Nợ đọng tiền BHXH: Thiệt thòi thuộc về người lao động

VH- Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, tình trạng nợ đọng tiền BHXH của người lao động hầu như ở địa phương nào cũng xảy ra. Đặc biệt đối với những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất… thì việc tuân thủ chế độ đóng BHXH cho người lao động càng phức tạp.TP.HCM có gần 40.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng BHXH với trên 1.615.500 người tham gia BHXH với tổng nguồn quỹ thực tế thu được 9.761 tỷ đồng.

Thế nhưng, theo thống kê của BHXH năm 2010, TP.HCM có trên 19.000 doanh nghiệp nợ BHXH của trên 687.000 lao động với tổng số tiền trên 373 tỷ đồng. Trong đó có đơn vị nợ BHXH lên đến 10 tỷ đồng và có những đơn vị nợ kéo dài nhiều năm vẫn chưa trả. Trong số đó, 205 doanh nghiệp có 10 lao động trở lên nợ gần 75 tỷ đồng tiền BHXH; doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên là 84 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2010, cơ quan BHXH Hà Nội cũng trầy trật khi thúc nợ BHXH của 38 đơn vị nợ đọng, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp của Nhà nước, phổ biến trong ngành giao thông, cơ khí, may mặc. Một số doanh nghiệp do làm ăn thua lỗ nên thực sự khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

Công ty CP Cầu 14 nợ trên 11 tỷ đồng, Công ty CP Cầu 12 nợ gần 10 tỷ đồng, Nhà máy ô tô 1/5 nợ 6,1 tỷ đồng, Công ty CP Sông Đà 8 nợ 5,8 tỷ đồng, Công ty Dệt 19/5 nợ 2,6 tỷ đồng, Dệt Minh Khai nợ 3,4 tỷ đồng… Các đơn vị này có tổng cộng trên 13.300 lao động. Nhiều đơn vị mặc dù số lao động không nhiều nhưng cũng chây ì không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động, do vậy khi thực hiện chế độ, chính sách đối với những lao động đến tuổi nghỉ chế độ, hưu trí gặp nhiều khó khăn, phiền phức. Xí nghiệp Đảm bảo ATGT đường sông HN có tổng số trên dưới 30 công nhân, theo phản ảnh của người lao động thì từ năm 2010 đến thời điểm này hầu hết CBCNV đã nghỉ không lương, họ không được xí nghiệp đóng BHXH. Do vậy, khi một số người đủ thời gian, điều kiện nghỉ chế độ nhưng vẫn phải nghe ngóng, thấp thỏm chờ đơn vị thực hiện chế độ đóng BHXH.

Quảng Bình là một địa phương có tốc độ công nghiệp hóa chưa cao. Năm 2010 ước khoảng 2.000 đơn vị đăng ký kinh doanh hoạt động, thế nhưng số DN tham gia BHXH cho NLĐ chỉ khoảng 600 đơn vị, còn lại 1.400 đơn vị, chiếm 70% tổng số đơn vị chưa tham gia.

Số đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động. Với hơn 860 đơn vị, chiếm 45,7% tổng số đơn vị tham gia và 103 đơn vị nợ BHYT, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên gần 40 tỷ đồng, trong đó có một số đơn vị nợ lớn như: Xí nghiệp Chế biến Nông thủy sản, Công ty CP SX vật liệu và Xây dựng công trình 405, Tổng công ty CP Trường Đại Phát… với số nợ BHXH lên tới hàng tỷ đồng.

Nguyên nhân nợ BHXH của các doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực BHXH cho rằng: do lãi suất quy định đối với doanh nghiệp nếu chậm đóng chỉ 10,5%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng trên thực tế mà doanh nghiệp phải đi vay có khi gấp đôi và đây chính là kẽ hở chiếm dụng tiền BHXH để làm vốn. Với một số doanh nghiệp khác, mặc dù nắm rõ trách nhiệm đối với người lao động nhưng vẫn cố tình né tránh để rồi “lách” luật bằng các hợp đồng thời vụ nhằm bớt đi một khoản đóng góp không nhỏ.

Mặt khác, chế tài xử phạt vi phạm lại quá nhẹ (với mức xử phạt cao nhất cũng chỉ 30 triệu đồng) nên chưa đủ sức răn đe. Biện pháp chế tài xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH áp dụng ở mức thấp, cộng thêm thực tế lãi suất nợ BHXH thấp hơn lãi suất ngân hàng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm.

NGỌC ÁNH
Báo Văn Hóa – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Comments are closed.