Người lao động không mặn mà với bảo hiểm thất nghiệp

Nhân viên tiếp nhận hồ sơ thường đông hơn số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh: Minh SangSau nửa năm đưa vào thực hiện, những tưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo người lao động, tuy nhiên trên thực tế thì tại các điểm tiếp nhận hồ sơ thất nghiệp, nhân viên trực thường đông hơn số người đăng ký.

Đã hơn 9 giờ sáng, nơi tiếp nhận hồ sơ người lao động (NLĐ) các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai thuộc Phòng Đào tạo nghề, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (địa chỉ E6B, ngõ 33, phố Tạ Quang Bửu) vẫn vắng lặng như tờ.

Phòng Tiếp nhận thông tin hiện ra trước mắt tôi với một hàng ghế trống trơn. Bên trong, chỉ độc một nhân viên với vài ba tập hồ sơ. Nhân viên này cho biết, gần suốt một buổi sáng làm việc mới có hai trường hợp tới tìm hiểu thêm thông tin chứ chưa tiến hành các thủ tục hoàn thiện hồ sơ, lắm hôm ngồi cả buổi mà cũng chỉ phải tiếp hai, ba trường hợp.

Tương tự là địa điểm tiếp nhận hồ sơ của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội (144 Trần Phú, Q.Hà Đông) tịnh không một bóng NLĐ.

Tới gần 11 giờ trưa, nghĩa là sau gần một tiếng đồng hồ phóng viên có mặt tại đây, mới thấy một trường hợp tới để được tư vấn về các thủ tục giấy tờ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đó là trường hợp của chị N.T.T.M, nhân viên của một công ty xuất nhập khẩu mây tre đan có trụ sở đóng tại thị trấn Chúc Sơn, thuộc H.Chương Mỹ.

Chị M. cho biết: trên địa bàn Hà Nội có quá ít địa điểm để tiếp cận thông tin, trong khi từ nơi làm việc tới được chỗ nộp hồ sơ gần nhất là Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội cũng ngót 20 cây số.

Bên cạnh đó với tâm lý e ngại các thủ tục hành chính rườm rà, sợ mất thời gian nên chẳng có mấy anh chị em trong công ty mặn mà với các điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết quyền lợi BHTN.

Theo số liệu thống kê, trong cả tháng 5, Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội – nơi tiếp nhận hồ sơ NLĐ của quận Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ mới chỉ tiếp nhận được 39 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Và con số này cũng bằng với số lượng NLĐ thất nghiệp đến với Trung tâm cả ba tháng trước đó cộng lại.

Tại 5 điểm đăng ký BHTN khác của Hà Nội là 285 phố Trung Kính; E6B ngõ 33 phố Tạ Quang Bửu; số 1 phố Vạn Hạnh trong khu đô thị mới Việt Hưng; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sóc Sơn; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thanh Trì, tính gộp cả 5 tháng cũng chỉ tiếp nhận được 870 hồ sơ.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, số lượng người lao động mất việc trên thực tế cao hơn nhiều lần so với số liệu thống kê từ các địa điểm đăng ký BHTN của thành phố.

Nguyên nhân do việc đóng BHTN mới được tiến hành từ ngày 1.1.2009 và sau 12 tháng người lao động mới được hưởng quyền lợi, trong khi nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn còn cố tình “né” BHTN nên số lượng hồ sơ còn ít.

Mặt khác theo quy định, người lao động sau khi mất việc sẽ được hưởng trợ cấp 3 tháng lương ở mức 60% của lương bình quân 6 tháng liên tiếp, liền kề trước khi có quyết định nghỉ việc. Nhưng phần lớn lượng lao động thất nghiệp hiện tại đều là lao động phổ thông với mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng, mức hưởng trợ cấp không đáng kể nên họ sẵn sàng bỏ qua.

Ngoài ra, quy định sau 15 ngày phải hoàn tất được hồ sơ, nếu không sẽ mất quyền hưởng BHTN lẫn các quyền lợi khác cũng khiến những NLĐ gặp vướng mắc phải cần nhiều hơn 15 ngày mới có thể hoàn thành được sổ BHXH không thể tham gia đăng ký.

Minh Sang
Báo Thanh Niên

Comments are closed.