Những nội dung cần được làm rõ trong hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT đối với kinh doanh bảo hiểm

(eFinance) –  (Tạp chí Tài chính Điện tử số 91 ngày 15/1/2011) – Trong Tạp chí Tài chính điện tử số 90 (tháng 12/2010), bài viết của chuyên mục này đã gợi mở những đề xuất ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT, thuế TNDN đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (KDBH).

Trong đó, cùng với những yêu cầu khách quan cần ban hành văn bản hướng dẫn, bài viết đã đề cập đến những nội dung cần trao đổi, thống nhất quan điểm trong hướng dẫn như: Sản phẩm, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế và không chịu thuế GTGT; Quy định về giá tính thuế GTGT đối với những trường hợp đặc thù; Quy định về thuế suất và phương pháp tính thuế GTGT đối với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Ở số Tạp chí này, chúng tôi tiếp tục trao đổi về những nội dung cần được hướng dẫn trong chính sách và quản lý thuế GTGT đối với các nghiệp vụ kinh doanh đang được thực hiện tại các DNBH.

1- Về phương pháp tính thuế GTGT và thời điểm tính thuế GTGT

Theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì việc áp dụng phương pháp khấu trừ thuế hay phương pháp tính trực tiếp trên GTGT sẽ tùy thuộc vào việc cơ sở kinh doanh có thực hiện đầy đủ chế độ kế tóan, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật hay không. Đối chiếu với các tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về KDBH thì các DNBH, DN môi giới bảo hiểm (gọi chung là DN sẽ thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế như hướng dẫn tại khoản 1, Mục III, Phần B, Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT. Theo đó, số thuế GTGT phải nộp được xác định bằng Thuế GTGT đầu ra trừ đi (-) Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Việc xác định số thuế GTGT đầu ra được dựa trên 2 căn cứ là (i) Doanh thu về dịch vụ, hàng hóa bán ra chịu thuế GTGT và (ii) mức thuế suất tương ứng. Đối với DNBH thì doanh thu chịu thuế GTGT sẽ bao gồm: doanh thu hoạt động KDBH thuộc diện chịu thuế GTGT và doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hoá khác (ngoài hoạt động KDBH) thuộc diện chịu thuế. Trong thực tế của hoạt động KDBN có không ít hợp đồng bảo hiểm được trả tiền trước cho kỳ hạn 2 hoặc 3 năm nhưng cũng có những hợp đồng kỳ hạn 1 năm nhưng bên mua bảo hiểm được DNBH cho chậm thanh tóan tiền, do đó việc xác định nghĩa vụ thuế GTGT phải tuân thủ cả nguyên tắc “trách nhiệm phát sinh” và thực tiễn “dòng tiền hiện hữu”. Với những hợp đồng mua trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu tính thuế TNDN có thể phải tính tóan, kết chuyển theo từng năm nhưng với nghĩa vụ GTGT thì cần kê khai, tính thuế trên doanh thu thực tế thu tiền vì người mua đã chấp nhận trả tiền, trong đó có cả phần thuế GTGT. Ngược lại, với trường hợp DNBH cho người mua bảo hiểm nợ tiền phí bảo hiểm cũng tương tự như bán hàng trả chậm nên cần phải tính thuế GTGT theo thời điểm hợp đồng BH có hiệu lực. Để có thể bao quát được đầy đủ các trường hợp trên đây, thông tư cần quy định: “Thời điểm xác định doanh thu tính thuế GTGT là thời điểm phát sinh trách nhiệm của DNBH đối với bên mua bảo hiểm theo quy định của Luật KDBH hoặc thời điểm DNBH xuất hoá đơn dịch vụ bảo hiểm, không phân biệt DNBH đã thu được tiền hay chưa thu được tiền phí bảo hiểm”.

Do đặc thù của hoạt động KDBH nên việc xác định nghĩa vụ kê khai, tính thuế GTGT đầu ra của DNBH cần được quy định rõ những khỏan thu của DNBH thuộc diện chịu thuế GTGT nhưng đã kê khai, tính đủ thuế GTGT ở khâu bảo hiểm gốc thì không phải tính thuế GTGT. Đó là các khỏan: (i) Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu về bồi thường khác (nếu có); (ii) Thu về hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, các khoản thu khác về nhượng tái bảo hiểm; và (iii) Thu đòi người thứ ba. Việc không phải kê khai tính thuế GTGT đầu ra đối với những khỏan thu này của DNBH thể hiện nguyên tắc của thuế GTGT là tính thuế đến mức giá bán thực, giá cuối cùng của hàng hóa, dịch vụ. Điểm này cần hết sức lưu ý và đòi hỏi cần có cách hiểu thống nhất trong khi xử lý các vấn đề liên quan đến kỹ thuật hạch tóan, cách xác định thuế GTGT đầu vào, số được kê khai khấu trừ và hệ lụy của nó là thuế GTGT phải nộp cũng được hướng dẫn cụ thể (điểm 2 dưới đây).

2- Về việc xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Việc xác định số thuế đầu vào được khấu trừ phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc chung nhưng tại Thông tư hướng dẫn cần quy định cụ thể hóa đến mức tối đa có thể được đối với các nghiệp vụ KDBH thực tế đang diễn ra hiện nay. DNBH được khấu trừ tòan bộ thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ mua vào (thể hiện trên hoá đơn GTGT) để sử dụng cho hoạt động KDBH chịu thuế GTGT. Đối với thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào để phục vụ cho hoạt động KDBH không thuộc diện chịu thuế GTGT thì không được kê khai khấu trừ. Một số trường hợp được hướng dẫn cụ thể dưới đây:

– Đối với hợp đồng đồng bảo hiểm: Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ để bồi thường hoặc thanh toán các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, hoá đơn GTGT mang tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị nào thì đơn vị đó thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hạch toán chi phí theo quy định. Đối với các khoản chi bồi thường, chi phí khác phát sinh chung mà không tách riêng được các hóa đơn cho từng đơn vị tham gia đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp được ủy quyền thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các khoản chi này. Quy định này cũng nên được mở rộng áp dụng đối với những trường hợp giữa các DNBH có các nghiệp vụ nhờ thu hộ, nhờ chi hộ nhằm khấu trừ đúng số thuế GTGT, tiết kiệm chi phí, bảo đảm tính kịp thời trong công tác bồi thường và thực hiện nghĩa vụ của nhà bảo hiểm chuyên nghiệp.

– Đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào dung đồng thời cho hoạt động của DNBH thuộc diện chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì DNBH chỉ được xác định khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho hoạt động có chịu thuế GTGT đầu ra. Trường hợp không hạch toán riêng được hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng riêng cho từng hoạt động thì số thuế đầu vào được khấu trừ sẽ tính theo tỷ lệ (%) doanh thu của dịch vụ, hàng hoá chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu thực hiện trong kỳ. Trong đó: Doanh thu chịu thuế GTGT bao gồm các khỏan thu DNBH phải kê khai thuế GTGT đầu ra và các khoản thu khác tuy không phải khai, nộp thuế GTGT nhưng trong cả quy trình bảo hiểm đã tính thuế GTGT ở khâu bảo hiểm gốc như hoa hồng đại lý, hoa hồng môi giới, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm (như đã đề cập tại điểm 1 trên đây). Tổng doanh thu thực hiện trong kỳ làm căn cứ tính tỷ lệ % phân bổ là toàn bộ doanh thu của DNBH phát sinh trong kỳ. Đối với các khoản thu giảm chi (như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, thu đòi người thứ 3), cũng cần quy định rõ không được tính vào tổng doanh thu thực hiện bởi thực chất chúng không phải là khỏan thu từ việc bán dịch vụ bảo hiểm.

– Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì được khấu trừ toàn bộ. Tuy nhiên, đối với thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định là nhà làm trụ sở văn phòng và các thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động của DN kinh doanh tái bảo hiểm, DN bảo hiểm nhân thọ thì không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá của tài sản cố định bởi vì sản phẩm dịch vụ của các DN này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

– DNBH chỉ được tính khấu trừ thuế đầu vào đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào khi có hoá đơn GTGT ghi rõ tên, mã số thuế của DN. Tuy nhiên trong thực tế có những trường hợp người tham gia bảo hiểm tài sản được DNBH ủy quyền việc tự sửa chữa tài sản ngay sau khi xảy ra tai nạn rồi mới làm thủ tục đòi bồi thường bằng tiền; do đó cần được xem xét quy định cụ thể để DNBH được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với những hóa đơn sửa chữa đứng tên người mua dịch vụ là người tham gia bảo hiểm. Những điều kiện bắt buộc đối với các trường hợp này là: (i) Phải có giấy uỷ quyền cho người được bảo hiểm tự sửa chữa trong đó ghi rõ tên người bảo hiểm, số chứng minh thư, địa chỉ của người được ủy quyền, số hợp đồng bảo hiểm kèm hoá đơn của cơ sở sửa chữa thay thế; (ii) Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tương ứng  với số tiền DNBH chi trả cho khách hàng được bảo hiểm và không lớn hơn số tiền thuế GTGT trên hoá đơn; và (iii) Người tham gia bảo hiểm không được kê khai, khấu trừ đối với hóa đơn đã chuyển cho DNBH đã kê khai khấu trừ. Quy định các điều kiện này chính là một biện pháp vừa tạo thuận lợi cho DNBH trong hoạt động bồi thường, xử lý hậu quả tai nạn, đồng thời vừa ngăn ngừa những hành vi trục lợi bảo hiểm, lấy tiền thuế GTGT của nhà nước trong những trường hợp người được bảo hiểm bồi thường nhân sự kiện bảo hiểm mà thay thế thêm một số bộ phận của tài sản được bồi thường, hoặc trong trường hợp lợi dụng quy định thông thóang về hóa đơn để khấu trừ thuế 2 lần.

3- Quy định việc điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Như đã đề cập ở điểm 2 trên đây, thuế đầu vào của tài sản cố định mà DNBH mua vào để sử dụng chung cho dịch vụ đầu ra thuộc diện và không thuộc diện chịu thuế GTGT đầu ra đã được kê khai, khấu trừ tòan bộ khi tính số thuế GTGT phải nộp (trừ DN kinh doanh tái bảo hiểm, DNBH nhân thọ). Tuy nhiên, khi tài sản cố định đó chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác (kể cả trường hợp dùng để thế chấp nhưng nay bị xử lý bán để thu hồi nợ cho các tổ chức tài chính, tín dụng) thì phải điều chỉnh giảm hoặc hòan lại số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ. Số thuế GTGT điều chỉnh hoặc hoàn lại được tính trên giá trị còn lại (chưa có thuế GTGT) của tài sản cố định.

Việc điều chỉnh giảm số tiền thuế GTGT đầu vào hoặc hạch tóan hòan trả lại NSNN số thuế GTGT đầu vào mà DNBH đã kê khai, khấu trừ cũng cần được áp dụng đối với cả vật tư, hàng hóa mua vào để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT nhưng nay chuyển sang sử dụng cho mục đích khác để bảo đảm nguyên tắc chỉ khấu trừ thuế đầu vào cho hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho mục đích tạo ra hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT đầu ra. Với trường hợp này thì số thuế GTGT phải điều chỉnh giảm hoặc hoàn trả lại sẽ được tính là toàn bộ số thuế đã kê khai khấu trừ khi mua sắm vật tư, hàng hóa.

4- Quy định về hóa đơn chứng từ đối với các nghiệp vụ KDBH

Về cơ bản, các DNBH thực hiện chế độ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó việc lựa chọn hóa đơn tự in hay hóa đơn đặt in thuộc quyền của mỗi doanh nghiệp. Với thực tiễn hoạt động KDBH hiện nay cũng như việc đầu tư cơ sở hạ tầng quản trị của các DNBH, chúng tôi cho rằng việc chọn hình thức hóa đơn tự in sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho từng doanh nghiệp cũng như tòan hệ thống, nhất là các DNBH trước đây đã đặt in hóa đơn. Trong phạm vi Thông tư hướng dẫn về thuế đối với hoạt động KDBH thiết nghĩ nên tập trung vào những nội dung cần thể hiện và cách xử lý tình huống đối với từng trường hợp cụ thể dưới đây:

Một là: Đối với các loại dịch vụ không phải kê khai tính thuế GTGT đầu ra (do đã tính và kê khai nộp đủ tại khâu thu phí bảo hiểm gốc thì DNBH không phải sử dụng hóa đơn GTGT cho mỗi lần giao dịch. Riêng nghiệp vụ tái bảo hiểm chúng ta cần có quy định chặt hơn để thuận tiện cho cả DNBH và cơ quan thuế theo hướng: Phải thực hiện chế độ chứng từ thanh toán nhận và nhượng tái bảo hiểm theo quy định tại Quyết định số 1296 TC/QĐ/CĐKT ngày 31/12/1996 của Bộ Tài chính. Giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các chứng từ nêu trên. Chứng từ thanh toán nhận, nhượng tái bảo hiểm này là căn cứ để bên mua hạch toán chi phí.

Hai là: Đối với trường hợp đồng bảo hiểm: Trên thực tế đồng bảo hiểm có thể diễn ra dưới 2 hình thức khác nhau, do đó đề nghị cân nhắc lựa chọn một trong hai phương án để hướng dẫn.

Phương án 1:  Cơ bản kế thừa nội dung như đã hướng dẫn tại Thông tư 111/2005/TT-BTC, đồng thời bổ sung thêm và nội dung hướng dẫn mới đối với các trường hợp đồng bảo hiểm.

* Với trường hợp đồng bảo hiểm (ĐBH) mà trong hợp đồng xác định rõ tỷ lệ đồng bảo hiểm của từng DNBH thì thực hiện theo quy định chung, không có gì cần phải hướng dẫn cụ thể hơn:

– Khi thu phí bảo hiểm, từng đơn vị ĐBH cấp hoá đơn GTGT cho khách hàng theo phần phí bảo hiểm gốc có thuế GTGT tương ứng với tỷ lệ ĐBH và thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

– Khi mua hàng hoá, dịch vụ để bồi thường hoặc thanh toán các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, hoá đơn GTGT mang tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị nào thì đơn vị đó thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hạch toán chi phí theo quy định.

*  Với trường hợp ĐBH mà trong hợp đồng chỉ có một DN đứng tên (leading) chịu trách nhiệm về việc thu phí và giải quyết bồi thường, chi trả các khoản phí khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm thì thực hiện:

– Khi thu phí bảo hiểm, DN đứng tên xuất hoá đơn GTGT cho khách hàng, thực hiện kê khai tính thuế GTGT trên toàn bộ giá trị hợp đồng theo quy định. Khi DN đứng tên phân bổ tiền phí bảo hiểm (không bao gồm thuế GTGT) theo tỷ lệ ĐBH cho các DN tham gia ĐBH thì các DN này xuất hoá đơn GTGT cho DN đứng tên; trong đó ghi rõ hoá đơn ĐBH theo hợp đồng số,… ngày,…. tháng,… năm,… dòng thuế GTGT không ghi và gạch bỏ. Hoá đơn này là căn cứ để các DN đồng bảo hiểm hạch toán doanh thu theo quy định.

– Khi chi hộ các khoản chi phí phát sinh trong hợp đồng ĐBH như chi bồi thường, hoa hồng bảo hiểm và các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng, doanh nghiệp đứng tên thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các khoản chi này. Khi phân bổ chi phí cho từng DN tham gia theo tỷ lệ ĐBH, doanh nghiệp đứng tên cấp hoá đơn GTGT cho các DN này; trên hoá đơn ghi rõ chi bồi thường và các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng ĐBH (số,… ngày,… tháng,… năm… của hợp đồng) do doanh nghiệp đứng tên thực hiện, dòng thuế GTGT không ghi và gạch bỏ. Hoá đơn này là căn cứ để các DN tham gia ĐBH hạch toán chi phí theo quy định.

Phương án 2: Có thể xem xét, quan niệm rằng ĐBH mà một doanh nghiệp đứng ra thu phí cho các doanh nghiệp ĐBH và thực hiện thanh toán chi phí bồi thường phát sinh nếu có như một khoản thu hộ chi hộ thì nội dung này cần được hướng dẫn như sau:

– Khi thu phí bảo hiểm, từng DN tham gia ĐBH cấp hoá đơn GTGT cho khách hàng theo phần phí bảo hiểm gốc có thuế GTGT tương ứng với tỷ lệ ĐBH  và thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định. Trường hợp các đơn vị đứng tên trong hợp đồng ĐBH ủy quyền cho một đơn vị đứng ra thu hộ phí bảo hiểm hoặc chỉ có một DN đứng tên trong hợp đồng thì khi thu hộ tiền phí bảo hiểm, DN thu hộ có trách nhiệm lập hoá đơn GTGT giao cho khách hàng, trên hoá đơn ghi rõ thu hộ Công ty bảo hiểm (tên, địa chỉ, mã số thuế của công ty) theo Hợp đồng bảo hiểm (số, ngày, tháng, năm của hợp đồng). DN thu hộ không hạch toán doanh thu của mình mà hạch toán doanh thu thu hộ và kê khai, nộp thuế GTGT đối với phần doanh thu này. Đối với DN nhờ thu hộ, khi nhận tiền từ DN thu hộ thì lập hoá đơn GTGT giao cho DN thu hộ, trên hoá đơn ghi rõ nhận tiền phí bảo hiểm do Công ty bảo hiểm (tên, địa chỉ, mã số thuế của công ty) thu hộ theo hợp đồng bảo hiểm (số, ngày, tháng, năm của hợp đồng); số thuế GTGT được ghi trên hoá đơn bằng đúng số thuế GTGT mà DN thu hộ đã thu của khách hàng. Hoá đơn này làm căn cứ để DN thu hộ khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi tính thuế GTGT phải nộp, đồng thời là căn cứ để DN nhờ thu hộ hạch toán doanh thu, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định).

– Khi mua hàng hoá, dịch vụ để bồi thường hoặc thanh toán các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, hoá đơn GTGT mang tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị nào thì đơn vị đó thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hạch toán chi phí theo quy định. Trường hợp các đơn vị đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm ủy quyền cho một DN hoặc DN đứng tên trên hợp đồng thực hiện chi tiền, mua hàng hóa, dịch vụ để bồi thường cho khách hàng thì thực hiện như đối với trường hợp chi hộ các khoản chi phí. Cụ thể là: Khi chi hộ tiền mua hàng hoá, dịch vụ để bồi thường cho khách hàng, DN chi hộ yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hoá, dịch vụ xuất hoá đơn bán hàng theo tên, địa chỉ, mã số thuế của DN nhờ chi hộ; hoá đơn này được chuyển cho DN nhờ chi hộ để đơn vị này thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào (nếu có) và hạch toán chi phí theo quy định).

Riêng đối với các khoản chi bồi thường, chi phí khác phát sinh chung mà không tách riêng được các hóa đơn cho từng đơn vị tham gia đồng bảo hiểm thì DN được ủy quyền thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các khoản chi này. Khi phân bổ chi phí cho từng đơn vị ĐBH theo tỷ lệ ĐBH, doanh nghiệp đứng tên cấp hoá đơn GTGT cho các đơn vị cùng tham gia ĐBH này; trên hoá đơn ghi rõ chi bồi thường và các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng ĐBH (số, ngày, tháng, năm của hợp đồng) do doanh nghiệp đứng tên thực hiện, dòng thuế GTGT không ghi và gạch bỏ. Hoá đơn này là căn cứ để các đơn vị ĐBH hạch toán chi phí theo quy định.

Trong 2 phương án đề xuất trên đây, chúng tôi cho rằng thực hiện phương án 1 sẽ tốt hơn bởi cắt bỏ được nhiều thủ tục, nhiều nghiệp vụ hạch tóan không cần thiết hoặc trùng lặp giữa các đơn vị tham gia ĐBH mà vẫn bảo đảm giám sát thu đủ thuế, hạch tóan đúng doanh thu và giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Ba là: Hoạt động thu hộ, chi hộ là nghiệp vụ diễn ra rất thường xuyên trong quan hệ phân công, hợp tác giữa các DNBH và có xu hướng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Do đó, rất cần thiết phải được hướng dẫn thật cụ thể về nội dung thể hiện trên hóa đơn, chứng tư đối với các trường hợp: (a). Thu hộ, chi hộ một DN khác; (b). Thu hộ, chi hộ giữa các đơn vị trực thuộc hoặc giữa đơn vị hạch toán phụ thuộc với trụ sở chính của một DNBH; (c). Thu hộ, chi hộ trong những trường hợp hoàn trả phí bảo hiểm; (d). Đối với trường hợp giảm phí bảo hiểm; (đ). Đối với hàng hoá, dịch vụ do DNBH nhân thọ mua về dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu tặng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; (e). Đối với đại lý bảo hiểm có được thu nhập về hoạt động đại lý hoặc nhận thu hộ, chi hộ tiền hỗ trợ của các cơ sở kinh doanh khác,… Các trường hợp được nêu trên đều chứa đựng các yêu cầu về tính chuyên môn rất cao thuộc các lĩnh vực thuế, kế tóan và kinh doanh bảo hiểm, vì vậy chúng tôi hy vọng sẽ nhận được ý kiến đề xuất góp ý của các đọc giả để có thể sớm trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra.

(Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,  Bộ Tài chính)
taichinhdientu.vn

Comments are closed.