Nhân viên bảo hiểm bắt tay khách hàng trục lợi

altNgoài nguyên nhân “lỗ hổng” pháp luật, vấn nạn trục lợi bảo hiểm gia tăng còn có nguyên nhân do doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ quy trình làm việc chặt chẽ, nhân viên bảo hiểm thông đồng với khách hàng gian lận để trục lợi…

Muôn chiêu gian lận
 
Nguyễn Thị L. là y tá Bệnh viện Đa khoa huyện Y, tỉnh Bắc Giang. Hơn 1 năm trước, bố của y tá này là ông Nguyễn Văn B. phát hiện bị ung thư gan. Lợi dụng có quen biết với Trần Thị T. là cán bộ đại lý của Công ty Bảo hiểm Bắc Giang, L. đề nghị với T. cho bố mình được mua bảo hiểm an phát trọn đời với mức phí 10 triệu đồng/năm, trách nhiệm bồi thường tối đa là 300 triệu đồng. Do tin L., T. chỉ yêu cầu ông B. đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa huyện Y và hồ sơ khám bệnh của ông B. đủ điều kiện để mua bảo hiểm. Sau khi mua bảo hiểm được gần 1 năm, ông B. mất và L. làm đơn gửi Công ty Bảo hiểm Bắc Giang đòi bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng. Qua báo cáo của các cán bộ bảo hiểm được phân công đi viếng đám tang ông B. và dư luận, Công ty Bảo hiểm Bắc Giang biết ông B. bị ung thư vào thời điểm ký hợp đồng bảo hiểm, nên đã yêu cầu chị L. rút đơn đòi bồi thường, hủy hợp đồng, nhưng chị L. không chấp thuận.
 
“Để giảm số vụ trục lợi bảo hiểm đến mức thấp nhất, trước hết cần thống nhất nhận thức về trục lợi bảo hiểm, coi đó là một hành vi vi phạm pháp luật cần bị lên án về đạo đức và xử lý nghiêm minh bằng pháp luật. Đấu tranh chống trục lợi bảo hiểm không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Bảo hiểm mà phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội”.(Ông Phùng Đắc Lộc-Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam)

Vụ việc được chuyển cho cơ quan công an và Công an tỉnh Bắc Giang đã điều tra, thu thập được tài liệu chứng minh thời điểm trước khi mua bảo hiểm, ông B. đã đi khám chữa bệnh ung thư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang và Bệnh viện K. Trung ương. Trước những tài liệu, chứng cứ của cơ quan công an, y tá L. thừa nhận đã gian dối trong việc khai, lập hồ sơ để mua bảo hiểm cho bố hòng nhận một khoản tiền bồi thường lớn. Biết mình sai, L. đã tự nguyện làm đơn từ chối đòi bồi thường.
Kể lại câu chuyện trục lợi bảo hiểm trên, Đại tá Dương Văn Sắc – Phó Chánh văn phòng, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, có nhiều thủ đoạn trục lợi bảo hiểm từ phía khách hàng và từ sự thiếu trách nhiệm, thông đồng của cơ sở y tế, đại lý bảo hiểm. Đó là người tham gia bảo hiểm giấu bệnh, không kê khai đúng tình trạng bệnh tật của mình. Hoặc người tham gia bảo hiểm thông đồng với cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án giả để được mua bảo hiểm hoặc để được bồi thường bảo hiểm. Thậm chí, một số đại lý bảo hiểm thiếu trách nhiệm đã thông đồng với khách hàng khai gian…
 
Biết vẫn khó xử

Theo Đại tá Bùi Minh Thanh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an, trục lợi bảo hiểm hiện tập trung nhiều vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người. Trung bình những năm gần đây, mỗi năm phát hiện khoảng 11.000 vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền trục lợi khoảng hơn 100 tỷ đồng/năm, 90% số vụ trục lợi bảo hiểm là ở lĩnh vực nhân thọ và 96% số vụ này liên quan đến Prudential, còn Bảo Việt là doanh nghiệp có số vụ trục lợi bảo hiểm phi nhân thọ nhiều nhất. Sự gian lận trục lợi bảo hiểm này sẽ khiến những khách hàng trung thực và doanh nghiệp bị thiệt thòi.

Theo ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trục lợi bảo hiểm ngày càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang “đau đầu” với vô vàn chiêu thức gian lận bảo hiểm từ khách hàng, song lại chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Bởi hiện tại, khung pháp lý đối với hành vi vi phạm này chưa được hoàn thiện. Bộ luật Hình sự hiện chưa có quy định cụ thể về tội trục lợi bảo hiểm, đối tượng trục lợi chỉ bị xử với các tội danh liên quan như tham ô tài sản, lừa đảo, hối lộ, chiếm đoạt tài sản… tuy nhiên cần phải có yếu tố thiệt hại mới có thể kết tội và định khung hình phạt. Trong khi đó, hành vi trục lợi bảo hiểm thường bị phát hiện khi doanh nghiệp bảo hiểm chưa bị thiệt hại gì, nên không đủ yếu tố cấu thành tội danh. Vì vậy, khi phát hiện hành vi gian lận của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có cách duy nhất là từ chối bồi thường theo Luật Kinh doanh bảo hiểm.

“Doanh nghiệp bảo hiểm đang phải tự “bơi” trong biển mênh mông của nạn trục lợi bảo hiểm diễn ra ngày càng phổ biến. Nhiều vụ việc mà doanh nghiệp bảo hiểm đã phải “ngậm đắng” chấp nhận giải quyết bồi thường cho khách hàng trong khi biết chắc rằng đây là trường hợp gian lận bảo hiểm, nhưng không thể nào thu thập được bằng chứng”, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Pháp lý Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential cho biết.

Tuy nhiên, theo Đại tá Bùi Minh Thanh, ngoài nguyên nhân “lỗ hổng” pháp luật, vấn nạn trục lợi bảo hiểm gia tăng có nguyên nhân do doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ quy trình làm việc chặt chẽ, còn nhân viên bảo hiểm thông đồng với khách hàng gian lận để trục lợi… Do đó, trong lúc chờ hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến chống trục lợi bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động siết chặt quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quy trình xử lý công việc, phối hợp giữa các phòng, ban chức năng để hạn chế mức thấp nhất các hành vi gian lận bảo hiểm.

Nguồn:giaothongvantai.com.vn

{fcomment}

Comments are closed.