Người mua xe phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Xe Innova J được xem là có lỗi do nhà sản xuất(PL&XH) – Nếu chứng minh được thiệt hại có xảy ra và lỗi của sản phẩm có thể gây nguy hiểm (ví dụ như nguy hiểm về độ an toàn khi sử dụng sản phẩm trên, nếu có) thì người tiêu dùng có thể nhận được các khoản bồi thường.

Những thông tin về lỗi các sản phẩm Innova của Toyota Việt Nam được tiết lộ ra ngoài nhờ kỹ sư Lê Văn Tạch, người đã làm việc tại TMV từ tháng 3-2003 với vai trò một kỹ sư của bộ phận lắp ráp, cùng nhiệm vụ hỗ trợ bộ phận sản xuất điều tra nguyên nhân gây ra lỗi bất thường của xe ôtô.

Theo ông Tạch, sau những lần phát hiện và báo cáo với lãnh đạo Cty TMV nhưng không được giải quyết, ông đã quyết định gửi tài liệu đã thu thập được đến Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan báo chí về những thông tin này.

Giám đốc sản xuất của TMV, Tadashi Yoshida thừa nhận những lỗi mà kỹ sư Tạch kiến nghị là hoàn toàn có thật và TMV sẽ chịu trách nhiệm nếu có thiệt hại xảy ra khi các xe có lỗi này vận hành, nhưng ông cũng khẳng định những lỗi này được phát hiện do chính các kỹ sư trong đội kiểm tra về chất lượng của TMV và Ban giám đốc đã có những phản ứng thích hợp. Cụ thể, TMV đã có quyết định không thông báo lỗi sửa chữa rộng rãi (thu hồi để sửa chữa) tới các khách hàng đã sử dụng những sản phẩm trên bởi xét tổng quan độ an toàn của cả chiếc xe, những yếu tố này vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Và những lỗi này, hoàn toàn có thể phát hiện và xử lí trong quá trình nhận bảo dưỡng định kỳ.

Cụ thể đã có khoảng 200 xe Innova J (được sản xuất từ tháng 2 đến tháng 10-2010) có hiện tượng áp suất dầu phanh của xi-lanh bánh sau vượt mức tiêu chuẩn từ 1,5 đến 2 lần. 1.050 xe Innova khác (được sản xuất từ tháng 4 đến tháng 10-2010) có bu lông bắt móc neo chân hàng ghế thứ 3 bị giảm lực siết và có khoảng 7.580 xe (sản xuất trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 10-2006) được siết bu lông camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn (không tạo lực ép trước khi siết bulông)…

Tuy nhiên theo kỹ sư Tạch, đối với lỗi về áp suất dầu thắng xảy ra trên xe Innova J đã có khoảng 26.000 xe bán ra chứ không phải 200 xe như TMV nói. Tương tự xe bị lỏng bu-lông chân ghế cũng đã có khoảng 48.000 chiếc được xuất xưởng trước khi phát hiện lỗi. Những chiếc xe này được sản xuất hàng loạt theo dây chuyền nên không thể nói chỉ chiếc này bị lỗi chiếc kia thì không. Ông Tạch cũng cho biết, việc TMV cho rằng các lỗi đó vẫn nằm trong giới hạn an toàn và không thu hồi xe là không chấp nhận được.

Ngày 4-4, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có cuộc họp với TMV về một số nội dung trong lá đơn của kỹ sư Lê Văn Tạch. Ông Đỗ Hữu Đức, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, sau khi nhận được văn bản và các tài liệu liên quan đến một số lỗi kỹ thuật của các dòng xe Innova và Fortuner do kỹ sư Lê Văn Tạch kiến nghị, Cục đã giao cho bộ phận kỹ thuật nghiên cứu.

Ngày 1-4, Cục đã có văn bản yêu cầu TMV cung cấp các tài liệu có liên quan và hôm nay là yêu cầu nội dung cần giải trình. Cục sẽ xem xét, đánh giá thận trọng, khách quan để đảm bảo đầy đủ các quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng.

Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, đối với tất cả các loại hàng hóa thuộc danh mục phải quản lý Nhà nước về chất lượng, nếu sản phẩm đó có lỗi, có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng thì phải triệu hồi và khắc phục (Theo thông lệ, việc triệu hồi sản phẩm để khắc phục lỗi sẽ do nhà sản xuất tiến hành thực hiện và có báo cáo cụ thể đến cơ quan quản lý về nội dung, phương thức, tiến độ…).

Nhiều luật sư cũng cho rằng, khi tai nạn xảy ra, người sử dụng cũng khó có thể cảm nhận được là lỗi do đâu: Do kỹ thuật hay do người điều khiển. Mà bồi thường thiệt hại thì về nguyên tắc khách có thể yêu cầu nhưng thực tế thiệt hại (về tiền, tài sản, con người) chưa xảy ra.

Trước mắt khách đang sở hữu xe có ba lỗi kỹ thuật nêu trên chỉ có thể khiếu nại trực tiếp lên TMV yêu cầu khắc phục. Nếu không đồng tình với trả lời khiếu nại thì khách có quyền khởi kiện yêu cầu hãng thu hồi sản phẩm để khắc phục sự cố của xe theo Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ban hành năm 2007.

Thẩm quyền giải quyết vụ việc này sẽ là TAND cấp huyện nơi bị đơn đặt trụ sở (trụ sở TMV). Như vậy người tiêu dùng có thể khởi kiện tại TAND thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nơi Cty ô tô Toyota Việt Nam đặt trụ sở. Tuy nhiên cần lưu ý rằng nếu trong hợp đồng mua bán các bên có thỏa thuận điều khoản Trọng tài, thì vụ việc có thể đưa ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài thương mại.

Nếu chứng minh được thiệt hại có xảy ra và lỗi của sản phẩm có thể gây nguy hiểm (ví dụ như nguy hiểm về độ an toàn khi sử dụng sản phẩm trên, nếu có) thì người tiêu dùng có thể nhận được các khoản bồi thường. Bên cạnh đó người tiêu dùng có thể được sửa chữa xe do các lỗi nhà sản xuất hoặc được thay thế phụ tùng đảm bảo với chất lượng mà hãng Toyota đã công bố. Mức độ bồi thường như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức thiệt hại thực tế (nếu có) do những lỗi của sản phẩm gây ra.

Xuân Thanh
phapluatxahoi.vn

Comments are closed.