LĐLĐ TPHCM vừa có công văn gởi đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, phản ánh một số vướng mắc khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cụ thể: Trong trường hợp người lao động (NLĐ) ký hợp đồng lao động thời hạn một năm từ ngày 1-4-2008 đến 1-4-2009. Như vậy đến ngày 31-12-2008, NLĐ mới làm việc được 10 tháng, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, cũng không đủ điều kiện hưởng BHTN. Trường hợp này, NLĐ được giải quyết quyền lợi như thế nào?
Trong thời gian NLĐ nữ nghỉ thai sản thì bảo hiểm xã hội (BHXH) do cơ quan BHXH đóng, còn BHTN thì như thế nào? Doanh nghiệp hay cơ quan BHXH đóng? Hoặc trường hợp NLĐ bị sa thải, nếu có đủ điều kiện hưởng BHTN thì có được hưởng trợ cấp BHTN không? Về trợ cấp học nghề cho NLĐ mất việc, nếu được trợ cấp học nghề 6 tháng nhưng học được 4 tháng, NLĐ có việc làm mới thì 2 tháng còn lại có được hưởng trợ cấp học nghề hay không?
Đặc biệt, với quy định hằng tháng NLĐ phải thông báo với cơ quan lao động về việc tìm việc làm trong thời gian hưởng BHTN, nếu không sẽ bị dừng trợ cấp; LĐLĐ TP đề nghị làm rõ: Những NLĐ nhập cư sau khi kê khai thủ tục hưởng BHTN tại cơ quan lao động ở TPHCM, sau đó họ về quê tại các địa phương khác thì hằng tháng phải thông báo việc này cho cơ quan lao động nào?
Băn khoăn khác là viên chức của các đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế có phải đóng BHTN không? Nếu có, thì đóng theo văn bản nào vì hiện nay viên chức của hai ngành này vẫn do Pháp lệnh Cán bộ, Công chức điều chỉnh. Trường hợp người bị tạm giam sẽ bị dừng hưởng BHTN và không được truy lĩnh. Nếu việc tạm giam là oan sai thì giải quyết như thế nào?
Theo LĐLĐ TPHCM, trong quá trình triển khai chính sách BHTN đã bộc lộ quá nhiều vướng mắc. LĐLĐ TP phản ánh đến đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM để đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể hơn nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên.
Theo Người Lao Động Online
Comments are closed.