Những bất cập trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi

(Tamnhin.net) – Tại hội thảo góp ý kiến hoàn thiện dự thảo “Luật Bảo hiểm tiền gửi” vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, các đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập và những cơ sở pháp lý cần được hoàn thiện đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi hiện nay.

Tính đến hết năm 2010, tổng số phí bảo hiểm tiền gửi (BHTG) thu được từ các tổ chức tham gia BHTG là 4.484 tỷ đồng, số thu phí hàng năm tăng trung bình trên 20%. Từ năm 2004, 100% nguồn thu phí bảo hiểm đã được bổ sung vào quỹ nghiệp vụ BHTG của BHTG Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, hoạt động BHTG hiện nay của Việt Nam còn nhiều bất cập, trong đó phải kể đến các vấn đề như hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi được cho là quá thấp, với quy định là 50 triệu đồng cho mỗi khoản tiền gửi tại một tổ chức tín dụng; vai trò của tổ chức BHTG trong việc giám sát thị trường tài chính còn mờ nhạt; cơ chế pháp lý xử lý đổ vỡ tín dụng chưa rõ ràng và phù hợp… Khái niệm mạng an toàn tài chính, cấu trúc các cơ quan trong mạng an toàn tài chính để thực hiện nhiệm vụ giám sát tài chính chưa được cụ thể hóa và quy định rõ ràng trong các luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
    
Theo ông Đinh Dũng Sỹ – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ, BHTG được xem là hoạt động kinh doanh rủi ro với mức độ cao vì nó nằm trong lĩnh vực tài chính tiền tệ. Hoạt động BHTG luôn gắn liền các mục tiêu của chính sách công, sự an toàn hệ thống tín dụng, lành mạnh các ngân hàng thương mại, do đó BHTG luôn gắn với mục tiêu chính sách công, nếu BHTG không mạnh sẽ không xử lý được đổ vỡ. Vấn đề thực hiện BHTG theo loại hình dịch vụ bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện cũng đã được nhiều chuyên gia tranh luận.

Ông Nguyễn Am Hiểu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế dân sự – Bộ Tư pháp cho biết ở hầu hết các quốc gia, BHTG đều thuộc về loại hình bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì một số lý do như khả năng tài chính, mục tiêu lợi nhuận, các tổ chức thương mại chưa thể triển khai dịch vụ BHTG, do đó chưa thể thực hiện dịch vụ BHTG một cách tự nguyện.
     
Việc áp dụng mức phí đồng hạng với đặc điểm dễ quản lý, dễ tính và thu phí phù hợp trong giai đoạn đầu tiên triển khai hệ thống BHTG tại Việt Nam, khi tổ chức BHTG chưa có đủ nguồn nhân lực cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc BHTG Việt Nam, quy định hiện tại về phí BHTG còn nhược điểm như tỷ lệ phí cố định ở mức thấp trong bối cảnh tiền gửi được bảo hiểm tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Vì vậy, tỷ lệ tổng nguồn vốn/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm của BHTG Việt Nam giảm dần theo từng năm trong giai đoạn từ 2005 đến 2010, tương ứng từ 1,07% xuống 0,8%. Quy mô nguồn vốn quỹ hiện tại của BHTG Việt   Nam không đảm bảo xử lý hai ngân hàng quy mô trung bình đổ vỡ. Do đó, ông Sơn cho rằng, hệ thống phí đồng hạng không còn phù hợp trong bối cảnh hệ thống ngân hàng mở cửa, hội nhập, phát triển nhanh đi kèm theo đó là rủi ro tăng cao.
      
Ông Dirk Cupei, Phó Chủ tịch Diễn đàn Hiệp hội BHTG châu Âu cho rằng nên tạo điều kiện áp dụng thu phí theo rủi ro. Trong quá trình soạn thảo Luật BHTG cần tham khảo, đối chiếu với các chuẩn mực quốc tế, lưu ý đến đặc thù Việt Nam. Cơ quan đảm trách BHTG phải có địa vị pháp lý  rõ ràng và có tính độc lập, có đủ thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, nhưng cũng cần có cơ chế giám sát đối với cơ  quan BHTG.  

Một vấn đề khác cũng cần đặt ra đối với BHTG hiện nay của Việt Nam là cần đưa ra hạn mức bảo hiểm cụ thể và tiêu chí với điều kiện nào sẽ thực hiện điều chỉnh hạn mức BHTG. Theo nhiều ý kiến, tiêu chí này có thể là tình hình lạm phát, tổng mức tiền gửi tại ngân hàng, không chỉ đối với VND mà còn với ngoại tệ, vì mục tiêu là bảo vệ cho người tiêu dùng, trong đó, một bộ phận có tiền gửi ngoại tệ. Điều này sẽ giúp tránh trường hợp khi thị trường bất ổn, người dân đổ xô đi rút tiền, gây khủng hoảng. Phần lớn ngoại tệ không gửi ngân hàng sẽ ít đi do tính an toàn khi gửi ngân hàng ngoại tệ cao hơn.
    
Việc lựa chọn mô hình BHTG là vấn đề lớn, bởi nó xác định các nội dung xây dựng cơ sở pháp lý liên quan cho hoạt động này. Trên thế giới hiện nay có ba mô hình đối với hoạt động BHTG: mô hình chi trả, mô hình chi trả với quyền được mở rộng và mô hình giảm thiểu rủi ro. Theo ông Nguyễn Am Hiểu, việc lựa chọn mô hình cần phải phân tích chỉ ra những ưu điểm, hạn chế khi áp dụng vào Việt Nam. Ông cho rằng, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam không nên chọn mô hình chuyên chi trả mà nên chọn mô hình giảm thiểu rủi ro, nhưng có lộ trình thích hợp bởi trước hết, Việt Nam có tổ chức BHTG đã và đang tiếp cận mô hình giảm thiểu rủi ro được đánh giá là hiệu quả khi xử lý các vấn đề tài chính trong khủng hoảng kinh tế.
 
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia cho rằng, tổ chức BHTG Việt Nam trong giai đoạn tới cần tính tới các mô hình hiện đại theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Theo nhiều ý kiến đề xuất, BHTG Việt Nam nên được tổ chức, quản trị và điều hành theo mô hình công ty: có hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành và bộ máy giúp việc.

tamnhin.net

Comments are closed.