Nỗi lo chất lượng nguồn nhân lực ngành bảo hiểm thương mại

Với mục tiêu phát triển thị trường đảm bảo an toàn, bền vững và hiệu quả, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh đang đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực.

nhân viên bảo hiểm

 

Số lượng nhân sự ngành bảo hiểm tại Việt Nam còn khá khiêm tốn

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam liên tục tăng trưởng trong nhiều năm, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 16%/năm; năm 2015 tổng doanh thu toàn thị trường ước đạt 84.375 tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP. Trong những năm tiếp theo, thị trường còn hứa hẹn nhiều tiềm năng để phát triển. Cho đến nay, toàn thị trường có 61 DN kinh doanh bảo hiểm, với nguồn nhân lực của thị trường là 584.719 lao động (22.946 cán bộ và 561.773 đại lý).

Dù đã tăng lên đáng kể nhưng số lượng nhân sự ngành bảo hiểm tại Việt Nam còn khá khiêm tốn so với dân số và tốc độ phát triển của thị trường. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm, nhiều cơ sở giáo dục đã đưa chuyên ngành bảo hiểm vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, do chỉ tiêu quá ít nên số lượng cán bộ bảo hiểm được đào tạo đúng chuyên ngành, cung ứng cho thị trường đến nay vẫn thuộc hàng hiếm hoi.

“Các cơ sở đào tạo nên chăng dành ít nhất 3%- 5% chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vào chuyên ngành này. Với tỷ lệ trên, ước tính sẽ có thêm khoảng 600- 700 sinh viên ngành bảo hiểm mỗi năm. Con số này sẽ còn tăng hơn nữa trong những năm sau, đảm bảo giải quyết đủ nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của thị trường. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nên cho phép các cơ sở giáo dục đưa môn học bảo hiểm là học phần bắt buộc đối với tất cả các chuyên ngành đào tạo”, PGS. TS Hoàng Mạnh Cừ, Học viện Tài chính phân tích.

Đồng quan điểm, bà Hồ Thủy Tiên, Trường ĐH Tài chính cho rằng, do thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn nên các DN bảo hiểm đã tạm thời tuyển dụng từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức cơ bản về bảo hiểm, sau một vài năm công tác, các nhân sự này được đề bạt lên những vị trí chủ chốt trong DN bảo hiểm. Điều này tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho riêng DN mà còn cho cả thị trường.

Cần giải pháp tổng thể trong phát triển nhân lực

Về lộ trình cụ thể, phát triển nhân lực ngành bảo hiểm từ nay đến năm 2020, bà Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (IRT), Bộ Tài Chính cho biết, Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể, Theo đó, giai đoạn 2015- 2016 xây dựng tiêu chuẩn chức danh, yêu cầu chuyên môn cho từng vị trí nhân sự cụ thể; 2015- 2020 tiếp tục mở rộng địa điểm thi tập trung, nâng tỷ lệ thi tập trung lên 50% số lượng các kỳ thi đại lý bảo hiểm; 2016- 2017 xây dựng khung chương trình đào tạo theo các chức danh; 2016- 2020 xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng đủ yêu cầu; năm 2018 thực hiện các kỳ thi theo tiêu chuẩn chứng chỉ nghề nghiệp và từ năm 2018 trở đi sẽ đào tạo và hoàn thiện các chức danh.

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện tại, luật pháp mới chỉ quy định tiêu chuẩn cho một số chức danh, vị trí quản trị, điều hành cấp cao và cấp trung (phòng/ban) ở mức thấp theo chuẩn mực của Hiệp hội quốc tế Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (IAIS), tương ứng với mức độ phát triển của thị trường bảo hiểm mới nổi. Vì thế, tính chuyên nghiệp và ổn định của nguồn nhân lực bảo hiểm còn thấp so với yêu cầu của thị trường, dẫn tới chất lượng dịch vụ cung cấp chưa cao, không đồng đều.

Vừa qua, IRT và Viện Bảo hiểm Tài chính Úc và New Zealand (ANZIIF) đã cùng nhau ký kết biên bản ghi nhớ, khởi đầu mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Theo ký kết này, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thị trường bảo hiểm Việt Nam từ nay đến năm 2020, IRT phải thực sự trở thành trường nghề, trung tâm đào tạo nghề nghiệp bảo hiểm, lấp vào khoảng trống đào tạo hiện nay. Trước mắt, trong giai đoạn 2016- 2020, IRT cần xây dựng chương trình học và giáo trình giảng dạy bài bản cho cán bộ bảo hiểm từ chuyên ngành khác đã được tuyển dụng vào các vị trí của DN bảo hiểm.

Theo đó, với mục tiêu nâng cao nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam, đáng chú ý, IRT và ANZIIF sẽ hợp tác trong việc phát triển và thực thi khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nhằm xác định yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và đặc tính cần thiết đối với mỗi công việc và trình độ cho từng chức danh cụ thể trong ngành bảo hiểm Việt Nam; ANZIIF cũng sẽ hợp tác với IRT trong việc thiết lập những tiêu chí rõ ràng đối với mỗi cấp độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua Hệ thống chứng chỉ nghề nghiệp về bảo hiểm, để khẳng định rằng mỗi chức danh có đủ các năng lực cần thiết và tuân theo tiêu chuẩn của pháp luật Việt Nam.

Các chứng chỉ nghề nghiệp bảo hiểm đáp ứng theo tiêu chuẩn của pháp luật Việt Nam sẽ được thừa nhận chính thức bởi ANZIIF.

Theo (Lao động&Xã hội)

Comments are closed.