Theo thống kê của ngành Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội, chỉ tính riêng số nợ đọng Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN) từ 24 tháng trở lên của 89 DN các loại, đã hơn 190 tỉ đồng, phần lớn thuộc các DN trong ngành xây dựng và giao thông.
Nhiều DN nợ đọng bảo hiểm trên ba năm với số tiền hàng tỉ đồng như Công ty CP Xây dựng công trình Giao thông 246 đang nợ 2,1 tỉ đồng bảo hiểm của 50 tháng; Công ty CP Cơ khí Xây dựng 121 – CIENCO 1, đang nợ đọng số tiền lên đến 5,2 tỉ đồng trong 50 tháng; Công ty CP cầu 5 Thăng Long, số tiền nợ đọng trên 6,3 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng Công trình I nợ 3,6 tỉ đồng; Công ty Licogi số I nợ trên 2,4 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng Năng Lượng nợ 3,5 tỉ đồng… Đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm nhiều nhất lại thuộc về một doanh nghiệp dệt may, đó là Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment, khu CN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) với số tiền nợ đọng trên 8,6 tỉ đồng, đơn vị này có đến 655 lao động và thời gian nợ là 43 tháng.
Dệt may là một trong những ngành còn nhiều nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội.
Dệt may là một trong những ngành còn nhiều nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội.
Từ đầu năm 2012 đến nay, BHXH TP Hà Nội đã thực hiện chi trả BHTN cho 14.544 đối tượng, với số tiền trên 42 tỉ đồng, tăng so với năm 2011. “Con số này còn ít hơn nhiều so với số lượng người lao động thất nghiệp trong thực tế” – ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết. Do phải đối mặt với khó khăn về thị trường, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó khiến nhiều DN, nhất là các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, ngừng sản xuất, đóng cửa nên lao động thất nghiệp không ngừng gia tăng. Thực tế số lao động được hưởng chế độ thất nghiệp lại ít hơn nhiều so với số lao động hiện đang thất nghiệp. DN không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, nên khi giải thể, đóng cửa, người lao động không được hưởng chế độ BHTN. Nhiều đơn vị nợ đọng không đóng BHTN thì không giải quyết chi vào thất nghiệp được. Có trường hợp đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn chưa nhận lương hưu vì không được đóng bảo hiểm đầy đủ. Trách nhiệm này trước tiên thuộc về chủ sử dụng lao động và phía công đoàn của các DN.
Việc không trích nộp bảo hiểm kịp thời, đúng quy định ảnh hưởng lớn đến giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động. Từ năm 2011 đến nay, BHXH TP Hà Nội đã khởi kiện 31 đơn vị nợ đọng bảo hiểm của người lao động. Việc cùng nhau “hầu tòa” xem ra không mấy hiệu quả, độ chây ì, phó mặc của các DN khiến vụ việc khó đi vào hồi kết. Chưa kể nhiều chủ DN “phớt lờ”, chiếm dụng khoản tiền bảo hiểm phục vụ mục đích quay vòng, sinh lời. Không loại trừ nhiều DN gặp khó khăn nên “lần khân” giãn nợ vì có “tráp hầu tòa” thì cũng chưa biết lấy đâu ra nguồn tiền nộp cho cơ quan bảo hiểm.
Ngành BHXH TP Hà Nội cho rằng, đã đến lúc không thể giải quyết đơn thuần bằng biện pháp dân sự mà phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn, chẳng hạn như xử lí hình sự các chủ DN “cứng đầu”.
(Báo Người Cao Tuổi).
Comments are closed.