Nợ BHXH: cứ kiện, người lao động cứ thiệt

Hàng trăm công nhân Công ty Dục Quân mất việc, bị nợ lương, nợ BHXH khi chủ bỏ trốn - Ảnh: Trung CườngTTO – Số nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng nhiều, kéo theo các vụ kiện tụng nhì nhằng. Đem nhau ra tòa có thật sự đem lại quyền lợi cho người lao động (NLĐ)?

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đã kiện gần 100 doanh nghiệp nợ BHXH. Bài toán hầu tòa được cơ quan BHXH đặt lên bàn cân suy tính nhiều lần.

Kiện các doanh nghiệp như “cú vét” cuối cùng của cơ quan này nhằm trả lại ít nhiều quyền lợi cho NLĐ. Nhưng cơ quan này cũng bó tay khi những con nợ cao chạy xa bay.

Kiện đến đâu, trốn đến đó

Ông Nguyễn Đăng Tiến – trưởng phòng kiểm tra, BHXH TP.HCM – than thở nhiều vụ kiện doanh nghiêp nợ BHXH đang trong quá trình thụ lý hoặc đã có phán quyết của tòa án thì chủ doanh nghiệp bỏ trốn. BHXH TP chưa biết hướng giải quyết tiếp theo như thế nào.

Ông Tiến dẫn chứng đầu tháng 10 vừa qua, chủ Công ty TNHH may mặc Dục Quân vắng mặt, khiến hơn 600 công nhân mất việc. Cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh chủ công ty này bỏ trốn để trình UBND TP phê duyệt hỗ trợ trả nợ lương cho người lao động. Ngày 26-11, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Q.8 cho biết UBND TP đã đồng ý và chỉ đạo các sở, ngành tiến hành các bước xác minh, hỗ trợ. Trong khi đó số nợ BHXH của công ty này trên 1,8 tỉ đồng dường như bế tắc.

Trước đó, cuối tháng 8 BHXH Q.8 đã kiện Công ty Dục Quân ra tòa. Theo phán quyết của tòa, công ty này phải trả ngay số nợ BHXH để cơ quan BHXH giải quyết các quyền lợi, chế độ của NLĐ. Công ty Dục Quân kháng cáo. Ngày 2-10, TAND Q.8 chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TP để xét xử phúc thẩm. Sáu ngày sau chủ Công ty Dục Quân bỏ trốn.

Tương tự, đầu tháng 4 BHXH TP kiện Công ty TNHH Sin B nợ BHXH trên 300 triệu đồng. Đến đầu tháng 8 cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh chủ công ty này đã bỏ trốn. Ngày 28-8, TAND Q.12 ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Nguyên do cơ quan này chưa nhận được hồi âm của Sở Kế hoạch & đầu tư về tình trạng hoạt động của Công ty Sin B.

Trước đó, vụ BHXH TP kiện Công ty TNHH Kwang Nam đã chuyển sang giai đoạn thi hành án nhưng rơi vào bế tắc vì chủ vắng mặt. Năm 2008, Công ty Kwang Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên bị BHXH TP đem ra tòa. Doanh nghiệp này nợ BHXH của gần 1.000 NLĐ trên 7 tỉ đồng.

Ngày 19-6-2008, TAND Q.Phú Nhuận tuyên Công ty TNHH Kwang Nam phải trả dứt điểm số nợ trong ba tháng. Sau thời hạn công ty này chỉ nộp 1,4 tỉ đồng. Cơ quan BHXH mạnh tay đề nghị cơ quan chức năng khởi tố hình sự, cấm xuất cảnh đối với tổng giám đốc công ty… Nhưng mọi kiến nghị bị rơi vào quên lãng.

Còn hai doanh nghiệp Hoàng Tâm, Q.12 và Hoàng Nghiệp, Q.Bình Tân có chủ bỏ trốn vừa qua, BHXH TP xác định không tham gia BHXH cho NLĐ.

Được xử vẫn thiệt

Những ngày qua chúng tôi tiếp xúc với công nhân các công ty trên. Nhiều người cận kề ngày sinh hoặc đã qua thời kỳ sinh nở nhưng không được hưởng bất cứ chế độ BHXH nào.

Trong khi đó, nhiều người đã tham gia đóng BHXH trên 10 năm và cho đến ngày chủ bỏ trốn, công ty vẫn trích tiền BHXH vào lương của họ. Có người sắp đến tuổi nghỉ hưu, khắc khoải chờ được chốt số để hưởng trợ cấp…

Thời điểm kiện Công ty Kwang Nam chỉ còn 200 NLĐ tham gia BHXH đang bị nợ. Trước đó khi thành lập, công ty này đóng BHXH cho gần 1.000 người nhưng do bị nợ dây dưa, chờ đợi quá lâu nhiều người bỏ việc, bỏ luôn cả quyền lợi BHXH.

Trường hợp Công ty Dục Quân cũng tương tự. Ông Nguyễn Đăng Tiến cho biết đối với trường hợp Công ty Kwangnam, BHXH TP sẽ chốt sổ BHXH cho công nhân (nếu có yêu cầu) đến thời điểm công ty dừng đóng BHXH (đã cộng 1,4 tỉ đồng thi hành án được). “Đối với số tài sản còn lại, khi thi hành án xong sẽ tiếp tục chốt sổ cho những lao động còn lại”, ông Tiến nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn, cơ quan BHXH có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo việc thi hành án. Theo đó, cơ quan thi hành án sẽ xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Đồng thời có quyền áp dụng các biện pháp: phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, giấy tờ, thay đổi hiện trạng về tài sản…

Bảo hiểm xã hội là “của để dành” của NLĐ khi nghỉ hưu, thai sản, tai nạn lao động… Hằng tháng doanh nghiệp vẫn khấu trừ BHXH vào lương của NLĐ nhưng không đóng cho cơ quan BHXH. Thời gian nợ dây dưa kéo dài từ năm này qua năm khác. Lỗi của doanh nghiệp đã rõ. Nhưng trách nhiệm cũng thuộc về cơ quan chức năng không sớm ngăn chặn hành vi nợ BHXH của doanh nghiệp. Cuối cùng phần thiệt thòi thuộc về NLĐ, bởi các hướng giải quyết trên chỉ là giải pháp tình thế của cơ quan chức năng khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

TRUNG CƯỜNG

Comments are closed.