Nhận diện sản phẩm “cứu” doanh thu khối phi nhân thọ

Khó khăn năm cũ chưa hết, năm mới lại thêm rủi ro dịch bệnh khiến các dự tính của khối bảo hiểm phải thay đổi. Tập trung vào mảng nghiệp vụ nào để đẩy doanh thu, tạo đà cho tăng trưởng đang là bài toán khó với các doanh nghiệp phi nhân thọ.

Năm 2019, mặc dù thị trường bảo hiểm duy trì tăng trưởng ở mức cao 20,3%, nhưng lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ gặp nhiều khó khăn khi thị trường ô tô tăng trưởng không như kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công quá thấp so với kế hoạch…

Ðiều này ảnh hưởng tới những nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống (bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản – kỹ thuật…) vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp phi nhân thọ.

Ðại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thế mạnh và thị phần lớn về xe cơ giới tiết lộ, bảo hiểm xe cơ giới là mảng chủ lực của công ty, nhưng kết quả doanh thu những tháng đầu năm đang là âm.

Số liệu cập nhật mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2019 đạt 51.982 tỷ đồng, tăng trưởng 12,3%.

Trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp dự đoán thị trường phi nhân thọ chỉ tăng trưởng dưới 10% trong năm nay.

“Dịch bệnh đến và kéo dài đã tác động tiêu cực đến toàn bộ các ngành kinh tế. Nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống vốn đã khó khăn, những tưởng sẽ hồi phục vào năm 2020, nhưng xem ra lại tiếp tục là một năm không tăng trưởng nữa. Cứu cánh của các doanh nghiệp là mảng bán lẻ như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người… cũng đang khó khai thác”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.

Ðại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI) – một trong những doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường về nghiệp vụ xe cơ giới cho biết, trong quý I/2020, tốc độ tăng trưởng của nghiệp vụ này đã chậm lại.

Nguyên nhân chủ yếu do tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều khách hàng cá nhân hạn chế đi lại, khách hàng doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đình trệ nên cắt giảm việc mua bảo hiểm…

“Ðể chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, PTI vừa triển khai chương trình ưu tãi tặng thêm 1 tháng bảo hiểm cho khách hàng, riêng đối với dòng xe thương mại (những xe dành cho kinh doanh), PTI còn tặng thêm 20% phí bảo hiểm. Ðối với nghiệp vụ bảo hiểm con người – một trong những sản phẩm chủ chốt của mảng bán lẻ khi bảo hiểm Covid-19 phải dừng khai thác, các doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm kiếm và phát triển sản phẩm mới, bởi nhu cầu mua bảo hiểm sức khỏe luôn tăng cao trong mùa dịch”, đại diện PTI nói.

Ðể khai thông nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, ngoài PTI, các hãng bảo hiểm khác cũng liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi như giảm phí khi mua trên kênh trực tuyến, tặng phí cho khách hàng mua với thời hạn dài…

Chia sẻ về chiến lược hoạt động năm 2020, đại diện Bảo hiểm BIDV (BIC) cho hay, kênh bancassurance đã tăng trưởng gần 70% trong năm 2019, góp phần giúp Công ty hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm ngay từ đầu tháng 12/2019. Trong năm nay, BIC tiếp tục đặt kỳ vọng vào kênh này.

“Năm 2020, cùng việc tập trung phát triển các sản phẩm bán lẻ, các kênh bán hàng mới, nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng, BIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh doanh thu kênh bancassurance bằng việc tận dụng lợi thế mạng lưới và nền tảng khách hàng của các đối tác ngân hàng, tổ chức tín dụng hiện hữu, đồng thời tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức tín dụng mới trên toàn quốc”, đại diện BIC cho biết.

Lãnh đạo Bảo hiểm PVI thì thông tin, cùng với việc tập trung vào mảng thế mạnh là bảo hiểm kỹ thuật (hiện dẫn đầu thị trường về mảng này), Công ty sẽ đẩy mạnh khai thác các nghiệp vụ quan trọng khác như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm du lịch và tai nạn, bảo hiểm xe cơ giới.

Với Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), năm 2020, bên cạnh việc nghiên cứu phát triển các nhóm sản phẩm mới, hãng bảo hiểm này sẽ tập trung vào giải pháp phát triển doanh thu đối với các nghiệp vụ bảo hiểm con người, xe cơ giới – được đánh giá có nhiều tiềm năng hợp tác bán lẻ thông qua các đối tác.

Năm 2019, nghiệp vụ bảo hiểm con người của BMI tăng trưởng 22%, trong đó đóng góp chủ yếu là nhóm sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ.

“Bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe vẫn sẽ là những nghiệp vụ chủ lực của các công ty bảo hiểm trong giai đoạn này. Ðể thúc đẩy doanh thu, có thể các công ty bảo hiểm sẽ phải tăng tỷ lệ chi phí cho khai thác viên.

Riêng bảo hiểm con người, nghiệp vụ này sẽ được đẩy mạnh qua nhiều kênh bán hàng, bao gồm cả bancassurance”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Theo Gia Linh (ĐTCK)