Những hợp đồng bảo hiểm bất thường ở Văn phòng VASS tại miền trung

vass.jpgChưa có quyết định thành lập đã công khai hoạt động, không có chức năng vẫn tổ chức kinh doanh, rồi ra những quyết định tiền hậu bất nhất và có dấu hiệu trù dập người lao động… Ðó là thực tế đang diễn ra tại Văn phòng miền trung thuộc Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Ðông (VASS).

Ngày 30-4-2005, VASS có trụ sở tại quận I, (TP Hồ Chí Minh) được Bộ Tài chính cho phép thành lập Chi nhánh tại tỉnh Thừa Thiên – Huế có trụ sở tại số  4 Lê Hồng Phong (TP Huế). Trong khi Chi nhánh này đang hoạt động bình thường thì ngày 15-5-2007, VASS quyết định thành lập Văn phòng Khu vực miền trung có trụ sở cũng tại số 4 Lê Hồng Phong.

 Theo Quyết định số 051/2007/QÐ-VASS/HÐQT ngày 15-5-2007, Văn phòng khu vực miền trung có trách nhiệm quản lý các chi nhánh và các đơn vị trực thuộc nằm trong khu vực từ Nghệ An đến Gia Lai và Bình Ðịnh. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng này được quy định tại Quy chế do Hội đồng Quản trị VASS ban hành theo Quyết định 050/2007/QÐ-VASS/HÐQT cũng ký ngày 15-5-2007.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 42/2001/NÐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm muốn mở văn phòng đại diện phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính và không được hoạt động kinh doanh. Tại mục 2, Ðiều 3 của Quy chế của VASS cũng ghi rõ “Văn phòng khu vực không có chức năng kinh doanh”. Như vậy, Văn phòng khu vực miền trung của VASS chưa có sự chấp thuận của Bộ Tài chính cũng như không được phép hoạt động kinh doanh.

Vậy mà từ tháng 2-2007, nghĩa là ba tháng trước khi có quyết định nội bộ của VASS về việc thành lập, Văn phòng khu vực miền trung của VASS đã chính thức đi vào hoạt động. Và nghiêm trọng hơn, họ đã tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, điều mà tổ chức này không được thực hiện.

Và để hợp thức hóa, Văn phòng miền trung  của VASS đã “mượn” khuôn dấu và chức danh của lãnh đạo VASS có trụ sở tại quận I, (TP Hồ Chí Minh) để tiến hành ký hợp đồng. Tại nhiều bản hợp đồng bảo hiểm, phần bên B (cơ quan bảo hiểm) ghi là Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Ðông – Văn phòng miền trung có mã số thuế, tài khoản và địa chỉ tại TP Huế. Nhưng khuôn dấu thì của Công ty tại quận 1, TP Hồ Chí Minh…

Cụ thể, từ ngày 26-2-2007, Văn phòng miền trung của VASS  có trụ sở tại số 4 Lê Hồng Phong, đã tiến hành ký hàng loạt hợp đồng bảo hiểm với các đơn vị tại Huế và địa phương khác, trong đó có Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế, UBND phường An Cựu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế, Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi 1, Hà Nội…

Ðiều đáng nói là việc tổ chức kinh doanh của Văn phòng miền trung của VASS kéo dài mà không cơ quan chức năng nào phát hiện ra. Thậm chí có cơ quan giám sát pháp luật tại địa phương cũng chấp nhận ký những hợp đồng với Văn phòng miền trung của VASS.

Ðó là chưa kể đến việc cả hai cơ quan Văn phòng Miền Trung của VASS và Chi nhánh VASS tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đều có trụ sở tại  số 4 – Lê Hồng Phong (TP Huế) và đều đua nhau khai thác dịch vụ bảo hiểm tại địa phương, gây ra sự lộn xộn, thiếu lành mạnh trên thị trường bảo hiểm khu vực.

Không chỉ hoạt động ngoài chức năng và trước khi có quyết định thành lập, những quyết định nhân sự  của VASS tại Chi nhánh còn gây ra bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng quyền lợi người lao động.

Ðơn cử là trường hợp kỷ luật ông Lê Quang Sơn, Giám đốc Chi nhánh VASS tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tất cả 13 cán bộ, nhân viên tại Chi nhánh đều tỏ ra bất bình bởi trong khi Chi nhánh này đang hoạt động bình thường và có lãi, thì ngày 27-7-2007, HÐQT VASS ra quyết định bãi nhiệm chức danh Giám đốc Chi nhánh Thừa Thiên – Huế của ông Lê Quang Sơn, vì lý do: “Vi phạm nghiêm trọng quy định và lề lối làm việc của công ty, làm mất đoàn kết nội bộ…”.

Quyết định bất ngờ này gây phản ứng trong cán bộ, nhân viên. Bởi lẽ quyết định vi phạm quy trình kỷ luật người lao động. Cụ thể, không có kiểm điểm cá nhân, không có họp xét kỷ luật, không có sự tham gia của công đoàn và người bị xử lý, v.v.

Theo ông Lê Anh, Chủ tịch Công đoàn VASS, thì quyết định này đã “làm ảnh hưởng đến người lao động”. Do bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, ngày 2-8-2007,  Tổng giám đốc VASS Nguyễn Tiến thừa nhận “có sự nhầm lẫn”, và ngày 8-8-2007, HÐQT VASS vội vã ra quyết định thu hồi quyết định kỷ luật bãi nhiệm ông Lê Quang Sơn, nhưng điều động ông Sơn đi nơi khác.

Việc điều động nhân sự là chuyện nội bộ của VASS. Tuy nhiên, liên quan vụ việc này có những mối quan hệ gia đình “nhạy cảm” trong VASS, khiến dư luận không khỏi phân vân: Phải chăng ông Lê Quang Sơn bị trù dập?

Việc kinh doanh khuất tất của Văn phòng VASS tại miền trung cũng như vụ kỷ luật cán bộ thiếu minh bạch tại Chi nhánh VASS tại Thừa Thiên – Huế cần được các cơ quan chức năng và Công ty VASS làm rõ, chấn chỉnh kịp thời để vừa bảo đảm trật tự, lành mạnh trong kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Theo Nhan Dan

Comments are closed.