Nông dân cũng cần “lương hưu”

Nông dân ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa. Ảnh: Khương DuySau nhiều năm triển khai nhưng đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ nông dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Nguyên nhân không chỉ vì thu nhập mà còn bởi vì nhiều người dân không biết tìm hiểu thông tin về loại hình bảo hiểm này ở đâu.Mức phí chưa phù hợp.Với hình thức BHXH tự nguyện, mức phí quy định phải đóng ít nhất là 18% mức lương tối thiểu và theo mức lương mới 830.000 đồng/tháng thì số phí bảo hiểm phải đóng là khoảng 150.000 đồng/tháng. Khoản tiền này không nhỏ nếu so với thu nhập của người nông dân.

Qua khảo sát, một số người dân xã Liên Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho rằng, đây là một mức phí cao so với thu nhập của họ. “Ăn còn chẳng đủ, nói chi tới việc đóng bảo hiểm”, một người dân của xã Liên Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội) nói.

Theo bà Lê Thị Tố Nga, Giám đốc BHXH huyện Đan Phượng: “Toàn huyện có khoảng trên 5.000 người tham gia BHXH nhưng phần lớn là bảo hiểm bắt buộc, còn lại tỷ lệ nông dân tham gia BH tự nguyện rất ít”.

Tương tự, tại các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai (Hà Nội), có khoảng 5.000 – 6.000 người tham gia BHXH nhưng chỉ có khoảng trên 100 nông dân tham gia, chiếm tỷ lệ 1,6 – 2%. Đa số nông dân chưa hào hứng tham gia BHXH tự nguyện mà mới chỉ tham gia BHYT. Bởi vì, chỉ cần đóng khoảng 449.000 đồng/năm là họ có thể khám, chữa bệnh cả năm. Trong khi đó với BHXH, phải sau 20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng bảo hiểm.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2011, cả nước có trên 51 triệu người tham gia BHXH và BHYT. Trong đó, có khoảng 72.000 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng tỷ lệ nông dân tham gia còn rất khiêm tốn.

Một nguyên nhân nữa khiến BHXH cho nông dân triển khai chậm là do công tác phổ biến, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm cho nông dân ở các vùng nông thôn vẫn còn hạn chế. Một số hộ dân xã Liên Hà, huyện Đan Phượng cho biết, họ cũng đã nghe nói tới hình thức đóng bảo hiểm để khi già có lương hưu nhưng họ không biết tìm hiểu thông tin về loại hình bảo hiểm này ở đâu.

Theo ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), ở nhiều nơi, chính quyền địa phương còn chưa quan tâm sâu sát đến chính sách bảo hiểm cho người nông dân mà phó mặc cho cơ quan bảo hiểm nên người dân không có cơ hội được tiếp cận với chính sách này.
“Người nông dân chưa hào hứng tham gia BHXH vì còn có tâm lý chỉ muốn được hỗ trợ chứ không muốn mất tiền. Vì vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể phải cùng tham gia công tác tuyên truyền”, ông Nguyễn Đình Xứng, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Quốc Oai cho biết.

Mang bảo hiểm tới nông dân

Với đối tượng thu nhập thấp, không ổn định như người nông dân, việc tham gia bảo hiểm sẽ mang lại lợi ích thiết thực và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ông Điều Bá Được, cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong chính sách bảo hiểm. Ở một số nước trên thế giới, bảo hiểm được chia thành từng tầng bậc, từng mức đóng khác nhau để tất cả mọi người đều tham gia được.

Do mức thu nhập của người nông dân còn thấp nên nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần có hỗ trợ để khuyến khích họ tham gia BHXH tự nguyện. Việc làm này có ý nghĩa lâu dài, bền vững.

Bên cạnh đó, cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong đối tượng và phương thức đóng BHXH. Chẳng hạn, theo quy định đủ 20 năm đóng bảo hiểm, người dân mới được hưởng chế độ hưu trí. Song với nam giới từ 45 tuổi trở lên và nữ giới từ 40 tuổi trở lên thì độ tuổi để họ được hưởng “lương hưu” khá muộn (65 tuổi trở lên với nam, 60 tuổi trở lên với nữ). Do đó, cần có sự điều chỉnh cho đối tượng thuộc nhóm tuổi này được đóng theo hình thức truy thu, đảm bảo hưởng lương đúng tuổi. Như vậy sẽ thu hút được ngày càng nhiều người tham gia BHXH tự nguyện.

Song song với những điều chỉnh trong chính sách bảo hiểm, cần có biện pháp tuyên truyền giúp người nông dân nâng cao nhận thức về chính sách này. Trong đó, phải làm cho họ thấy được lợi ích của việc tham gia vào các loại hình bảo hiểm, để khi không còn sức lao động, người nông dân được hưởng lương như bất cứ đối tượng nào khác trong xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều địa phương đề nghị cần bố trí cán bộ chuyên trách về BHXH cho tuyến xã. Bởi hiện nay, lực lượng cán bộ bảo hiểm ở tuyến huyện còn khá mỏng, khó triển khai được hoạt động tuyên truyền. Đơn cử như ở một số huyện ngoại thành Hà Nội: BHXH Đan Phượng chỉ có 11 người, BHXH Ba Vì 14 người, Phú Xuyên 12 người, Mỹ Đức 9 người… Cán bộ BHXH sẽ trực tiếp làm nhiệm vụ tháo gỡ vướng mắc và các thủ tục cho người dân ngay tại cơ sở, tránh phải đi lại nhiều lần.

“Hiện nay, với BHXH tự nguyện, người dân phải đến làm trực tiếp tại huyện nhưng có những xã cách xa trung tâm huyện hàng chục cây số nên người dân rất ngại phải đi làm bảo hiểm. Nếu có đầu mối ở tuyến xã thì việc này sẽ đơn giản hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc BHXH huyện Quốc Oai chia sẻ.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng, trong thời gian tới ngành bảo hiểm sẽ chú trọng phát triển đối tượng tham gia. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị bảo hiểm cần nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Với trường hợp cán bộ làm sai, để xảy ra tiêu cực, gây khó khăn trong công tác cấp sổ và giải quyết chế độ BHXH, thẻ BHYT, sẽ kiên quyết xử lý kỷ luật.

>>Ý KIẾN:

TS Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn): Tạo ra mức phí phù hợp


Để thực hiện được chính sách BHXH cho nông dân không phải là điều đơn giản. Người nông dân sống theo đơn vị làng xã, chứ không như các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước nên việc quản lý, thu chi bảo hiểm rất khó khăn. Mặt khác, lợi nhuận từ nông nghiệp thấp, khả năng tích lũy, hỗ trợ kém, không có các chủ lao động nên người nông dân phải chi trả hoàn toàn. Với khoản đóng góp lớn đó, người nông dân sẽ gặp khó khăn khi thu nhập hàng tháng thấp và bấp bênh. Do vậy, phải tạo điều kiện để người dân đóng phí phù hợp với thu nhập của mình.

Thạc sĩ Phùng Bá Đề, Trưởng khoa Bảo hiểm (Đại học Lao động xã hội): Hỗ trợ nông dân đóng bảo hiểm

Do mức thu nhập của người nông dân còn thấp nên Nhà nước cần hỗ trợ để khuyến khích họ tham gia BHXH tự nguyện. Việc làm này có ý nghĩa lâu dài, bền vững thay vì làm theo kiểu “cứu đói” như hiện nay. Bởi hàng năm, Nhà nước vẫn phải trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, theo quy định mới nhất trong Nghị định 06/2011/NĐ – CP có hiệu lực từ 1/3/2011 thì mức hỗ trợ cho người cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên) là 180.000 đồng/tháng. Trong khi đó, dân số nước ta lại đang có xu hướng già hóa, hiện cả nước có 8,6 triệu người cao tuổi. Nếu hỗ trợ họ tham gia BHXH, Nhà nước sẽ giảm được rất nhiều ngân sách chi cho chính sách xã hội người cao tuổi.

Hữu Vinh thực hiện
Báo Tin tức-Thông tấn xã Việt Nam

Comments are closed.