TT – Theo khung giá viện phí hiện hành (ban hành năm 1995), chi phí chạy thận nhân tạo là 150.000 đồng/lần (tối thiểu) và 300.000 đồng/lần (tối đa). Bộ Y tế đề xuất tăng lên 300.000 đồng (tối thiểu) và 400.000 đồng/lần (tối đa), nhưng thực tế nhiều bệnh viện đã nâng giá lên 400.000-750.000 đồng/lần chạy thận nhân tạo.
Anh Hoàng Hoài N. (20 tuổi, ở Hà Nội) là bệnh nhân suy thận, đã chạy thận nhân tạo gần ba năm nay. Đọc bảng dự kiến sửa đổi mức thu một phần viện phí của Bộ Y tế trên Tuổi Trẻ ngày 22-7, anh N. bức xúc: “Làm gì có mức 150.000- 300.000 đồng/lần chạy thận nhân tạo, giá này đã cũ lắm rồi”.
Khắp nơi “xé rào”
Anh N. kể mới đây anh đi Huế và chạy thận cấp cứu tại Huế tốn 980.000 đồng/lần. Tại Cần Thơ, anh N. cũng từng chạy thận năm lần, tốn 2.350.000 đồng.
Theo anh N., từ năm 2008 anh chạy thận tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), tiếng là chi phí 300.000 đồng/lần nhưng vào viện còn phải mua tấm trải giường, quần áo bệnh nhân, hộp hấp, găng tay… Là bệnh nhân nghèo, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) người nghèo, BHYT thanh toán 95% chi phí chạy thận, nhưng từ 1-1-2010 anh N. phải ký quỹ mỗi tháng 500.000 đồng để thanh toán phần 5% còn lại.
“Nếu tăng viện phí, Bộ Y tế nên xem xét mức phí của những bệnh viện đã có mức viện phí cao, nếu không người nghèo, người không có thẻ BHYT sẽ không trụ nổi” – anh N. nói.
Chúng tôi theo chân chị Nguyễn Thị N. (Thái Bình) đến Bệnh viện K trung ương sáng 22-7. Mặc dù chị N. có mặt tại bệnh viện từ 7g sáng để xếp hàng nhưng khi được vào phòng khám, bác sĩ đưa mấy tờ giấy yêu cầu xét nghiệm, ra quầy đóng tiền mất hơn 200.000 đồng, quay ra chỉ nhận được cái lắc đầu: “Hẹn hôm sau làm tiếp”.
Chị N. lo lắng bảo chị không có nhiều tiền làm sao ở lại Hà Nội chờ đến hôm sau, rồi ngơ ngác hỏi chúng tôi: “Tôi đóng tiền nhiều như vậy sao niêm yết của ngành y tế nói giá khám chỉ 2.000-3.000 đồng/người?”. Cuối cùng, chị N. đành tặc lưỡi chi tiền cho “cò bệnh viện”, đóng tiền một lần nữa để “khám dịch vụ” và ngay tức khắc chị được làm các xét nghiệm, chụp chiếu…
Tăng viện phí ảnh hưởng đến bệnh nhân BHYT
Chị Nguyễn Hoài An (Hà Nam), nuôi chồng bệnh tại Trung tâm điều trị ung bướu và y học hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng Bộ Y tế nói viện phí tăng không ảnh hưởng gì đến bệnh nhân BHYT là không đúng.
Chị An lo lắng: “Chồng tôi có thẻ BHYT, chỉ phải đóng 20% viện phí, nhưng mỗi đợt vô hóa chất phải đóng đến 5-7 triệu đồng. Phác đồ điều trị yêu cầu vô sáu đợt, giờ giá viện phí nhiều khoản tăng mạnh, số tiền bệnh nhân BHYT phải cùng chi trả với quỹ bảo hiểm cũng phải tăng theo, tôi không biết xoay xở thế nào”.
Chuyện tăng giá giường bệnh theo đề xuất của Bộ Y tế lên 100.000-180.000 đồng cũng là nỗi lo của chị An. “Hiện tại giá giường dịch vụ ở đây là 100.000- 150.000 đồng/người/ngày. Bây giờ niêm yết mới của Bộ Y tế, giường bệnh bình thường nhiều người nằm chung cũng có giá như giường dịch vụ thì ai chịu nổi?” – chị An thắc mắc.
Tăng nhưng phải hợp lý
Theo bác sĩ Đỗ Hoàng Giao – giám đốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM), việc tăng viện phí là cần thiết vì lâu nay giá viện phí mà BHYT thanh toán khám bệnh 3.000 đồng/lần, tiền giường 10.000 đồng/người/ngày là chưa hợp lý. Tuy nhiên, tăng ở mức nào cho hợp lý thì các bộ ngành phải nghiên cứu, nghe ngóng dư luận xã hội thêm trước khi ban hành.
BS Giao cũng cho biết khi viện phí tăng, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định dự kiến tăng giá một số loại dịch vụ mà bệnh viện thấy còn thấp. Khi đó, những bệnh nhân phải đóng tiền trực tiếp cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trả lời câu hỏi “Liệu tăng viện phí có tăng chất lượng điều trị?”, BS Giao cho rằng điều trị cho bệnh nhân không phải như kiểu “tiền nào của ấy” mà chất lượng điều trị của bệnh viện phụ thuộc nhiều vào số lượng bệnh nhân đến khám. Hiện bệnh viện đã nỗ lực hết sức để phục vụ bệnh nhân, nên sau này dù có tăng viện phí thì chất lượng điều trị cũng không thay đổi nhiều.
Tại cuộc họp báo giải thích về đề xuất tăng viện phí được Bộ Y tế tổ chức hôm 21-7, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang thừa nhận khi đề nghị mức thu viện phí mới phải nhìn toàn diện và điều chỉnh cả những trường hợp giá đã cao rồi, không chỉ có tăng giá mà phải xuống giá nữa.
“Phải nhìn tổng thể cả chuyện giường ghép, giá viện phí bệnh viện công phải thấp hơn bệnh viện tư, vì bệnh viện tư tính cả chi phí xây dựng cơ bản vào viện phí, như thế mới công bằng, đảm bảo thuyết phục và khả năng cân đối quỹ BHYT” – ông Quang nói.
Người bệnh mạn tính lo lắng Ông T.P.H., 50 tuổi, ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), đang điều trị tại khoa nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, kể suốt một năm rưỡi nay ông phải ở tại khoa này để điều trị bệnh ung thư trực tràng và đã tốn gần 200 triệu đồng, mặc dù ông có thẻ BHYT. Theo ông H., ông phải cùng chi trả 20% viện phí và bệnh của ông phải mua thêm nhiều loại thuốc không có trong danh mục thuốc BHYT nên rất tốn kém. Bây giờ nếu tăng viện phí, chỉ tính riêng việc đồng chi trả tiền giường thì mỗi tháng ông phải đóng 540.000 đồng, thay vì hiện nay chỉ đóng 60.000 đồng. Ông H. thở dài: “Nếu viện phí tăng như báo đăng, chắc tôi phải bỏ điều trị”. Ông N.H.K., 45 tuổi, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), mắc bệnh tiểu đường, suy giáp đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Ông K. kể ông phải dựa vào người mẹ già và những người hàng xóm tốt bụng mới có tiền cùng chi trả với BHYT 20% viện phí. Nghèo, không có tiền nên đến khi bệnh phát nặng ông mới đến bệnh viện. Hai tháng nay ông đã nhập viện bốn lần, mỗi lần phải nằm viện khoảng một tuần lễ. Nghe tin viện phí tăng, ông bảo: “Thôi thì sống được ngày nào hay ngày đấy!”. Bác sĩ Nguyễn Thi Hùng, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho rằng với mức viện phí dự kiến sửa đổi như báo chí thông tin trong những ngày qua là khá cao so với thu nhập của người dân hiện nay. Theo ông Hùng, tăng viện phí lần này chủ yếu ảnh hưởng đến bệnh nhân BHYT, mắc bệnh mãn tính, chứ với những bệnh nhân không tham gia bảo hiểm, khám và điều trị dịch vụ thì gần như không thay đổi bao nhiêu. Hiện nay các bệnh viện phải cạnh tranh nhau về giá dịch vụ để thu hút bệnh nhân nên không dễ tăng giá những loại dịch vụ này. THÙY DƯƠNG |
L.ANH – N.HÀ – T.DƯƠNG
TT
Comments are closed.