Nợ đọng BHXH: Người lao động chịu thiệt

Việc nhiều DN nợ đọng BHXH đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động.KTNT – Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) không ngừng gia tăng. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.Đâu là nguyên nhân?Theo thống kê của BHXH TP. Hà Nội, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tính đến đầu tháng 6/2011 đã lên tới 788,16 tỷ đồng, trong đó nợ trên 12 tháng chiếm 24,8%. Việc nợ đọng tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp đang ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động.

Ông Lê Phan Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE cho biết, do suy thoái kinh tế và việc Chính phủ chỉ đạo thắt chặt tín dụng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH. Bên cạnh đó, công tác điều tra, thống kê, nắm bắt số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hoạt động và số lao động thực tế đang sử dụng trong các doanh nghiệp chưa thống nhất, làm ảnh hưởng đến công tác khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Chia sẻ vấn đề này, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có trên 19.000 doanh nghiệp nợ BHXH của 687.000 lao động với số tiền 373 tỷ đồng. Đơn vị nợ nhiều nhất là 10 tỷ đồng và có nhiều đơn vị nợ kéo dài nhiều năm.

Do lãi suất quy định đối với các doanh nghiệp nếu chậm đóng BHXH chỉ là 10,5%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng có khi gấp đôi khiến các doanh nghiệp lợi dụng tiền bảo hiểm để làm vốn. Với một số doanh nghiệp khác, mặc dù nắm rõ trách nhiệm đối với người lao động nhưng vẫn cố tình né tránh để rồi “lách” luật bằng cách hợp đồng thời vụ nhằm bớt đi một khoản đóng góp không nhỏ.

Mặt khác, do chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận phạt vì hiện nay mức phạt còn thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Luật BHXH quy định: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự lại không quy định tội danh liên quan đến nợ BHXH.

Im lặng chịu thiệt

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng trên thực tế, số lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp khi bị đau ốm, bệnh tật không được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật không hề nhỏ. Tuy nhiên, người lao động vẫn không lên tiếng vì quyền lợi của mình. Một phần, họ sợ bị chủ doanh nghiệp sa thải, một phần do không nắm rõ quy định của nhà nước về BHXH. Ông Phan Tiến Nguyên, Giám đốc quản lý nguồn nhân lực Tập đoàn Bảo Việt cho biết: “Đối với người lao động nước ngoài, nếu chủ sử dụng lao động không thực hiện đúng nghĩa vụ đóng các khoản BHXH, họ sẽ làm đơn kiện. Nhưng người lao động Việt Nam chưa làm được điều này”.

Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết: “Cùng với việc tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng bảo hiểm năm 2010, chúng tôi sẽ kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý các trường hợp nợ đọng; đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp tăng cường công tác thanh, kiểm tra; kiên quyết kiện ra tòa các đơn vị chây ỳ tiền nợ đọng BHXH, BHYT”.

Anh Nguyên
Báo điện tử Kinh tế nông thôn

Comments are closed.