Những câu hỏi lớn trước giờ G!

Nhu cầu và xu hướng phát triển của bảo hiểm sức khỏe con người là tất yếu và ngày càng gia tăng. Để rộng đường cho các DN bảo hiểm khai thác hiệu quả loại hình bảo hiểm này, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đã bổ sung vào Điều 7, công nhận bảo hiểm sức khỏe là một loại hình bảo hiểm bên cạnh hai loại hình truyền thống là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Sự phân chia này phản ánh rõ xu hướng phát triển của thị trường bảo hiểm và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này.

Trong các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe con người hiện giữ thị phần cao thứ 4, khoảng 12% và là một sản phẩm chủ lực của các DN. Có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người hầu hết được các nhà bảo hiểm “bán buôn”, thông qua gói bảo hiểm sức khỏe cho người lao động của các DN khách hàng. Bản thân các DN, bên cạnh việc mua bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động, để tăng ưu đãi và giữ chân nhân viên, họ cũng tìm đến các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp cho người lao động. Theo đó, nhân viên của các DN có thể chủ động lựa chọn cơ sở y tế khám chữa bệnh cao cấp trong mạng lưới liên kết của công ty bảo hiểm, được thanh toán các chi phí điều trị y tế, phẫu thuật, được bồi thường trong trường hợp tử vong. Hoạt động trong phân đoạn thị trường này còn có sự góp mặt của nhiều công ty môi giới bảo hiểm với thị phần lớn thuộc về các công ty môi giới nước ngoài như AON, Grass Savoye, Marsh…

Nghiệp vụ này cũng được các DN bảo hiểm nhân thọ phát triển khá mạnh mẽ với các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ cung cấp thêm quyền lợi cho khách hàng như thương tật do tai nạn, quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn (mất sức lao động), chăm sóc viện phí…, bán kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nếu các DN bảo hiểm nhân thọ cũng được bán bảo hiểm sức khỏe một cách độc lập thì sự cạnh tranh trên thị trường có quá gay gắt? Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện Liberty cho biết, đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, các DN bảo hiểm phi nhân thọ thường tập trung nhiều hơn vào việc bán bảo hiểm theo nhóm cho các DN và tổ chức; trong khi đó, các DN bảo hiểm nhân thọ mạnh hơn trong việc bán bảo hiểm cho cá nhân. Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của Liberty được bán cho cả DN và cá nhân. Do đó, mức độ cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn nếu các DN bảo hiểm nhân thọ cũng được bán sản phẩm bảo hiểm sức khỏe độc lập. Tất nhiên, mỗi DN đều có phân khúc thị trường riêng, đồng thời thị trường bảo hiểm sức khỏe còn rất nhiều tiềm năng, đủ để cho các công ty mới tham gia.

“Tôi nghĩ việc cạnh tranh gia tăng đồng nghĩa với việc các DN sẽ tập trung nhiều hơn cho việc quảng bá sản phẩm. Điều này sẽ giúp nhiều khách hàng quan tâm đến bảo hiểm sức khỏe hơn và giúp tất cả các DN nâng cao doanh số”, đại diện Liberty chia sẻ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nhìn bề ngoài thì có vẻ như quy định mới về bảo hiểm sức khỏe sẽ tạo nên sự cạnh tranh lớn, vì bảo hiểm nhân thọ sẽ có thêm các quyền lợi cho khách hàng. Nhưng thực tế không phải DN bảo hiểm nhân thọ nào cũng hứng thú với việc triển khai dịch vụ này, vì nguy cơ trục lợi cao. Theo tổng kết của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong quý 1/2011, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tai nạn và sức khỏe con người là 42% – nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường lớn nhất của các DN bảo hiểm phi nhân thọ. Đồng thời, nguy cơ trục lợi bảo hiểm cũng rất lớn thông qua các chiêu câu kết của khách hàng với cơ sở y tế để kê toa đắt tiền, kê chi phí khám chữa bệnh cao hơn so với chi phí thực… Chính vì thế, nếu triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe thì các DN bảo hiểm nhân thọ có thể đối mặt với sự thua thiệt do chi phí bồi thường tăng khi bán sản phẩm này một cách riêng lẻ cho các cá nhân.

Ngoài ra, theo các chuyên gia trong ngành, quy định trong Luật sửa đổi chỉ mới đề cập chung chung, khi đi vào thực tế triển khai thì còn cần có những quy định cụ thể hơn. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam băn khoăn, trong giấy phép thành lập và hoạt động hiện tại, các DN bảo hiểm nhân thọ chỉ được phép kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe bổ trợ cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Theo Luật sửa đổi, các DN này có được kinh doanh dịch vụ bảo hiểm sức khỏe một cách độc lập với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ hay không và có phải thực hiện thủ tục thay đổi giấy phép thành lập và hoạt động không? Trường hợp một tổ chức muốn thành lập DN bảo hiểm kinh doanh đơn thuần nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe thì có được không? Và các DN bảo hiểm nhân thọ có phải xin phép Bộ Tài chính phê chuẩn lại các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ đang triển khai hay không? Đó là những câu hỏi lớn cần được cơ quan quản lý giải đáp khi thời điểm 1/7 đã cận kề.

Ngọc Lan
stockbiz.vn

Comments are closed.