Bên cạnh những sản phẩm bảo hiểm mới mà các doanh nghiệp đưa ra thị trường được sự đón nhận của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, thì cũng có không ít sản phẩm bảo hiểm ra đời rồi “chết yểu”.
Cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm ngày càng tăng, các doanh nghiệp bảo hiểm liên tục đưa ra sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng tối đa các nhu cầu đa dạng của khách hàng, duy trì và nâng cao thị phần. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm mới như: tài chính, tín dụng, trách nhiệm… đang được các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu triển khai.
Hiện sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đang giành được nhiều sự quan tâm từ các nhà quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và các doanh nghiệp xuất khẩu. Đã có 7 doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính cho phép cung ứng sản phẩm này. Bên cạnh ưu đãi về phí 20% do Bộ Tài chính cấp cho khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm còn nhận được nhiều sự hỗ trợ về nguồn lực từ phía Bộ để triển khai sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, mục tiêu hướng tới tỷ trọng 3% sản lượng xuất khẩu được bảo hiểm đến năm 2013.
Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm bảo hiểm mới mà các doanh nghiệp đưa ra thị trường được sự đón nhận của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, thì cũng có không ít sản phẩm bảo hiểm ra đời rồi “chết yểu”. Chưa có một đánh giá nào về vòng đời của một sản phẩm bảo hiểm, nhưng đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ thừa nhận, có những sản phẩm bảo hiểm ngay sau khi ra đời đã “chết yểu”. Hiệu quả không như mong đợi nên chính những công ty bảo hiểm cho ra đời sản phẩm đó cũng ngó lơ không quan tâm “chăm sóc”. Cùng chung số phận với những sản phẩm không đánh đúng tâm lý khách hàng là những sản phẩm thuộc dạng cho ra đời để bắt kịp những vấn đề nóng nào đó của xã hội hay cho ra đời chỉ để làm quảng cáo (PR).
Chẳng hạn, sau khi liên tiếp có các vụ nổ bình gas, nhiều công ty đã tung ra sản phẩm bảo hiểm cho nguy cơ này. Nhưng theo đánh giá sơ bộ của các công ty bảo hiểm, sản phẩm này không hiệu quả và chỉ sau một thời gian ngắn thì chìm vào quên lãng.
Hay như bảo hiểm cháy nổ, sau hàng loạt vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra như cháy xe máy, chung cư, chợ, tầng hầm trung tâm thương mại…, gây hoang mang cho người dân, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 242/CĐ-TTg gửi đến các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan thông tấn đại chúng về việc tăng cường biện pháp phòng cháy, chữa cháy trên diện rộng. Thực tế, Nhà nước đã có quy định hướng dẫn rất rõ và chi tiết, nhưng ý thức tham gia bảo hiểm cháy nổ của các cá nhân, tổ chức chưa cao, mà nguyên nhân chủ yếu là do không có sự đồng bộ từ nhiều phía: nhà bảo hiểm, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan. Phía doanh nghiệp thì e ngại với chi phí nên chưa chủ động mua bảo hiểm. Phía nhà bảo hiểm thì chưa kích cầu được thị trường, vì còn nhiêu khê trong thủ tục bồi thường. Các cơ quan hữu quan chưa có sự tuyên truyền sâu rộng và chưa tích cực phát hiện, xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, mức xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe. Tất cả vô tình tạo ra một căn bệnh “lờn thuốc”, bắt buộc thì làm, nhưng làm không đến nơi đến chốn.
Theo bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm AAA, cần phải thay đổi nhận thức “mất bò mới lo làm chuồng” vốn đã ăn sâu vào nếp suy nghĩ của người dân bấy lâu nay.
Ý thức mua bảo hiểm tự bảo vệ của người dân, doanh nghiệp có lẽ vẫn là rào cản lớn của các công ty bảo hiểm hiện nay. Chính vì thế, các công ty bảo hiểm dù nhìn thấy tiềm năng ở nhiều phân khúc, nhưng cũng không mặn mà đầu tư, mà chỉ chú tâm vào các sản phẩm bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm sức khỏe hoặc những sản phẩm bảo hiểm bắt buộc.
Có ý kiến cho rằng, khi xã hội phát triển, thói quen bị bắt buộc, xử phạt thì mới thực hiện cần phải loại bỏ. Thay vào đó là ý thức tự giác và phải biết gắn lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng. Bởi lẽ, không có ai bảo vệ mình tốt hơn chính mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, các công ty bảo hiểm cũng phải đánh giá lại công tác tuyên truyền và hơn thế nữa là nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm bảo hiểm thực sự sát sườn với nhu cầu của khách hàng.
(ĐTCK).
Comments are closed.