Nhiều quyền lợi của người lao động bị xem nhẹ

Kết quả thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội trong khối DN tại các khu công nghiệp, chế xuất tại Hà Nội do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội thực hiện tại 26 DN đại diện đã cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong việc triển khai quy định của pháp luật tại cơ sở. Đặc biệt, trong đó nhiều quyền lợi cơ bản của người lao động (NLĐ) còn bị xem nhẹ…

Ông Lê Hữu Long, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, không thể phủ nhận những cố gắng của DN trong năm 2011 – năm khó khăn trong hoạt động kinh doanh – nhưng các DN vẫn cố gắng bảo đảm chế độ phúc lợi nhằm chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều quyền lợi cơ bản, chính đáng của NLĐ bị bỏ qua. Tại 26 DN ở các khu công nghiệp như Nội Bài, Quang Minh, Bắc Thăng Long, Sài Đồng B, Hà Nội – Đài Tư, Thạch Thất, Phú Nghĩa vẫn còn tồn tại 494 hành vi vi phạm, trung bình 19 hành vi/DN. 17 DN đã bị xử phạt với số tiền phạt là 355 triệu đồng. Những con số này, theo ông Long đã thể hiện mức độ vi phạm pháp luật lao động, BHXH tại các DN được thanh tra là khá phổ biến. Có những quy định căn bản nhưng DN cố tình lơ là. Cụ thể, 100% số DN chưa thực hiện đầy đủ quy định về khám sức khỏe định kỳ (2 lần/năm) cho NLĐ; có 25/26 DN vi phạm nội dung hợp đồng lao động (không cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ các bên, thậm chí có cả những thỏa thuận trái luật); 20/26 DN chưa đăng ký sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; 17/26 DN vi phạm 2 nội dung là chưa thực hiện kiểm định đầy đủ các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và chưa cấp thẻ an toàn lao động hoặc cấp thẻ chưa đúng, chưa đủ cho người làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; 16/26 DN huy động NLĐ làm thêm với số giờ quá mức quy định; kỷ luật lao động và kế hoạch an toàn – vệ sinh hằng năm tại 50% DN được thanh tra chưa đúng hoặc chưa được xây dựng. Ngoài ra, còn 12/26 DN chậm nộp tiền BHXH và những nội dung trong thỏa ước lao động tập thể và nội quy lao động chưa phù hợp với quy định của pháp luật LĐ…

alt

Theo nhận định của đoàn thanh tra, những lỗi vi phạm cơ bản còn tồn tại là do từ 3 phía: chủ sử dụng lao động, NLĐ và tổ chức Công đoàn. NLĐ không biết quyền lợi của mình đang bị xâm phạm, nếu biết thì cũng không biết cách “gõ” ở đâu để đòi quyền lợi. DN thì trả lương cho NLĐ thấp nhưng vẫn cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định để né luật. Lương thấp, đời sống còn nhiều khó khăn nên NLĐ buộc phải chấp nhận bằng mọi giá, mọi điều kiện, kể cả điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.

“Mục tiêu cuối cùng của DN là tối đa hóa lợi ích, càng thu được nhiều lợi nhuận càng tốt, kể cả việc vi phạm pháp luật, vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn, điều kiện làm việc, thiết bị không bảo đảm và không loại trừ cả việc vi phạm quyền lợi của NLĐ nếu những vi phạm này chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự” – ông Lê Hữu Long cho biết. Vì vậy, để hạn chế vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, một trong những giải pháp được ông Long đưa ra là tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm và xử lý công khai, đặc biệt là với các DN vi phạm nhiều, DN đã được nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm. 

Ông Long cho rằng, cần tăng cường năng lực hệ thống thanh tra lao động, bởi hiện nay “Phòng Chính sách lao động của Hà Nội có hơn 10 người, trong khi cả Hà Nội có khoảng 50.000 DN. Thanh tra lao động toàn quốc có 150 người, làm nhiều việc trong khi cả nước có 500.000 DN”. Ông Long nói, vì vậy phải 100 năm mới quay lại thanh tra DN một lần. Điều này phản ánh một bất cập do số lượng cán bộ thanh tra ít nên công tác thanh tra, kiểm tra không được thực hiện đầy đủ, thường xuyên, nhất là chưa có cơ chế giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra tại các DN đã được thanh tra nên nhiều khi đoàn thanh tra đi rồi, DN vi phạm đâu lại vào đấy… Bên cạnh việc thắt chặt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý, cần tăng cường tuyên truyền và mở rộng các kênh tiếp cận thông tin, tập huấn về pháp luật lao động cho chủ sử dụng lao động vì hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng là hệ thống mở, hằng năm đều có thay đổi, sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

(HNM)

Comments are closed.