Những kết quả bước đầu triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Ngày 4/11/2010, tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức hội nghị giao ban đánh giá tình hình triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg của các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc. Tham dự, có đại diện các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trung tâm dạy nghề và một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Dương Đức Lân đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương trong việc triển khai thực hiện quyết định, với những kết quả bước đầu quan trọng, đảm bảo cơ bản tiến độ đề ra. Đây là một đề án mới, có quy mô, phạm vi lớn và cũng là năm đầu triển khai nên trong quá trình thực hiện nhiều địa phương đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Để đề án được thực hiện có hiệu quả như mục tiêu đã đề ra, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đơn vị cần phải xác định những nghề đào tạo cụ thể, thiết thực phù hợp với đặc thù của từng địa phương và người dân có thể áp dụng ngay kiến thức, kỹ năng vào thực tế cuộc sống; phải học tập và nhân rộng những mô hình, cách làm hay, xuống tận cơ sở để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Các đại biểu tham dự cần trao đổi, thẳng thắn góp ý kiến để cùng lãnh đạo Tổng cục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những nội dung thực hiện trong thời gian tới.

Sau gần một năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay, 15 tỉnh, thành phố vùng trung du miền núi phía bắc đều đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, và tổ chức các hội nghị quán triệt nội dung cho cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành. Cùng với đó, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, góp phần làm chuyển biến nhận thức về dạy nghề cho lao động nông thôn, coi dạy nghề cho lao động nông thôn là cơ sở để phát triển kinh tế- xã hội bền vững ở địa phương. Tỷ lệ người dân trong vùng được tiếp cận với nội dung của đề án đạt khoảng 60%.

Trong hoạt động điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề, 100% các tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện điều tra toàn diện tại tất cả các xã thuộc huyện điểm. Nhiều tỉnh đã lựa chọn được mô hình sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp, chủ động áp dụng thí điểm các mô hình dạy nghề có hiệu quả, gắn với những ngành nghề có thế mạnh của địa phương và bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Công tác phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được quan tâm chú trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình triển khai đề án cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho người dân về học nghề còn thụ động và hình thức chưa sinh động. Vấn đề hướng dẫn thực hiện ở một số nơi chưa sâu sát, cụ thể. Kinh phí phân bổ cho một số hoạt động còn thiếu so với yêu cầu thực tế, trong khi đó việc phê duyệt định mức chi phí đào tạo theo từng nghề và mức hỗ trợ các đối tượng chưa kịp thời. Việc lựa chọn nghề đào tạo còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Tiếp đó, các đại biểu tham dự đã trao đổi và phản ánh những vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong quá trình thực hiện, đó là: kinh phí đào tạo, cách thức tổ chức thực hiện, biên chế cho cán bộ phụ trách ở cấp cơ sở, điều tra khảo sát nhu cầu học nghề, công tác tuyển sinh, chương trình đào tạo… Cùng với việc giải trình những vướng mắc đó, lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề cũng đề nghị để đề án được triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ đề ra, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Khẩn trương ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền , tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn; hoàn thành hoạt động điều tra, khảo sát, tổng hợp số liệu làm cơ sở xây dựng đề án đến năm 2020; rà soát mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn, hoàn thành việc thành lập mới các trung tâm dạy nghề cấp huyện; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, đảm bảo hiệu quả đề ra.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng hoan nghênh sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của các địa phương, các ban, ngành ở tất cả các khâu. Ban Bí thư Trung ương đã chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình 11 xã điểm nông thôn mới, trong đó 2 tiêu chí về dạy nghề và lao động việc làm cho nông dân được đánh giá là khó nhất và căn bản nhất, phải làm lâu dài. Nếu chúng ta làm tốt công tác này sẽ góp phần giải quyết tận gốc nguyên nhân của tình trạng đói nghèo. Đào tạo phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cần đi vào những cây, con cụ thể phù hợp với đặc thù, điều kiện của địa phương….


Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.