BHNN được triển khai thí điểm từ 1-7-2011 đến nay, song hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Người nông dân – những người được thụ hưởng chính từ chương trình này – lại không nhận thức được đầy đủ lợi ích nếu tham gia bảo hiểm. Còn phía các công ty bảo hiểm, do số lượng tham gia bảo hiểm quá ít, thu phí thấp, tổn thất nếu có lại rất lớn… nên họ vẫn chưa vào cuộc mạnh mẽ.
Nông dân vẫn thờ ơ với BHNN
Thông tin về việc Chính phủ triển khai thí điểm BHNN tại 21 tỉnh thành những tưởng sẽ được những người nông dân mong chờ, nhưng trên thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Sau hơn hai tháng triển khai, dường như, những lợi ích có từ chính sách BHNN lại chưa đến được với người nông dân.
Chị Hoàng Thị Lanh, một nông dân ở Hải Hậu, Nam Định vẫn ngơ ngác khi được hỏi về quyền lợi mà chị được hưởng từ chương trình BHNN. Chị cho biết, có nghe qua báo đài về chương trình này của Nhà nước nhưng cụ thể thế nào, gia đình chị thuộc đối tượng ưu tiên nào thì chị không biết, vì chỉ nghe xong rồi thôi, chứ không có ý định tìm hiểu kỹ.
Cũng giống như chị Lanh, nhiều người dân ở nhiều tỉnh khác như Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Bình Dương – những địa phương nằm trong diện thí điểm BHNN về lúa và chăn nuôi gia súc gia cầm – vẫn đang có thái độ thờ ơ với chương trình bảo hiểm nông nghiệp. Thậm chí, nhiều hộ dân ở các địa phương này biết rõ những lợi ích của mình nhưng vì vẫn phải đóng một phần phí bảo hiểm nên họ không mặn mà (BHNN chỉ hỗ trợ 60 – 80% phí bảo hiểm đối với hộ không thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo – PV). Đây chính là một trong những khó khăn khiến cho việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở nhiều địa phương chưa đạt được như mong muốn, chưa đi vào thực tế đời sống.
Tại Hội nghị triển khai Quyết định số 315/QĐ-TTG về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013 do Bộ Tài chính tổ chức mới đây tại Hà Nội, các doanh nghiệp (DN) trực tiếp tham gia chương trình này như Bảo Việt, Bảo Minh bày tỏ, khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là người nông dân chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi của họ khi tham gia bảo hiểm. Đối với hộ nghèo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm thì không vấn đề gì, nhưng với những hộ chỉ được hỗ trợ từ 60-80% phí bảo hiểm, thì nông dân khó được thuyết phục để đóng nốt số phí còn lại.
Cho dù trong thời gian qua, một số DN bảo hiểm đã thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm trong nông nghiệp ở một số địa bàn và một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi nhất định trên quy mô nhỏ, song do đối tượng tham gia bảo hiểm ít, phí bảo hiểm cao, tổn thất lớn nên hoạt động bảo hiểm trong nông nghiệp chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng giám đốc Bảo Việt, BHNN không phải là nghiệp vụ kinh doanh đơn thuần mà mang tính xã hội rất cao, cần có sự quan tâm của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội. Khó có thể thực hiện BHNN thành công nếu như Nhà nước chưa xây dựng một chính sách về BHNN. Mặt khác, đối tượng BHNN rất phong phú và trên diện rộng cho nên rất khó trong công tác quản lý rủi ro. “Những khó khăn, vướng mắc phát sinh không chỉ riêng đối với DN bảo hiểm mà cả từ phía người dân chưa có thói quen và chưa hiểu biết nhiều về BHNN. Mặt khác, cũng do khả năng tài chính của người nông dân còn hạn hẹp, quy mô sản xuất còn mang tính tự cấp tự túc, sản xuất hàng hóa ít nên còn nhiều nhà nông đắn đo khi tham gia bảo hiểm”.
Tiếp tục các biện pháp kiên định đưa BHNN vào thực tiễn
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, vấn đề quan tâm nhất để thực hiện BHNN thành công là phải giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, thành lập hợp tác xã hay công ty cổ phần để tạo đầu ra sản phẩm ổn định, chất lượng tốt với kỹ thuật, phương thức sản xuất được tiến hành quy chuẩn và đồng bộ để giảm rủi ro. Khi đó, các công ty bảo hiểm chỉ cần ký hợp đồng với một người đại diện nên rất thuận lợi, dễ quản lý, dễ thẩm định bồi thường. Theo TS Lê Đăng Doanh, một vấn đề cốt lõi cần lưu tâm là chúng ta phải có cơ chế để khuyến khích DN, người nông dân, thương nhân… đóng góp cho BHNN, có như vậy thì BHNN mới có thể tồn tại vững chắc. Còn nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì nó sẽ trở thành một sự bao cấp, ỷ lại.
Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định: Việc triển khai thí điểm BHNN trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Do đó, Bộ sẽ kiên quyết thực hiện BHNN trên các phương diện: Tạo ra một khung pháp lý để triển khai hoạt động bảo hiểm trong nông nghiệp, trong đó xác định rõ cơ chế bảo hiểm và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người nông dân; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với các hình thức bảo hiểm theo nguyên tắc tự nguyện. Nếu cơ chế thí điểm này thực hiện tốt sẽ góp phần tích cực trong việc khắc phục các thiệt hại về tài chính, đảm bảo sự an toàn trong sản xuất cho nông dân.
Duy Phương
Báo Đại Đoàn Kết
Comments are closed.