằng công nghệ mới này có làm giảm tai nạn giao thông, thay đổi phương thức bảo hiểm và khiếu nại bồi thường hay không? Dưới đây là một số phân tích cụ thể:  

Lợi ích:

Theo báo cáo của PriceWaterHouse, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân khiến 1,3 triệu người chết và 40 triệu người bị thương mỗi năm. Các công ty phân tích, các hãng bảo hiểm, các nhà sản xuất ô tô và cơ quan chức năng của chính phủ đều có chung nhận định là tới 90% tai nạn ô tô xuất phát từ lỗi của lái xe. Ông Matthew Avery, Giám đốc Nghiên cứu An toàn thuộc công ty Nghiên cứu Thatcham – đơn vị cung cấp dữ liệu chính cho ngành công nghiệp ô tô và được tín nhiệm từ các hãng bảo hiểm – cho biết “Hệ thống phanh khẩn cấp tự động làm giảm 20% số các vụ đâm va và các khiếu nại bảo hiểm thương tật cá nhân”.

Bên cạnh những ưu điểm về mức độ an toàn, công nghệ ô tô không người lái còn giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông và khói bụi ô nhiễm, nâng cao khả năng tham gia giao thông của người khuyết tật và tiết kiệm thời gian.

 

Rủi ro:

Hiện nay, phần lớn tai nạn ô tô xuất phát từ lỗi của lái xe và người tham gia trong các đơn bảo hiểm chủ yếu là cá nhân các chủ xe. Vì vậy, rủi ro được phân tán cho hàng triệu người và chỉ còn lại một tỷ lệ nhất định rủi ro bảo hiểm trực tiếp hay gián tiếp thuộc về nhà sản xuất xe, nhà phân phối, người bán lẻ, cũng như các hãng sản xuất phụ tùng – nhằm bảo vệ trong trường hợp tai nạn xảy ra do lỗi của sản phẩm.

Công ty Thatcham Research đã đề ra 3 bước chuyển đổi với ngành bảo hiểm. Trước tiên là “cắt giảm” rủi ro – nhằm giảm thiểu rủi ro do lỗi của con người. Tiếp đó là “cắt lát” rủi ro với việc chuyển từ các đơn bảo hiểm ô tô truyền thống sang đơn bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, do vai trò và trách nhiệm của lái xe sẽ giảm dần để nhường chỗ cho công nghệ không người lái. Cuối cùng là “loại trừ” rủi ro, theo đó tai nạn giao thông đường bộ gần như bị loại bỏ hẳn.

Bên cạnh đó, Swiss Re cũng dự kiến 3 cơ hội và 3 thách thức đối với nhà bảo hiểm. 

Về cơ hội, dự kiến sẽ có thêm các khách hàng mới (chẳng hạn các hãng sản xuất xe) mua bảo hiểm với mức cao hơn; có thêm các dịch vụ bổ trợ cần tới bảo hiểm (chẳng hạn nhà sản xuất phần mềm dẫn đường); cuối cùng là sự tăng trưởng của các sản phẩm bảo hiểm mới (chẳng hạn bảo hiểm mạng máy tính).

Về thách thức, Swiss Re dự kiến mặc dù số vụ tai nạn giảm bớt song mức độ nghiêm trọng sẽ gia tăng. Đồng thời, tổn thất và phí bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm ô tô truyền thống sẽ giảm. Cuối cùng, tình trạng tích tụ rủi ro khiến các nhà sản xuất có xu hướng chuyển sang sử dụng cơ chế lập quỹ chung, cùng chia sẻ rủi ro và tự bảo hiểm.

Trách nhiệm:

Với xu hướng chuyển đổi sang các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm, việc dự kiến các loại khiếu nại bảo hiểm phát sinh là rất cần thiết. Trong bản phân tích năm 2014, Bộ Giao thông Anh cho biết: “sẽ tiếp tục áp dụng khuôn khổ trách nhiệm chặt chẽ của nhà sản xuất”. Tại Anh, một số lượng lớn khiếu nại bảo hiểm loại này chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 1987. Theo đó, “lỗi” của nhà sản xuất được hiểu là những trường hợp “độ an toàn của sản phẩm không đúng như kỳ vọng thông thường của người tiêu dùng”.

Thuật ngữ “trách nhiệm chặt chẽ” xuất phát từ thực tế là những điều tra của tòa án đối với lỗi của sản phẩm thường liên quan tới độ an toàn của sản phẩm đó.

Trách nhiệm sản phẩm phát sinh từ 3 nhóm nguyên nhân chính: lỗi sản xuất, lỗi thiết kế và lỗi do không cảnh báo. Vì ô tô không người lái phụ thuộc rất lớn vào bộ cảm biến nên có thể phát sinh lỗi sản xuất trong trường hợp lô hàng cảm biến sản xuất không đạt yêu cầu, chẳng hạn do mối hàn bo mạch bị lỏng, khiến cho xe không phát hiện được chướng ngại vật trên đường.

Lỗi thiết kế phát sinh trong trường hợp tất cả các bộ cảm biến đồng loạt không vận hành được khi thời tiết xấu, chẳng hạn độ ẩm quá cao.

Lỗi do không cảnh báo nhiều khả năng sẽ phức tạp hơn cả, bởi nó liên quan đến vấn đề khá nan giải, đó là sự phân chia trách nhiệm giữa người lái xe và công nghệ. Mỗi thành phần cấu thành công nghệ không người lái đều có những hạn chế và cảnh báo riêng. Khi triển khai tất cả các cấu phần này và kết hợp chúng với nhau sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với người lái xe bởi họ không biết rõ khi nào thì không cần quan sát đường và để cho xe chạy tự động theo sự điều khiển của công nghệ.

Nói tóm lại, có rất nhiều vấn đề về pháp lý và đạo đức mà ngành bảo hiểm phải xử lý trước khi công nghệ không người lái được xã hội thừa nhận rộng rãi, song một thực tế quan trọng không thể phủ nhận là xe ô tô không người lái đã ra đời và việc sử dụng sẽ ngày càng tăng lên.

Thu Phương (theo Propertycasualty360).

{fcomment}

Comments are closed.