
Trong bản báo cáo tình hình thảm hoạ hàng năm được công bố vào ngày 27/12/2007, Munich Re – Nhà tái bảo hiểm lớn thứ 2 thế giới cho biết tổng thiệt hại do các thảm họa tự nhiên gây ra trong năm 2007 lên tới mức 75 tỷ USD – tăng gấp đôi so với năm 2006. Đây chính là hậu quả mà sự thay đổi khí hậu kéo theo nhiều biến cố thời tiết khắc nghiệt gây ra.
Tổn thất được bảo hiểm tăng gấp đôi, lên tới 30 tỷ USD do số lượng các thảm hoạ tăng lên 950 vụ – một con số kỷ lục trong bảng thống kê của Munich Re kể từ năm 1974 (Các sự cố thiên tai khiến từ 10 người thiệt mạng trở lên hoặc gây tổn thất trên 1 triệu USD được tính là thảm hoạ).
“Những con số biết nói đã cho thấy dự đoán của chúng tôi là đúng. Sự thay đổi khí hậu đã bắt đầu gây tác động và trong tương lai sẽ còn xảy ra nhiều thiên tai, thảm hoạ hơn nữa.” – Ông Torsten Jeworrek – thành viên Hội đồng Quản trị của Munich Re nói – “Chúng ta không nên mất cảnh giác vì sự vắng bóng của những thảm hoạ tàn khốc trong năm 2007”.
Sự kiện gây tổn thất nặng nề nhất về mặt tài chính trong năm 2007 là trận động đất 6,8 độ richte xảy ra ở Nhật Bản vào tháng 7. Trận động đất này đã phá huỷ gần như hoàn toàn thành phố Niigata làm thiệt hại 12,5 tỷ USD, phá huỷ cả 1 nhà máy năng lượng hạt nhân của Nhật Bản và làm 11 người thiệt mạng. Tuy nhiên, tổng cộng tổn thất được bảo hiểm trong thảm hoạ này chỉ là 300 triệu USD.
Sự kiện gây tốn kém nhất cho ngành bảo hiểm trong năm 2007 lại là trận bão mùa đông Kyrill. Trận bão này tràn qua Châu Âu vào hồi tháng 1, khiến 49 người thiệt mạng và gây tổn thất 10 tỷ USD, trong đó tổn thất được bảo hiểm là 5,8 tỷ USD.
Thảm họa tồi tệ nhất trong năm 2007 của toàn nhân loại là trận lốc xoáy Sidr xảy ra ở Bangladesh và Ấn Độ tháng 11 vừa qua. Trận lốc xoáy Sidr đã khiến 3.300 người chết, thiệt hại về tài chính khoảng 2,3 tỷ USD, nhưng hầu như không tổn thất nào được bảo hiểm.
Theo Bảo Việt
Comments are closed.