O ép người lao động

Ông Đỗ Thanh Anh đang trình bày  vụ việc tại Báo Người Lao ĐộngViệc doanh nghiệp buộc người lao động phải đóng phần BHXH, BHYT thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp là trái pháp luật

TAND huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa hòa giải không thành lần 2 vụ Công ty Posco VN (KCN Phú Mỹ II, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) kiện đòi ông Đỗ Thanh Anh, nguyên là nhân viên của công ty, bồi thường chi phí đào tạo gần 9.000 USD.

Thỏa thuận một đằng, làm một nẻo
 
Ngày 16-6-2008, ông Anh và công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn một năm. Ngày 22-6-2008, hai bên ký hợp đồng đào tạo, theo đó, từ ngày 22-6-2008 đến ngày 20-7-2008, ông Anh được Công ty Posco VN đưa đi đào tạo tại Hàn Quốc, tổng chi phí gần 9.000 USD. Hai bên cũng thỏa thuận ông Anh sẽ phải bồi thường cho công ty chi phí đào tạo “nếu làm việc không đủ thời hạn 5 năm vì lý do ông Anh chấm dứt hợp đồng trước thời hạn”.
 
Trong quá trình làm việc, giữa ông Anh và người quản lý trực tiếp là ông Baek Yong Hea xảy ra mâu thuẫn. Ông Baek Yong Hea nhiều lần xúc phạm và nhục mạ ông Anh, sau đó buộc ông Anh viết đơn xin nghỉ việc. Ngày 6-1-2010, ông Anh viết đơn và được công ty chấp thuận cho nghỉ việc ngay trong ngày. Thế nhưng, sau đó Công ty Posco VN lại đi kiện ông Anh yêu cầu phải bồi thường chi phí đào tạo. Việc Công ty Posco VN đòi bồi thường chi phí đào tạo là không thỏa đáng, bởi hợp đồng đào tạo giữa hai bên thể hiện chỉ khi nào ông Anh đơn phương chấm dứt HĐLĐ mới phải bồi thường.
 
Tự đặt quy định trái luật
 
Mới đây, ông Vũ Đình Kiên, nguyên là nhân viên Công ty Dịch vụ Bảo vệ Quốc Dũng, đã yêu cầu LĐLĐ TPHCM can thiệp, bảo vệ quyền lợi. Ông Kiên cho biết đã làm việc cho công ty từ tháng 6-2006 nhưng đến tháng 11-2006 mới được ký HĐLĐ. Đầu tháng 4-2010, ông Kiên xin nghỉ việc và được công ty đồng ý. Thế nhưng đến đầu tháng 7-2010, công ty vẫn không trả lương tháng 4, trợ cấp thôi việc và sổ BHXH cho ông Kiên. Do không có sổ BHXH nên ông Kiên không thể đăng ký để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ông Nguyễn Thế Lợi, Giám đốc Công ty Quốc Dũng, xác nhận vừa trả lương tháng 4-2010 cho ông Kiên nhưng tiền trợ cấp thôi việc thì lờ đi. Riêng sổ BHXH, ông Lợi cho biết “chưa thể lấy ra khỏi BHXH để trả cho ông Kiên được!”.
 
Ông Đặng Thanh Phong và Công ty Zip Import International (quận Bình Thạnh – TPHCM) thỏa thuận thử việc hai tháng. Làm được 2 tuần, ông Phong nghỉ việc nhưng công ty không trả lương. Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Bùi Tịnh Nam, trưởng phòng tổ chức của công ty, cho rằng nội quy của công ty quy định người lao động (NLĐ) phải làm việc cho công ty từ 15 ngày trở lên và muốn nghỉ việc phải báo trước một tuần thì mới được trả lương! Quy định của Công ty Zip Import International là trái pháp luật vì trong thời gian thử việc, một trong hai bên có quyền chấm dứt thử việc mà không cần báo trước. Pháp luật cũng quy định trong thời gian 7 ngày chấm dứt quan hệ lao động, hai bên phải thanh toán đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ của nhau.
 
Một số nhân viên, đạo diễn của hãng phim G. cũng vừa gửi đơn yêu cầu đơn vị phải thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động. Do hãng phim đang chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên dẫn đến một số lao động thiếu việc làm. Theo quy định pháp luật, nếu ngừng việc không do lỗi của NLĐ thì họ sẽ được trả đủ tiền lương. Thế nhưng, hãng phim lại áp đặt chỉ trả 70% và còn buộc NLĐ phải tự trích từ khoản tiền lương ít ỏi trên để đóng phần BHXH, BHYT thuộc trách nhiệm của đơn vị.

Luật gia Lê Trúc Phương, Hội Luật gia TPHCM:

Không có cơ sở để đòi bồi thường

Công ty Posco VN đã ép buộc NLĐ viết đơn, sau đó đồng ý cho ông Anh nghỉ việc; điều đó có nghĩa hai bên đã thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Theo quy định của pháp luật, việc bồi thường chi phí đào tạo chỉ xảy ra khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Trong trường hợp này, ông Anh không hề đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên công ty không có cơ sở để yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo.
 

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM:

NLĐ có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp

Pháp luật đã quy định rõ từng phần BHXH, BHYT do doanh nghiệp và NLĐ đóng. Việc hãng phim G. buộc NLĐ phải đóng BHXH, BHYT thay doanh nghiệp là trái với quy định của pháp luật. NLĐ có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp, bảo vệ quyền lợi.

Bài và ảnh: Nam Dương

Comments are closed.