Ngư dân “ngại” bảo hiểm

Nhiều ngư dân vẫn ngại mua bảo hiểmKhông mua bảo hiểm, đến khi gặp sự cố gặp bão, tai nạn ngoài khơi, tàu chìm, tàu hỏng… nhiều ngư dân và chủ tàu ở Quảng Ngãi không còn cách nào khác là tự cắn răng mà chịu, không ít gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất.

Trắng tay vì không có bảo hiểm

Chỉ sau 3 ngày kể khi rời bến ra khơi, vào sáng sớm 17/12/2010, tại khu vực biển gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 55 011 Ts của anh Nguyễn Văn Bay, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi và 11 ngư dân cùng đi, đã gặp sóng dữ và bị chìm. Tuy toàn bộ thuyền viên may mắn được tàu của anh Tiêu Viết Lành, ở cùng quê, đang đánh bắt ở gần đó chạy đến và cứu vớt kịp thời thế nhưng toàn bộ phương tiện và ngư lưới cụ, trang thiết bị trên tàu đã bị chôn vùi dưới biển.

Được biết, chiếc tàu trên trị giá khoảng 1 tỉ đồng. Để có nó, anh Bay và anh ruột của mình là Nguyễn Văn Tày (52 tuổi), phải gom góp toàn bộ tiền bạc đã tích cóp, đồng thời vay mượn thêm gần 500 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Mai (46 tuổi), vợ anh Bay, hối tiếc: Giá như trước đó mà mua bảo hiểm, thì với số tiền đền bù là 60%, so với giá trị của con tàu, gia đình đỡ bớt phần nào túng quẫn.

Phương tiện không còn, tài sản tích cóp đã mất, nợ nần ngập đầu nên người con gái lớn của chị Mai phải đi làm thuê cho người khác để lấy tiền phụ gia đình nuôi 4 em đi học.
Không riêng gì trường hợp trên, theo thống kê của cơ quan chức năng Quảng Ngãi, trong số gần cả trăm tàu thuyền của tỉnh bị tai nạn khi đang hành nghề đánh bắt trên biển trong vòng 3 năm qua, số được trả bảo hiểm chỉ vài chục chiếc.
 
Bảo hiểm: Mua dễ, nhận khó?

Chủ tàu Bùi Văn Hải (45 tuổi), ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho rằng: Số tiền mà chủ tàu bỏ ra để mua bảo hiểm cho phương tiện chỉ khoảng độ 5-10 triệu đồng/tàu, chẳng là bao so với trị giá của mỗi phương tiện gần cả tỉ đồng. Thế nhưng do thủ tục bồi thường rối rắm, phức tạp và mất nhiều thời gian đi lại nếu chẳng may tàu bị sự cố, tai nạn; trong khi đó chủ tàu lại chỉ mong và lo làm sau khắc phục sự cố cho phương tiện để mau chóng ra khơi “gỡ gạc” lại…

“Nói thật, phần đông chủ tàu không mấy quan tâm. Một số khác dù có mua, thì cũng chỉ để đối phó lại sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Vì vậy họ khai “hạ” giá trị thực của tàu xuống, để giảm bớt tiền mua bảo hiểm”, chủ tàu Hải nói.

Còn chủ tàu Nguyễn Văn Thành, ở Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ lại cho rằng: Mua thì rất dễ, nhưng để nhận được tiền bồi thường của bảo hiểm vất vả vô cùng.

Theo lời anh Thành, cách đây 2 năm, anh đã mua bảo hiểm cho tàu của mình tại Công ty Bảo hiểm K. Thế nhưng trong một lần ra khơi, tàu chẳng may bị va vào rạng, hư hỏng khá nặng. Sau khi nhờ tàu người bạn lai dắt vào bờ, gia đình đi báo với hãng bảo hiểm để làm thủ tục bồi thường. Tuy nhiên hơn 1 tháng đi lại, làm đủ các thủ tục mới nhận được tiền bồi thường.

Ông Ngô Ngọc Bính, Giám đốc Bảo Minh, một trong những doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm cho tàu cá, phân bua: Do đặc thù của loại phương tiện này là hoạt động ngoài khơi, nên đòi hỏi phải mất nhiều thời gian để kiểm tra, xác nhận và hoàn tất hồ sơ theo quy định, dẫn đến nhiều trường hợp bồi thường bị chậm trễ. Bên cạnh đó khi phương tiện hư, chủ tàu và cũng là người đứng tên lo sửa chữa, rồi theo tàu ra khơi, mọi việc còn lại uỷ quyền lại cho vợ, người thân ở nhà làm thủ tục, nhưng họ lại không biết, nắm được cụ thể vụ việc, các quy định…

Trong khi đó, theo ông Phùng Đình Toàn, Phó chủ tịch Hội nghề cá Quảng Ngãi: Ngoài ngại thủ tục, thì ngư dân và chủ phương tiện chưa nhận thức đúng về việc này. Ngay cả chuyện làm và gia hạn đăng ký, đăng kiểm, sang tên khi mua, cải hoán lại phương tiện… nhiều chủ tàu cũng không thực hiện. Đến khi xảy ra sự cố, gia đình lâm vào cảnh khó khăn họ mới hiểu, thì tất cả đã quá muộn. Vì vậy trong số hàng chục tàu thuyền bị nạn hàng năm trong thời gian qua, gần như phần lớn là ngư dân tự bỏ tiền, đi vay mượn để sửa, sắm lại, chứ chẳng mấy trường hợp có đầy đủ thủ tục để được bên bảo hiểm, Nhà nước chi trả, bồi thường và hỗ trợ.

Từ 2009 đến nay, mặc dù Nhà nước hỗ trợ 100% đối với ngư dân và 30% cho chủ tàu khi tham gia bảo hiểm, tuy nhiên theo quy định thì chủ tàu bỏ tiền ra đóng trước, sau đó ngân sách trả lại, nhưng số chủ tàu, ngư dân tham gia vẫn không nhiều.
 
H.V.T
bee.net.vn


Comments are closed.