Năm 2011 đã chứng kiến một loạt thay đổi của chính sách thuế đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Khởi đầu là việc Thông tư 09/2011/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 07/03/2011, thay thế cho Thông tư 111/2005/TT-BTC, hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt, cũng trong năm nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ 01/04/2011. Bên cạnh đó, những hướng dẫn cụ thể về thuế TNDN và GTGT đang trong quá trình soạn thảo và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2011.
Dưới đây là những tóm tắt về các thay đổi trong các quy định đối với các sắc thuế này đã và dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới cũng như các phân tích về những vấn đề có liên quan tới các công ty bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.
Những thay đổi đối với doanh nghiệp bảo hiểm theo Thông tư 09
Do đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nên bên cạnh các quy định chung về thuế, các doanh nghiệp bảo hiểm còn phải tuân thủ những hướng dẫn chi tiết đối với lĩnh vực này theo Thông tư 09 (trước đây là Thông tư 111).
Thuế GTGT
Theo quy định tại Thông tư 09, tùy thuộc vào từng loại hình bảo hiểm mà có thể được miễn thuế GTGT hoặc chịu mức thuế suất bằng 10%. Thông tư này cũng đã bổ sung hai loại hình kinh doanh tư vấn và môi giới bảo hiểm phi nhân thọ vào danh sách các dịch vụ chịu thuế – đây là điểm mới so với Thông tư 111 trước đây.
Đồng thời, Thông tư 09 còn mở rộng danh sách các dịch vụ được miễn thuế GTGT. Theo đó, các nghiệp vụ tái bảo hiểm nói chung giờ đây đều được miễn thuế GTGT thay vì chỉ miễn thuế cho các dịch vụ tái bảo hiểm với nước ngoài như quy định cũ. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo đại lý bảo hiểm cũng thuộc diện được miễn thuế GTGT. Từ giác độ thực tiễn, giờ đây sẽ không còn xảy ra hiện tượng thất thoát thuế GTGT trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thuê các tổ chức bên ngoài thực hiện đào tạo cho đội ngũ đại lý của mình.
Ngược lại, theo quy định mới, các dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho phương tiện vận tải quốc tế, như bảo hiểm thân tàu hoặc thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu hoặc trách nhiệm dân sự chung đối với máy bay… không còn thuộc danh sách được miễn thuế GTGT.
Thống nhất với các quy định chung về thuế GTGT, Thông tư 09 cũng quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với các dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan và cung cấp cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gồm dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ môi giới bảo hiểm, dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100%.
Để được áp dụng mức thuế suất 0%, các tổ chức và cá nhân nước ngoài phải thỏa mãn các điều kiện sau:
– Tổ chức ở nước ngoài là tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam;
– Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ.
Thông tư 09 cũng chỉ rõ các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sẽ không phải nộp thuế GTGT đối với hoa hồng môi giới trong trường hợp dịch vụ bảo hiểm gốc được miễn thuế GTGT. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng không phải chịu thuế GTGT đối với doanh thu từ việc thanh lý tài sản sử dụng cho các hoạt động bảo hiểm nhân thọ.
Thuế TNDN
Thông tư 09 quy định: thuế TNDN đối với các doanh nghiệp bảo hiểm được áp dụng theo Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên Thông tư cũng cung cấp những hướng dẫn chi tiết về việc xác định doanh thu, thời điểm xác định doanh thu và một số khoản chi được giảm trừ.
Một điểm mới đáng chú ý trong Thông tư 09 là quy định về việc xác định doanh thu chịu thuế TNDN. Theo đó, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế chỉ bao gồm doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động môi giới bảo hiểm, không bao gồm doanh thu từ hoạt động tài chính như quy định cũ. Không rõ việc loại trừ doanh thu từ hoạt động tài chính ra khỏi thu nhập chịu thuế dựa trên cơ sở nào. Cũng có thể điều này được lý giải là vì doanh thu hoạt động tài chính đã được tính tới trong các hướng dẫn chung về thuế TNDN nên không được đề cập lại trong Thông tư này.
Về các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế, Thông tư 09 đã giảm bớt một số khoản so với Thông tư 111 trước đây. Tuy nhiên, việc xác định các khoản chi phí được khấu trừ từ doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm còn phụ thuộc vào các quy định chung của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành, vì vậy rất có thể có khoản chi không được đề cập tới trong nội dung này của Thông tư 09 thì vẫn được coi là chi phí hợp lý được khấu trừ tại một văn bản quy phạm pháp luật khác.
Những thay đổi từ các quy định khác
Quy định mới về việc chuyển lợi nhuận
Đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, quy định mới về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (có hiệu lực từ tháng 1/2011) rất đáng được quan tâm. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chỉ được phép chuyển lợi nhuận định kỳ hàng năm và vào cuối năm tài chính hoặc khi chấm dứt hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Các khoản phân phối lợi nhuận tạm thời theo quy định cũ, giờ đây không được phép áp dụng.
Các yêu cầu về minh bạch thuế trước đây, hiện nay đã được thay thế bằng quy trình báo cáo thuế. Người nộp thuế phải thông báo cho cơ quan thuế khoản lợi nhuận chuyển ra nước ngoài trước 7 ngày làm việc so với thời điểm dự kiến chuyển. Tuy nhiên, không cần phải có sự phê duyệt của cơ quan thuế như quy định cũ.
Tập trung nhiều vào hành vi chuyển giá
Từ khi các quy định về chuyển giá được giới thiệu năm 2006, sự quan tâm của ngành thuế tới lĩnh vực này ngày một tăng và có khá nhiều phóng sự về đề tài này đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thông tư mới về chuyển giá được ban hành từ tháng 4/2010. Kể từ đó, cơ quan thuế trở nên tích hơn trong việc thu thập thông tin cũng như lật lại hồ sơ, yêu cầu các bên có liên quan khai báo và cung cấp các tài liệu cần thiết. Gần đây nhất, cơ quan thuế đã gửi các bản hỏi tới các doanh nghiệp với mục tiêu thu thập thông tin có liên quan về ngành kinh doanh. Kết quả điều tra có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm việc xử phạt các hành vi chuyển giá, phát triển cơ sở dữ liệu hoặc hướng sự tập trung theo dõi tới những ngành, những lĩnh vực mà ngành thuế quan tâm.
Cho đến nay, các đợt kiểm toán chuyển giá đã được thực hiện nhưng với số lượng còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trong những năm tới, dự kiến các hoạt động này sẽ được tiến hành với tần suất lớn hơn. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực còn khá mới mẻ này, các khóa đào tạo về kiểm toán chuyển giá đã và đang được triển khai đối với cán bộ ngành thuế. Các cơ quan thuế cho biết trọng tâm của kiểm toán chuyển giá không chỉ tập trung vào các công ty đa quốc gia lớn và thua lỗ mà còn bao gồm cả các công ty trong nước và/hoặc các công ty làm ăn có lãi nhưng lợi nhuận không ổn định.
Mặc dù hiện nay, các công ty bảo hiểm không phải là đối tượng được quan tâm trong lĩnh vực này song các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần tìm hiểu và nắm vững các quy định pháp luật về chuyển giá, đồng thời chuẩn bị các tài liệu cần thiết về vấn đề này trong các giao dịch với những bên có liên quan để có thể kịp thời phục vụ các cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết.
Nâng cao tính tuân thủ đối với Hệ thống kế toán Việt Nam
Tất cả các tổ chức hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ Hệ thống Kế toán Việt Nam (VAS), bao gồm việc sử dụng đơn vị tiền tệ và ngôn ngữ nước sở tại cũng như sơ đồ tài khoản. Tuy nhiên, các yêu cầu này không phải lúc nào cũng thống nhất với các hệ thống kế toán quốc tế. Mặc dù trong quá khứ, việc bắt buộc áp dụng VAS không được quy định nghiêm ngặt song đối với hoạt động kiểm toán thuế hiện nay, đây lại là một trong các lĩnh vực trọng tâm.
Việc không tuân thủ VAS một cách đầy đủ có thể gây ra những hệ lụy đáng kể, như việc bỏ qua các khoản giảm trừ thuế, khấu trừ thuế GTGT đầu vào hoặc ưu đãi thuế. Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cần phải chú ý tới vấn đề này và nên coi trọng việc tuân thủ VAS.
Các ưu đãi về tài chính năm 2011 không áp dụng đối với ngành kinh doanh bảo hiểm
Nhằm nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hoãn một năm đối với thuế TNDN năm 2011. Bên cạnh đó, các khoản hoãn thuế TNDN năm 2010 đến hạn trong năm 2011 cũng sẽ được tiếp tục gia hạn 9 tháng nữa. Tuy vậy, các công ty bảo hiểm thuộc diện doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không được hưởng chính sách ưu đãi này.
Ngoài ra, dự thảo nghị định về việc giảm 30% thuế TNDN năm 2011 áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cũng đang được các cơ quan chức năng soạn thảo. Mặc dầu vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm một lần nữa lại không thuộc diện được miễn giảm này.
Dự kiến những cải cách trong chính sách thuế năm 2012
Các hướng dẫn mới về thuế TNDN, thuế GTGT và Thuế tiêu thụ đặc biệt đang trong quá trình soạn thảo, dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2011 và có hiệu lực từ 01/01/2012. Các thay đổi tập trung chủ yếu vào việc điều chỉnh những hạn chế của hệ thống quy định hiện tại. Đồng thời, những quy định mới cũng nhằm giải quyết các vấn đề do các ngành đề xuất cũng như giới thiệu những cải cách trong chính sách thuế của Chính phủ.
Dự kiến thay đổi trong chính sách thuế TNDN
Những thay đổi dự kiến bao gồm các điều chỉnh theo hướng ưu đãi hơn đối với các khoản giảm trừ thuế TNDN, trong đó đáng chú ý là khoản phí dùng để mua bảo hiểm nhân thọ cho cán bộ nhân viên được khấu trừ toàn bộ từ thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp (với điều kiện phải có đủ các văn bản cần thiết theo quy định). Điều này sẽ có tác động tích cực đối với ngành bảo hiểm vì khi đó sẽ có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sẵn sàng đứng ra mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên của mình.
Ngoài ra, cũng có một số thay đổi khác song không hoặc ít có liên quan tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Dự kiến thay đổi về thuế nhà thầu nước ngoài
Hệ thống thuế nhà thầu nước ngoài (FCWT) là một tập hợp các quy định về thuế TNDN và thuế GTGT đối với các khoản chi trả cho các doanh nghiệp nước ngoài, chẳng hạn: lợi nhuận, tiền bản quyền, phí chuyển quyền sở hữu trí tuệ, chi phí quản lý và các khoản phí phải nộp về công ty mẹ. Trong lộ trình cải cách thuế, Chính phủ đang nghiên cứu hướng sửa đổi một số quy định về thuế TNDN trong hệ thống FCWT.
Dưới đây là những thay đổi dự kiến đối với tỷ lệ thuế TNDN áp dụng trong hệ thống FCWT ảnh hưởng tới các doanh nghiệp bảo hiểm:
Việc giảm tỷ lệ thuế giữ lại đối với hoạt động tái bảo hiểm là một bước tiến tích cực, mặc dù hầu hết các công ty tái bảo hiểm nước ngoài đều có thể được miễn thuế TNDN thông qua hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Việc giảm tỷ lệ thuế giữ lại đối với lợi nhuận từ 10% xuống còn 5% cũng được đánh giá cao trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (tùy thuộc vào cơ cấu vốn của từng doanh nghiệp) những tác động này có thể không đáng kể.
Phiên bản hiện tại về những điều chỉnh đối với hệ thống FCWT không bao gồm các điều khoản về việc chuyển tiếp qua nước thứ ba hoặc với các công ty mẹ của hội sở chính ở nước ngoài. Dẫu vậy, từ những cải cách trước đây đối với hệ thống FCWT cũng có thể cho thấy các chỉ dấu về việc sẽ ra đời các hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới.
Thảo Phương
(Lược dịch từ Recent tax developments affecting Vietnamese insurers, PWC)
Comments are closed.