Những thách thức với thị trường bảo hiểm châu Á

(Webbaohiem) – Châu Á vẫn tiếp tục là thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, song sẽ còn rất nhiều thách thức phía trước phải đối mặt.

 

Báo cáo đánh giá của Swiss Re công bố mới đây cho biết, doanh thu phí bảo hiểm tại châu Á năm 2015 đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,8% đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và 9,2% đối với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Điều này có được là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số tại các thị trường mới nổi trong khu vực.

Đến nay, châu Á đã chiếm tới xấp xỉ 30% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu, so với tỷ lệ 22% mười năm trước đây.

Doanh thu thị trường bảo hiểm Trung Quốc tăng trưởng tới 80% trong năm vừa qua và Swiss Re dự kiến đây tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng trong khu vực, cho dù đang có những quan ngại về triển vọng kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

 

Theo ông Clarence Wong, Kinh tế trưởng khu vực châu Á của Swiss Re: “Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, phí bảo hiểm nhân thọ tại Trung Quốc đạt mức tăng trưởng ấn tượng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện nhu cầu bảo hiểm rất lớn tại thị trường này”.

Tuy nhiên, vẫn có những bất ổn đáng kể ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng sự thay đổi cấu trúc tại châu Á gây tác động bất lợi cho bảo hiểm, chẳng hạn nhu cầu xuất khẩu yếu làm suy giảm nhu cầu bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu trong những năm tới.

Bên cạnh đó, nợ vay của nhiều nước châu Á khá cao, làm hạn chế khả năng của các ngân hàng trung ương trong việc sử dụng công cụ lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng.

Cuối cùng, thị trường tài chính còn nhiều biến động và tình trạng lãi suất thấp tiếp tục kéo dài làm ảnh hưởng tới thu nhập đầu tư của các quỹ bảo hiểm cũng như sự hấp dẫn của một số dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

 

Mặc dù vậy, Swiss Re vẫn kỳ vọng vào tương lai tăng trưởng của ngành bảo hiểm trong khu vực.

“Chúng tôi duy trì đánh giá triển vọng tích cực đối với thị trường châu Á dựa trên cơ sở nhận định rằng những động lực tăng trưởng chính vẫn tiếp tục tồn tại”, ông Wong nói.

“Chẳng hạn, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp tục kích cầu các sản phẩm bảo hiểm cá nhân, bao gồm bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe và các loại hình bảo hiểm khác”.

Số liệu ước tính cho thấy, đến năm 2020, châu Á sẽ chiếm tới hơn một nửa dân số thuộc tầng lớp trung lưu trên toàn cầu, so với khoảng 30% hiện nay. Thêm vào đó, khu vực này đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng kinh tế.

“Tốc độ đô thị hóa tăng khiến chi tiêu đầu tư vào hạ tầng tại Trung Quốc dự kiến đạt 60 nghìn tỷ USD giai đoạn từ nay đến năm 2030. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cũng như làm phát sinh nhiều nhu cầu bảo hiểm mới trong các năm tới”.

Huyền My (Theo IAN).

 

Comments are closed.